Tướng về hưu
Từ lúc ông về nghỉ hưu (đầu năm 2009) ở xã Thanh Bình quê hương, ông đã dành nhiều thời gian, công sức đi vận động xây dựng nhiều phòng học, nhà tình nghĩa, tình thương… cho xã nhà và các tỉnh lân cận. Ông quan niệm cuộc đời mình mang nợ quá nhiều quê hương, bà con, đồng chí, đồng đội... Khi còn làm việc, thời gian không cho phép ông “trả nợ” ân tình, giờ về hưu rảnh rỗi, ông dành hết thời gian, sức lực còn lại để trả món nợ vô hình ấy.
Công trình ông tâm đắc nhất mà ông đã vận động xây dựng chính là nhà thờ cúng liệt sĩ và nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Bình (với kinh phí khoảng 800 triệu đồng), được thực hiện vào năm 2011. Đây là nghĩa trang liệt sĩ cấp xã đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhà thờ cúng liệt sĩ.
Từ lúc ông về nghỉ hưu (đầu năm 2009) ở xã Thanh Bình quê hương, ông đã dành nhiều thời gian, công sức đi vận động xây dựng nhiều phòng học, nhà tình nghĩa, tình thương… cho xã nhà và các tỉnh lân cận. Ông quan niệm cuộc đời mình mang nợ quá nhiều quê hương, bà con, đồng chí, đồng đội... Khi còn làm việc, thời gian không cho phép ông “trả nợ” ân tình, giờ về hưu rảnh rỗi, ông dành hết thời gian, sức lực còn lại để trả món nợ vô hình ấy.
Công trình ông tâm đắc nhất mà ông đã vận động xây dựng chính là nhà thờ cúng liệt sĩ và nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Bình (với kinh phí khoảng 800 triệu đồng), được thực hiện vào năm 2011. Đây là nghĩa trang liệt sĩ cấp xã đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhà thờ cúng liệt sĩ.
Khu lưu niệm Căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy. Nơi đây, ông Tư Bốn cùng đồng đội đã đánh địch nhiều trận. |
Gặp chúng tôi, ông Tư Bốn kể nhiều về những kỷ niệm thời kháng chiến, khi ông cùng đồng đội được nhân dân đùm bọc, che chở. Quê ông là vùng đồng bằng trống trải, không có “địa hình” để các chiến sĩ ẩn náu. Các chiến sĩ phải xây dựng căn cứ trong lòng dân, dựa vào dân mà chiến đấu. Nhiều gia đình phải chịu tra tấn, hy sinh để bảo vệ cách mạng, bảo vệ lực lượng cách mạng. Cả xã Thanh Bình có gần 400 liệt sĩ.
Ông Tư Bốn đưa tôi đi thăm nghĩa trang. Hàng trăm ngôi mộ thẳng tắp, màu sơn còn mới, nhiều cây cảnh được trồng dọc theo lối đi. Ở cuối nghĩa trang là nhà thờ cúng liệt sĩ với bức phù điêu khá lớn miêu tả một trận đánh oai hùng của quân và dân xã Thanh Bình.
Nằm bên nhà thờ cúng liệt sĩ là dãy nhà không vách, lợp ngói, lát gạch tàu, là nơi thân nhân liệt sĩ ngồi nghỉ, dùng cơm khi đến viếng người thân. Mỗi năm 2 lần vào dịp 27.7 và Tết cổ truyền, thân nhân các liệt sĩ sẽ được mời về đây để thăm viếng mộ người thân, được mời dùng bữa cơm, ôn lại truyền thống gia đình.
Đó cũng là dịp để ông Tư Bốn thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh những gia đình đã hy sinh cho đất nước, đã che chở ông trong những năm chiến tranh, để ông tìm cách giúp đỡ họ. Ông đưa tôi đi dọc theo các dãy mộ, thỉnh thoảng lại dừng lại kể về chiến tích, sự hy sinh anh dũng của một liệt sĩ nào đó nằm dưới mộ.
Có một lúc ông đứng tần ngần bên 2 nấm mộ, nói rất nhỏ như thể nói với chính mình: “Đây là 2 nấm mộ của 2 người anh của anh Tư”. Sau đó tôi được biết, trong số gần 400 liệt sĩ của xã Thanh Bình có cha và 2 người anh ruột của ông Tư Bốn, mẹ của ông được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhìn ông Tư Bốn thanh thản đi khắp khu nghĩa trang nhỏ ở một xã vùng quê, đọc từng tên tuổi của các liệt sĩ trên mộ bia, tôi thấy như thể tất cả những chiến công vang dội đã qua của ông chỉ là nhiệm vụ ông phải hoàn thành, còn những giây phút yên bình bên các đồng đội đã ngã xuống mới là lúc ông thấy hạnh phúc, thanh thản nhất.
Từ khi về hưu, nhà ông Tư Bốn không lúc nào ngớt khách, thậm chí có khi khách còn nhiều hơn lúc ông đang còn đương chức. Ngày trước ông tiếp khách liên quan đến công việc mà mình phụ trách, kể cả những người khách đến nhờ giúp đỡ chuyện gì đó. Còn bây giờ những người khách là bạn bè, anh em đến thăm hỏi xem ông sống ra sao, những người dân bình thường từng được ông giúp đỡ, hoặc đơn giản chỉ là những người ngưỡng mộ ông, muốn biết một vị tướng lừng danh khi về nghỉ hưu sống ra sao, sức khỏe thế nào.
Những câu chuyện về giải quyết khiếu kiện đông người
Một lần, khi đang trò chuyện với tôi, điện thoại di động của ông Tư Bốn reo vang. Sau khi nói chuyện điện thoại, ông cười tươi cho tôi biết một người phụ nữ ở tỉnh Kiên Giang xa xôi vừa điện thoại tới thăm hỏi và cảm ơn ông. Ông không thể nhớ người gọi cho mình là ai, nhưng ông chắc chắn rằng đó là người từng tham gia khiếu kiện đông người ở TPHCM.
Ông đã từng đi chiến đấu khi mới 14 tuổi. |
Ông nhớ lại, khi ông đang căng thẳng đấu tranh chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, có tình trạng bà con nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương đóng tại TPHCM. Một bữa, khi đang làm việc tại cơ quan (số 258 Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM), ông bỗng nghe lao xao trước cổng cơ quan, thì ra có một đoàn người khiếu kiện từ các tỉnh miền Tây xin gặp ông.
Ông cho mời hết bà con vào hội trường, gồm tổng cộng khoảng 400 người, đi khiếu kiện chủ yếu về đất đai. Ông chăm chú lắng nghe bà con trình bày những nguyện vọng, bức xúc của họ. Ông hứa sẽ làm việc với các tỉnh có người khiếu kiện để xem xét những điều bà con khiếu nại.
Xong, ông Tư Bốn cho thuê 10 chiếc xe khách để chở bà con về quê, khi lên xe mỗi người còn được tặng ổ bánh mì thịt và chai nước để lót dạ. Một vài người rụt rè hỏi xin ông “con rít”. Một thoáng bất ngờ, đến khi hỏi kỹ lại, ông Tư Bốn mới biết “con rít” mà họ xin ông là… cácvidít (danh thiếp), trên ấy có số điện thoại của ông. Ông Tư Bốn kêu người thư ký đem hết mấy hộp “con rít” của ông để tặng cho tất cả bà con, nhờ vậy mà sau này họ có số điện thoại của ông.
Giữ đúng lời hứa với bà con, sau đó ông đã làm việc với các tỉnh về chuyện người dân khiếu kiện và theo dõi việc giải quyết của họ, nhờ vậy mà có nhiều trường hợp được trả lại sự công bằng. Những người ấy theo số điện thoại trong “con rít” ngày nào gọi thăm hỏi và cảm ơn ông, đến giờ thỉnh thoảng họ vẫn gọi, có không ít người tìm đến tận nhà thăm ông, tặng ông nải chuối, chục hột vịt... gọi là trả ơn.
Một lần khác, ông đã đón gần 100 người dân khiếu kiện về hội trường của cơ quan để tiếp. Hầu hết họ là phụ nữ lớn tuổi đến từ nhiều tỉnh, họ khiếu nại chuyện chính quyền địa phương đền bù giải tỏa không thỏa đáng khi lấy đất của họ thực hiện các dự án. Ông Tư Bốn tiếp họ thân mật như những người bạn. Ông bắt tay từng người, cười nói vui vẻ, bà con ban đầu còn rụt rè, sau trở nên thân tình lúc nào không hay.
Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Tư Bốn thẳng thắn phê bình một số bà con đã trương biểu ngữ "Đả đảo chính quyền tham nhũng". Ông giải thích với bà con, chính quyền là của dân, nếu có cán bộ tham nhũng chỉ là cá nhân, bà con cần phải khiếu nại đúng người, đúng tội, đi kiện đúng nơi mới giải quyết được.
Làm được như vậy bà con không phải vất vả bỏ công ăn ở dưới quê, những cơ quan có trách nhiệm cũng dễ giải quyết nguyện vọng của bà con. Bà con im lặng lắng nghe ông, khi ông dứt lời, họ đồng loạt vỗ tay. Khi cuộc trò chuyện còn chưa kết thúc, ông Tư Bốn đã đọc bản fax từ UBND tỉnh An Giang cho bà con nghe: "Kính gửi bà con khiếu nại tỉnh An Giang đang ở TPHCM, thực hiện ý kiến của Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tổ chức tiếp bà con, xem xét ý kiến của bà con hiện đang khiếu kiện ở TPHCM. UBND tỉnh kính mời bà con về tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tổ chức tiếp bà con vào sáng 27.9.2006...".
Nhắc về “bí quyết” thuyết phục bà con khiếu kiện ngày trước, ông Tư Bốn hiền hậu nói: “Bà con đi khiếu nại có cái đúng, có cái sai. Mình phải lắng nghe đầy đủ, thông cảm cho họ, chỉ rõ thật dễ hiểu cái nào bà con sai để họ biết, đồng thời cái nào bà con đúng thì mình phải giải quyết có tình có lý, từ đó mà bà con tin tưởng, không đi khiếu kiện mất thời gian, phiền phức”.
Còn nữa...
Theo Thanh Thủy/Laodong