Ứng dụng AI vào trường mầm non: Cần có cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất đảm bảo

10/02/2025 09:25
Mạnh Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Việc áp dụng AI trong GD mầm non đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà trường, PH nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện.

Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non, lộ trình thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới được đề cập như sau: Từ năm 2025 đến năm 2028, tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thực hiện thí điểm chương trình; triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non (3 năm học từ 2025-2026 đến năm học 2027-2028). Năm 2029 đến năm 2030 thẩm định, ban hành chương trình giáo dục mầm non mới; hướng dẫn thực hiện và triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc (từ năm học 2029-2030). [1]

Như vậy, năm học 2025-2026, chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được triển khai thí điểm với những yêu cầu cập nhật về nội dung, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ. Trong đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được các trường mầm non ứng dụng trong dạy học ở bậc học này.

Hướng đi tiềm năng và phù hợp với xu thế công nghệ hiện đại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa nhận định, việc ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo tại các trường mầm non từ năm học tới có thể mang lại những lợi ích nhất định.

“Trước hết, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục không còn là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu thiết yếu để nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó, việc triển khai thí điểm ứng dụng vào giảng dạy ở các trường mầm non là điều cần thiết. Tuy nhiên, để thành công, chương trình thí điểm cần được đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo tính hiệu quả, an toàn và phù hợp”, ông Trần Văn Thức nhận định.

anh Thức TH.jpg
Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Theo ông Trần Văn Thức, khi áp dụng thí điểm công nghệ AI, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non có thể sử dụng, tiếp cận được những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin cũng như các phần mềm trí tuệ nhân tạo để thiết kế kịch bản, kế hoạch giảng dạy nhằm đảm bảo sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực giáo dục.

Trong đó, việc áp dụng công nghệ AI không chỉ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian trong việc chuẩn bị tài liệu mà còn tăng cường sự tương tác và hứng thú cho trẻ. Cùng với đó, công nghệ AI cũng giúp giáo viên mầm non phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong việc nghiên cứu, thiết kế bài giảng, hình ảnh, video minh họa sáng tạo để hấp dẫn, lôi cuốn trẻ, tăng hiệu quả của chương trình học. Ngoài ra, qua các buổi học, chương trình học hấp dẫn được hỗ trợ bởi AI giúp trẻ có thể phát triển khả năng tư duy, sáng tạo khi tham gia vào các hoạt động giáo dục tại các trường mầm non.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc quá lạm dụng và phụ thuộc vào công nghệ AI sẽ không thể tạo ra hiệu quả giáo dục tích cực, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ.

“Mặc dù giáo viên mầm non có thể sử dụng AI như một trợ lý ảo để hỗ trợ quá trình giảng dạy, chăm sóc và giáo dục trẻ, đồng thời, công nghệ này có thể cung cấp kiến thức, là công cụ hỗ trợ rất tốt cho giáo viên.

Tuy nhiên, việc truyền cảm hứng, xây dựng động cơ, tình cảm, cảm xúc phải do con người thực hiện. Vì vậy, công nghệ AI chưa thể thay thế hoàn toàn giáo viên mầm non trong việc giảng dạy và chăm sóc trẻ. Ngoài ra, việc thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ cũng là một rào cản, khi ở độ tuổi này, trẻ chưa thể tự bảo vệ bản thân”, ông Trần Văn Thức nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Diễm Lệ - Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang) cũng cho rằng, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động học tập, vui chơi giúp tạo ra một môi trường học tập hấp dẫn, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Ngoài ra, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục còn có khả năng theo dõi sự tiến bộ của trẻ, để giáo viên có thể nắm bắt và điều chỉnh cách tổ chức các hoạt động phù hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ AI chưa thể triển khai tại một số địa phương khó khăn. Đồng thời, nếu không được ứng dụng hiệu quả trong bậc học mầm non, công nghệ này có thể “phản tác dụng”.

“Hiện nay, cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện để triển khai các ứng dụng công nghệ. Trong đó, vẫn còn nhiều địa phương thiếu các thiết bị thiết yếu như máy tính, máy chiếu, bảng thông minh và mạng Internet, dẫn đến những hạn chế trong quá trình ứng dụng công nghệ mới vào giảng dạy.

Cùng với đó, một số phụ huynh có con theo học tại trường mầm non không chỉ thiếu các thiết bị cần thiết, mà còn thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ. Điều này gây ra nhiều trở ngại trong việc phối hợp hiệu quả với nhà trường trong các hoạt động giáo dục nói chung và ứng dụng công nghệ mới trong chương trình giáo dục mầm non nói riêng.

