Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, thay thế Thông tư số 17.
Thông tư đã nêu rõ, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Cùng với đó, tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Ngay sau khi được ban hành, Thông tư 29 đã thu hút sự quan tâm của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là lãnh đạo các trường phổ thông.
Ủng hộ xử lý nghiêm giáo viên ép buộc học sinh học thêm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Văn Lĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Quảng Nam) hoàn toàn đồng tình với các quy định trong Thông tư 29, khẳng định đây là một bước đi đúng đắn trong việc quản lý và giám sát các hoạt động dạy thêm, học thêm trong các cơ sở giáo dục.
Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Đây là một quy định có tính chất tích cực, nhằm tạo ra một môi trường giáo dục công bằng, chất lượng và lành mạnh hơn. Các nhà trường nên nghiêm túc thực hiện để tránh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính khóa. Đồng thời, việc này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh và học sinh, tạo điều kiện để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, phát triển toàn diện”.
Thầy Lĩnh cũng cho biết, nhà trường hiện đang chờ đợi các hướng dẫn chi tiết, chỉ đạo cụ thể từ cơ quan quản lý để có thể triển khai việc giám sát và thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả. Nhà trường cam kết sẽ nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các quy định này, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Theo thầy Lĩnh, các học sinh của trường chuyên đều có năng lực học tập tốt, không cần học thêm nhiều. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, nhà trường không phát hiện tình trạng giáo viên ép buộc học sinh chính khóa tham gia học thêm.
Đối với các học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, hoạt động bồi dưỡng được diễn ra vào buổi chiều, không ảnh hưởng đến giờ học chính khóa và không thu học phí của học sinh.
Sau khi nghiên cứu Thông tư 29, Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho rằng các quy định hướng đến quản lý, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm, không phải là ngăn cấm hoàn toàn.
"Đây sẽ là một thay đổi lớn với giáo viên. Tại khoản 2 Điều 7 Quản lý thu tiền dạy thêm, học thêm quy định: Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Vì vậy, giáo viên phải dạy thêm ở đơn vị có giấy phép kinh doanh, đóng thuế theo quy định, mọi hành vi gian dối, trốn thuế có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, giáo viên muốn thu hút được học sinh bên ngoài tham gia học thêm thì các thầy cô phải "hữu xạ tự nhiên hương", nghĩa là nếu giáo viên giỏi chuyên môn, tận tâm với nghề thì tự khắc sẽ có học sinh tìm đến.
Việc trau dồi kiến thức chuyên môn, không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng giảng dạy là rất quan trọng để xây dựng niềm tin với học sinh. Khi học sinh cảm nhận được sự tận tâm và chất lượng trong bài giảng của giáo viên, họ sẽ tự nguyện tìm đến và tham gia học thêm, vì họ tin rằng đó là cơ hội để họ nâng cao kiến thức và cải thiện kết quả học tập.
Theo quan điểm của tôi, các thầy cô phải có trách nhiệm với chất lượng bài giảng của mình trên lớp. Việc học thêm nên được áp dụng một cách hợp lý và chỉ trong hai trường hợp: Thứ nhất, đối với những học sinh giỏi muốn bồi dưỡng thêm, nâng cao kiến thức để đạt được kết quả cao hơn. Thứ hai, đối với những học sinh yếu kém, việc học thêm sẽ giúp các em củng cố kiến thức nền tảng, khắc phục những thiếu sót trong quá trình học tập ở trường" - cô Quỳnh bày tỏ.
Hiệu trưởng băn khoăn vấn đề quản lý, tổ chức dạy thêm
Cùng bàn luận về vấn đề này, thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng nhu cầu học thêm của học sinh là có thật, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Thầy Sinh cho rằng nên chăng cho phép giáo viên dạy thêm nếu có đơn xin học thêm tự nguyện của phụ huynh; công khai thu nhập từ việc dạy thêm và đóng thuế theo quy định Nhà nước. Nếu giáo viên nào có hành vi trái đạo đức nhà giáo, cần xử phạt nghiêm khắc.
Dù vậy, là lãnh đạo trường học, thầy Sinh cũng có sự băn khoăn. Theo quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định; Quản lý giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường.
Hiệu trưởng cũng chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; việc quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.
Theo thầy Sinh, nhà trường sẽ gặp thách thức trong việc thực hiện đúng theo quy định của Thông tư 29. Việc quản lý giáo viên dạy thêm là rất khó, nếu họ thuê địa điểm dạy thêm bên ngoài trường và không báo cáo lại với hiệu trưởng.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 5 của Thông tư có quy định nhà trường không được thu tiền của học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Theo thầy Sinh, những lớp ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp nếu không thu học phí thì chỉ nên dành cho học sinh có học lực dưới trung bình.
Thầy Sinh chia sẻ: “Trước nay trường vẫn không thu học phí bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh có học lực yếu. Nhưng với đối tượng học sinh cuối cấp, nhà trường chỉ có thể mở lớp ôn tập cho những em có kết quả học tập chưa đạt. Nếu tất cả học sinh cuối cấp đều yêu cầu được ôn tập thêm tại trường thì nhà trường không đủ kinh phí để mở lớp”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh, Trường Trung học phổ thông Việt Đức vẫn phụ đạo không thu phí cho học sinh cuối cấp, nhưng chỉ có thể dạy cho các em có thành tích học tập dưới trung bình. Sau các bài kiểm tra khảo sát, trường sẽ thống kê và tập trung các em vào một lớp. Kinh phí thực hiện được trích từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường.