Đảo Iwo Nhật Bản |
Tân Hoa xã đưa tin, ngày 6 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đến thị sát đảo Iwo và cho biết, sẽ coi đảo này là cứ điểm phòng vệ đảo nhỏ của Nhật Bản, tăng cường triển khai cảnh giới, phòng vệ đối với vùng biển xung quanh đảo Iwo.
Theo hãng Kyodo, Nhật Bản, ông Itsunori Onodera cho biết, hoạt động của các nước xung quanh tại khu vực Thái Bình Dương ngày càng dồn dập, trong tương lai Nhật Bản sẽ coi đảo Iwo là cứ điểm phòng vệ đảo nhỏ. Ông còn cho biết, để bảo vệ quyền lợi biển, công tác thu thập tình báo rất quan trọng, cần thiết thiết lập cơ sở nghe lén thông tin ở đảo Iwo.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch từ năm 2017 khởi động cơ sở nghe lén thông tin ở đảo Iwo, đồng thời đưa chi phí có liên quan vào ngân sách năm tài khóa 2014.
Đảo Iwo nằm cách Thủ đô Tokyo Nhật Bản 1.200 km về phía nam, diện tích khoảng 22 km2. Tháng 2 năm 1945, quân Mỹ đổ bộ lên đảo Iwo, đã triển khai cuộc chiến kịch liệt khoảng 1 tháng với quân Nhật đồn trú trên đảo, quân Nhật có hơn 20.000 người, quân Mỹ có khoảng 7.000 người chết.
Vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thị sát đảo Iwo và tuyên bố cho biết, trong tương lai Nhật Bản sẽ đầu tư 13 tỷ yên thiết lập một trạm theo dõi, giám sát điện tử cỡ lớn ở đảo Iwo.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan thăm đảo Iwo. |
Theo giải thích của truyền thông Nhật Bản, Nhật Bản thiết lập trạm theo dõi, giám sát này ở đảo Iwo chính là nhằm vào hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở một phần vùng biển phía đông chuỗi đảo thứ nhất, nghe lén và kiểm soát có hiệu quả hoạt động của máy bay quân sự và tàu chiến Trung Quốc tại vùng biển này.
Trên thực tế, cách nói này của Nhật Bản nghe ra dường như không khác gì cách trình bày nhất quán của họ, nhưng xem kỹ sẽ phát hiện có điểm thú vị khác.
Trước hết là xem vị trí của đảo Iwo. Đảo Iwo thực chất nằm ở chuỗi đảo thứ hai, chính là ở quần đảo Ogasawara. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân Mỹ và quân Nhật đã có một trận "huyết chiến" ở hòn đảo nhỏ này, quân Mỹ đã giành thắng lợi và cắm cờ quân Mỹ lên đảo Iwo. Như vậy, đảo Iwo nằm ở chuỗi đảo thứ hai, việc triển khai lực lượng quân sự của Nhật Bản đã "lệch hướng".
Bởi vì, đảo Iwo không nằm trên hướng tây nam của quần đảo Nhật Bản, trong khi Nhật Bản luôn nhấn mạnh đến mối đe dọa đến từ Trung Quốc, muốn triển khai lực lượng quân sự ở hướng tây nam, đối phó với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, đảo Senkaku. Nhìn vào bản đồ, đảo Iwo thực ra gần với đảo Guam hơn, hơn nữa cũng bắt đầu từng bước áp sát hướng Hawaii.
Vị trí cụ thể của đảo Iwo (giữa vệt trắng) |
Nhật Bản thiết lập trạm nghe lén ở hòn đảo này có quy mô lớn thế nào, so sánh một chút sẽ phát hiện, mấy năm trước, Nhật Bản từng mất thời gian 3 năm và 2,5 tỷ yên để xây dựng một trạm nghe lén điện tử ở đảo Miyako, nơi gần đảo Senkaku. Nếu so với trạm nghe lén định thiết lập ở đảo Iwo như Bộ trưởng Itsunori Onodera tuyên bố, đầu tư cho trạm nghe lén này là 13 tỷ yên, quy mô gấp trên 5 lần so với quy mô trạm nghe lén ở đảo Miyako.
Theo bài viết, những năm qua, Hải quân Trung Quốc đột phá chuỗi đảo thứ nhất, xâm nhập Thái Bình Dương, nhưng luôn giới hạn tương đối về tần suất cũng như quy mô hành động. Trên thực tế, hoạt động ở vùng biển này dồn dập nhất, có quy mô lớn nhất không phải là lực lượng trên biển, trên không của Trung Quốc, mà là lực lượng của quân Mỹ.
Trần Hổ cho rằng, sau khi điều chỉnh triển khai lực lượng đợt mới ở châu Á của quân Mỹ, Guam đã trở thành trung tâm và đầu mối trọng yếu triển khai lực lượng trên hướng châu Á-Thái Bình Dương của quân Mỹ, trong khi đó đảo Iwo gần Guam nhất.
Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập săn ngầm |
Nếu liên hệ những điều đó với nhau sẽ đưa ra kết luận như sau: Ở đây, hoạt động của Hải quân Trung Quốc hạn chế, còn hoạt động của Mỹ thường xuyên, ở đây cách căn cứ chính của Hải quân Trung Quốc rất xa, nhưng lại cách Guam, điểm trung tâm của quân Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương rất gần, thậm chí bắt đầu từng bước áp sát Hawaii.
Thực ra, xây dựng một trạm nghe lén lẽ ra không được coi là một việc lớn nghiêm trọng, nhưng Nhật Bản tích cực tạo thế, Bộ trưởng Quốc phòng còn đến thị sát và tập trung tuyên bố phải xây dựng trạm nghe lén ở đây.
Theo đó, tướng học giả Trung Quốc Trần Hổ phỏng đoán về "ý đồ thực sự" của Nhật Bản: Trước hết thông qua phương thức này tuyên bố với Mỹ, đồng thời tích cực lấy động thái này gắn với sự bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, rõ ràng là muốn sử dụng ngôn từ đối phó với Trung Quốc để tác động đối với Mỹ, để Mỹ xác nhận và ủng hộ cho hành động này của họ, tránh để Mỹ nảy sinh tâm lý nghi ngờ đối với trạm nghe lén được Nhật Bản thiết lập ở đảo Iwo.
Với quan điểm như vậy, có lẽ tướng "bàn giấy" Trần Hổ đang tìm cách ly gián quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật!? Ông Trần Hổ nói tiếp rằng, mặt khác, khi trả lời vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều thể hiện thái độ thẳng thắn, hoàn toàn không đặc biệt quan tâm lắm.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho rằng, hoạt động của Trung Quốc trong khu vực là hoạt động thông thường, Nhật Bản ra sức "khuấy động" thực chất là có "chủ ý" gì, chỉ cần phân tích một chút là ra "manh mối".
Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc do Nhật Bản chụp được. |
Theo Trần Hổ, trên thực tế, hành động hiện nay của Nhật Bản cho thấy, họ đã có kế hoạch muốn kiểm soát vùng biển và vùng trời có phạm vi lớn hơn. Nhật Bản rốt cuộc nhằm vào ai?
Theo Trần Hổ, đảo Iwo không chỉ lệch về phía đông, mà còn ở khu vực cách Tokyo hơn 1.000 km về phía nam - nơi đây là tuyến đường sinh mệnh trên biển 1.000 hải lý của Nhật Bản. Từ hành động cả ở hai hướng tây nam - đông nam của Nhật Bản có thể thấy, cùng với việc nhấn mạnh tới mối đe dọa từ Trung Quốc, ứng phó với mối đe dọa Trung Quốc, thực ra Nhật Bản đang triển khai bố trí chiến lược lớn hơn.
Trong bố cục chiến lược này, ở bề ngoài, về mặt dư luận, Nhật Bản tích cực nhấn mạnh là nhằm vào Trung Quốc, nhưng trên thực tế, đối tượng nhằm vào của Nhật Bản tuyệt đối không chỉ là Trung Quốc, thậm chí đến đồng minh trụ cột của họ là Mỹ cũng nằm trong đó.
Theo Trần Hổ, trong những biểu hiện hữu khuynh hóa ở Nhật Bản những năm gần đây, có một hiện tượng là rất nhiều nhân vật có biểu hiện nổi bật ban đầu không phải là cứng rắn với Trung Quốc, mà cứng rắn với Mỹ. Nhân vật cánh hữu điển hình nhất của Nhật Bản là ông Shintaro Ishihara, tác phẩm nổi tiếng ban đầu của ông này mang tên "Người Nhật Bản có thể nói không", mà đối tượng nói "không" khi đó của cuốn sách này chủ yếu là nhằm vào Mỹ.
Nhật Bản nhiều lần bám sát hạm đội huấn luyện biển xa của Trung Quốc |
Liên hệ tất cả những hiện tượng này có thể phát hiện, về chiến lược, Nhật Bản có tham vọng lớn hơn, còn tham vọng này một khi được thực hiện, không chỉ có đối tượng nhằm vào là Trung Quốc, các nước láng giềng Nhật Bản, mà còn thậm chí có Mỹ - đối thủ cũ của họ trên chiến trường Thái Bình Dương trước đây.
Các đối tượng này đều sẽ "đối mặt với mối đe dọa thực sự" từ Nhật Bản. Có lẽ vào một ngày nào đó, Nhật Bản thực sự sẽ nói "không", hơn nữa đối tượng nói "không" này trước tiên sẽ chính là Mỹ - Trần Hổ tự nhận định.