Bên cạnh đó, đối với trẻ mầm non, việc sử dụng công nghệ một cách độc lập là điều không thể, do cần sự hỗ trợ từ giáo viên. Đồng thời, việc ứng dụng chuyển đổi số trong dạy và học cũng phụ thuộc phần lớn vào khả năng tổ chức và hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra, nếu sử dụng công nghệ mới không đúng phương pháp, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế này và thúc đẩy hiệu quả ứng dụng công nghệ trong giáo dục mầm non”, bà Nguyễn Thị Diễm Lệ phân tích thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Diễm Lệ, tỉnh An Giang nằm trong 20 tỉnh thành trên toàn quốc được lựa chọn thực hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới theo Công văn số 949/BGDĐT-GDMN ngày 10/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lựa chọn đối tượng tham gia thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch và lựa chọn đơn vị thực hiện thí điểm cụ thể, nhằm có sự so sánh và đánh giá để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

gdvn_ảnh mầm non Mạnh Dũng.jpg
Việc áp dụng công nghệ AI giúp giáo viên thiết kế các kịch bản giáo dục trở nên hấp dẫn và dễ dàng hơn. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, nhà trường và các đơn vị công nghệ

Cũng theo Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang), việc định hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục mầm non giai đoạn tới cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang chú trọng.

Cụ thể, Sở sẽ tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục mầm non, nhằm nâng cao chất lượng quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non theo các chuyên đề cụ thể.

Cùng với đó, việc tiếp tục phát triển kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung trong giáo dục mầm non; đổi mới hoạt động chuyên môn về việc sử dụng các phần mềm ứng dụng cơ bản trong lập kế hoạch giáo dục; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và quản lý nhóm, lớp... cũng được dự kiến triển khai.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho rằng, việc áp dụng AI trong giáo dục mầm non trong giai đoạn thí điểm đòi hỏi một lộ trình và kế hoạch cụ thể từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhằm đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

“Trước hết, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành khảo sát hiện trạng cơ sở vật chất, năng lực công nghệ của giáo viên và mức độ sẵn sàng của các trường mầm non. Đồng thời, những lộ trình triển khai thí điểm cần được xây dựng theo từng bước cụ thể.

Trong đó, địa phương có thể tập trung vào việc ứng dụng các công cụ AI đơn giản, chẳng hạn như trò chơi học tập mang tính tương tác, trợ lý giáo dục thông minh hoặc các công cụ hỗ trợ quản lý lớp học. Sau khi có kết quả từ giai đoạn thí điểm, phạm vi ứng dụng có thể được mở rộng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu giáo dục.

Bên cạnh đó, quá trình thí điểm cần đi kèm với cơ chế đánh giá và điều chỉnh định kỳ. Điều này sẽ giúp kịp thời điều chỉnh các phương pháp và công cụ áp dụng, đảm bảo tính phù hợp với mục tiêu giáo dục cũng như đáp ứng được nhu cầu thực tế của các trường”, ông Phạm Thiết Chùy chia sẻ.

anh Chùy Mường Nhé.jpg
Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cũng cho hay, để triển khai áp dụng công nghệ AI trong giáo dục mầm non một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cấp quản lý và các đơn vị công nghệ. Sự hỗ trợ đồng bộ về nguồn lực, chuyên môn và chính sách sẽ là yếu tố then chốt, góp phần đảm bảo thành công cho giai đoạn thí điểm này.

“Địa phương thực hiện áp dụng công nghệ mới cần nhận được sự quan tâm từ cả cấp quản lý và các đơn vị công nghệ. Cụ thể, từ cấp quản lý, nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng để đầu tư vào các thiết bị công nghệ và phần mềm AI phù hợp.

Đồng thời, các chính sách và văn bản hướng dẫn cụ thể từ cấp trên cũng cần được ban hành để đảm bảo quá trình triển khai AI trong giáo dục được thực hiện đồng bộ và đúng quy định.

Cùng với đó, các đơn vị công nghệ cũng cần có những tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp công nghệ phù hợp để việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào chương trình giáo dục mầm non đạt được hiệu quả”, vị Trưởng phòng nhấn mạnh.

Tập huấn kỹ năng sử dụng công cụ AI, trang bị kiến thức pháp luật liên quan đến bảo mật và cá nhân hóa

Trong khi đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên trong việc sử dụng AI, đặc biệt trong thiết kế các kịch bản giáo dục. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa có một số đề xuất, kiến nghị: “Các cấp, các ngành cần chung tay xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị cũng như các điều kiện cần thiết để hỗ trợ các trường mầm non trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giáo dục. Việc này bao gồm lập kế hoạch nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu về công nghệ trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Cụ thể, cần đầu tư xây dựng các phòng Tin học, phòng học tích hợp robot thông minh, không gian sáng tạo. Đồng thời, cần trang bị các thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu, bảng thông minh và hệ thống mạng Internet tốc độ cao để triển khai hiệu quả các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn và đào tạo một cách bài bản, đồng bộ và chuyên sâu về công nghệ AI cho toàn bộ đội ngũ giáo viên. Các chương trình đào tạo này không chỉ giúp giáo viên nắm bắt kỹ năng sử dụng các công cụ AI, mà còn trang bị những kiến thức pháp luật liên quan đến bảo mật và cá nhân hóa trong quá trình ứng dụng công nghệ. Cùng với đó, việc cập nhật thường xuyên những thông tin mới nhất về AI cũng cần được thực hiện nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục đạt hiệu quả cao và bền vững”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-7211

Mạnh Dũng