UBTVQH đồng ý trình Quốc hội xem xét tăng lương cơ sở, phụ cấp nghề y

19/10/2022 06:34
Lam An/tổng hợp (quochoi.vn; baochinhphu.vn)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- UBTVQH đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu trong Kỳ họp thứ 4.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 1544/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Tờ trình và các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách nhà nước trung ương năm 2023; thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2023, Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2023-2025.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Toàn cảnh Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tại Phiên họp thứ 16 (ngày 11/10/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình và các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách nhà nước trung ương năm 2023; thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2023, Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2023-2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất và đánh giá cao các Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước vượt cao so với dự toán; bội chi, nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép đã góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, nhiều bất cập hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách chậm được khắc phục như: Ước thực hiện thu không sát, lập dự toán thu thấp, cơ cấu thu chưa vững chắc, thu từ ba khu vực sản xuất kinh doanh còn hạn chế; chưa bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; thu cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp, nợ thuế có xu hướng tăng; giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch nhất là vốn nước ngoài; cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp bất cập, chưa đầy đủ, chưa phù hợp; chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội triển khai rất chậm, đến tháng 8/2022 chi đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình cơ bản chưa giải ngân; hỗ trợ nhà ở chỉ đạt 60%, miễn giảm thuế 54,6% kế hoạch, hỗ trợ lãi suất đạt mức thấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về dự toán, phân bổ ngân sách trung ương và Kế hoạch đầu tư công năm 2023 như Chính phủ trình; cơ bản nhất trí với phương án xây dựng Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2023-2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thực tế, khả thi và lưu ý một số vấn đề:

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả; trong điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình phục hồi cần lưu ý phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; sắp xếp nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối với nguồn lực.

Bổ sung đánh giá tác động việc lập dự toán thu các năm trước thấp vừa thu hẹp không gian tài khóa, vừa dẫn đến việc dự toán bội chi ở mức cao; đồng thời, tính toán tích cực hơn dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 phù hợp với dự báo tăng trưởng và dự báo giá dầu; tăng thêm nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp thiết, cấp bách; thuyết minh rõ hơn căn cứ, quy định xác định tỷ lệ điều tiết; giải pháp để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tỷ lệ thu nội địa để đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện dự toán thu từ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước đạt rất thấp nói riêng và những hạn chế, khuyết điểm trong điều hành thực hiện ngân sách nhà nước nói chung.

Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, công trình, dự án quan trọng quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia; bố trí đủ vốn để thu hồi vốn tạm ứng, thanh toán nợ xây dựng cơ bản.

Thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong báo cáo về dự toán, lưu ý ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách và một số nội dung: Khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vốn đầu tư công trung hạn; kiên quyết thu hồi vốn của các dự án chậm triển khai theo kế hoạch, điều chuyển cho dự án có khả năng giải ngân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước 1995, ưu đãi người có công; cơ chế, chính sách đặc thù cho một số ngành, cơ quan, đơn vị; phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu; sử dụng nguồn thu xổ số kiến thiết cho chi đầu tư phát triển.

Thông tin thêm về nội dung này, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII đã xác định lộ trình cải cách tiền lương.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: Tăng lương cơ sở trước, tiếp đó là có lộ trình cải cách tiền lương. Ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: Tăng lương cơ sở trước, tiếp đó là có lộ trình cải cách tiền lương. Ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Song trong 2 năm qua dưới tác động hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước khi chưa được tăng lương, dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Hiện nay khi tình hình kinh tế dần phục hồi, tốc độ tăng trưởng có nhiều dấu hiệu khả quan, do đó có thể tính đến việc tăng lương cơ sở trước, tiếp đó là có lộ trình để cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn ngân sách, nguồn lực quốc gia.

“Trả lương cho công chức cũng là đầu tư cho phát triển nhưng nếu không có những thúc đẩy khác thì rất khó.

Chúng ta đầu tư cho phát triển để trên cơ sở đó tăng mức thu tiền thuế, có ngân sách tốt thì sẽ có lộ trình cải cách tiền lương”, ông Bùi Văn Cường nói

Về các nội dung kiến nghị khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát dự toán thu ngân sách nhà nước để dự toán tích cực hơn; rà soát dự toán chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, không đưa vào dự toán các khoản chưa đủ căn cứ, điều kiện như khoản bù giá của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; không kiến nghị các nội dung chưa rõ, chưa cụ thể như điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu; không giao Chính phủ phân bổ các khoản chưa đủ điều kiện phân bổ của ngân sách trung ương, Chính phủ hoàn thiện thủ tục, sớm trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ để bảo đảm nguyên tắc chỉ ủy quyền một cấp. Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, thanh toán, chuyển nguồn vốn đầu tư công đề nghị thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo về kế hoạch đầu tư công năm 2023 phải có danh mục dự án cụ thể trình Quốc hội theo đúng quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, Báo cáo của Kiểm toán nhà nước để hoàn chỉnh các Báo cáo về ngân sách, đầu tư công gửi Quốc hội và các cơ quan thẩm tra; Ủy ban Tài chính Ngân sách khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Lam An/tổng hợp (quochoi.vn; baochinhphu.vn)