Nỗi vất vả của GV mầm non, ai kinh qua sẽ hiểu, mong có chế độ đãi ngộ xứng đáng

14/08/2023 06:32
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong năm, cô Lan phải đi tuyển sinh, vận động phụ huynh cho con trở lại trường, làm giấy khai sinh cho trẻ... lúc stress, cô nghĩ tới bỏ nghề

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Trước thông tin này, lãnh đạo một số trường mầm non bày tỏ niềm vui, sự đồng tình và mong muốn các Bộ sớm quan tâm bổ sung giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo mầm non Nguyễn Thanh Lan (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) chia sẻ, cô đang công tác tại điểm trường Chống Xa, là thôn bản khó khăn nhất trong 5 điểm trường thuộc trường Mầm non Suối Lư. Năm học tới đây là năm thứ ba mà cô gắn bó với điểm trường này.

Trước đây, cô Lan công tác tại trường mầm non tư thục dưới thành phố. Khi đó, cô quản lý một lớp mẫu giáo (3-5 tuổi) khoảng 23 em, các em đã biết tự đi vệ sinh, xúc ăn... nên công việc chăm sóc các bé cũng đỡ vất vả so với lớp nhà trẻ.

Phụ huynh cho trẻ đến lớp. (Ảnh: Trường Mầm non Suối Lư)

Phụ huynh cho trẻ đến lớp. (Ảnh: Trường Mầm non Suối Lư)

Khi trúng tuyển viên chức về công tác tại trường Mầm non Suối Lư, cô Lan chủ nhiệm lớp nhà trẻ (18 tháng đến 3 tuổi). Trách nhiệm công việc nhiều hơn và việc chăm sóc trẻ cũng vất vả hơn.

Hằng năm, cô phải đi tuyển sinh, vận động phụ huynh cho con trở lại trường, thậm chí còn hỗ trợ, cùng người nhà đi làm giấy khai sinh cho trẻ...

Năm đầu về công tác, nữ giáo viên cảm thấy quá stress vì quá vất vả. Cô kể lại khi đó bản thân tự nhủ: "Biết vậy ngày xưa mình không học sư phạm".

Công việc hằng ngày của nữ giáo viên vùng cao

Điểm trường nơi cô Lan công tác có hai lớp, một lớp nhà trẻ và lớp còn lại là lớp mẫu giáo ghép độ tuổi 3-5. Diện tích phòng học cũng chật hẹp, chưa được đầu tư nâng cấp.

Người dân bản địa là dân tộc Mông, nên khi mới về trường công tác, cô phải chạy tranh thủ học thêm tiếng của người dân ở đây để giao tiếp, hướng dẫn trẻ.

Hằng ngày, cô Lan rời nhà từ 6 giờ sáng khi đã chuẩn bị mọi thứ cho con cái và đi xe máy đến trường lúc 6 giờ 30. Khi này, cũng là lúc phụ huynh cho trẻ đến lớp để họ lên nương.

Năm học đầu ở trường, cô Lan chủ nhiệm lớp có 18 trẻ. Phụ huynh đưa trẻ đến lớp, các em trong bộ dạng nhem nhuốc, giáo viên phải rửa lại mặt mũi, chân tay cho các em.

Tiếp đó, giáo viên cho trẻ tập thể dục, thực hiện hoạt động chính, hoạt động ngoài trời, hoạt động góc. Sau đó, giáo viên rửa chân tay lần nữa cho các em.

Giáo viên cho trẻ khởi động trước khi tập thể dục (Ảnh: Trường Mầm non Suối Lư)

Giáo viên cho trẻ khởi động trước khi tập thể dục (Ảnh: Trường Mầm non Suối Lư)

Đầu năm học, trẻ đến lớp chưa quen môi trường mới nên khóc suốt, giáo viên phải dỗ hết bé này đến bé kia. Chưa hết, giáo viên cũng phải luôn chân luôn tay rồi dạy trẻ cách ngồi vào bô để tập thói quen đi vệ sinh. Thông thường để trẻ biết ngồi bô phải mất khoảng một tháng.

Làm mẹ bất đắc dĩ

Cô Lan kể, theo phong tục của người dân bản địa, ba ngày sau khi em bé chào đời, người thân tổ chức lễ và đặt tên. Tuy nhiên, sau đó, bố mẹ làm giấy khai sinh cho con lại đặt cái tên khác. Điều này, khiến giáo viên mới về địa phương công tác khó nắm bắt được đối tượng sinh nở, giáo viên buộc phải đến tận nơi để lấy thông tin.

"Vẫn có trường hợp tự sinh tại nhà. Ví dụ như, khi trẻ mới sinh, bố mẹ có thể sẽ đặt tên là Vàng Tà Dé, nhưng khi họ khai sinh cho con sẽ là Vàng Tà Dế", cô Lan kể.

Nữ giáo viên cho hay, vẫn có những trường hợp bố mẹ "lười, ngại" làm giấy khai sinh cho con. Theo quy định, thủ tục này phải làm trong 6 tháng nhưng quá thời gian trên họ mới đi làm, có trẻ sinh năm 2021 nhưng trong giấy khai sinh lại thành sinh năm 2022.

Thủ tục liên quan đến làm giấy khai sinh là giấy tờ rất quan trọng để sau này gia đình cho con em đến trường lớp. Tuy nhiên, vẫn có những bậc cha mẹ không quan tâm đến điều này.

Bởi vậy, giáo viên như cô còn phải phân tích, động viên các gia đình đi làm sớm giấy khai sinh cho con. Tuy nhiên, nhiều người chỉ nói "vâng" rồi để đó.

"Nếu dẫn quy định sẽ phạt tiền khi họ làm giấy khai sinh cho con muộn. Nhiều phụ huynh thậm chí trả lời là không làm giấy khai sinh cho con nữa", cô Lan chia sẻ.

Trước những trường hợp này, giáo viên sẽ đèo phụ huynh đi làm thủ tục này.

"Có những hôm chúng tôi phải chạy đi, chạy lại hàng chục lần để hoàn thiện giấy tờ giúp các phụ huynh. Trong khi đó, từ thôn bản đến trung tâm xã mất khoảng 25-30 phút", nữ giáo viên nhớ lại.

Gian nan công tác vận động cho trẻ trở lại trường

Ngoài việc chăm sóc trẻ vất vả, công việc vận động phụ huynh cho trẻ đúng tuổi đến trường hay vận động trẻ trở lại trường sau mỗi kỳ nghỉ cũng kỳ công không kém.

Theo tập quán của người dân địa phương, thường họ sẽ cho con lên nương hoặc gửi con cho ông bà chăm.

Hằng năm, nhà trường có hai đợt chiêu sinh, khi đó giáo viên sẽ phải đến trực tiếp nhà các hộ dân. Nơi nhà dân ở, có những căn nhà dựng ở ruộng nương hay cheo leo lưng chừng đồi, vào mùa mưa đường đi lầy lội khiến giáo viên phải đi bộ hàng vài tiếng đồng hồ.

Nắm bắt được việc người dân thường đi làm từ sáng sớm và chiều tối mới về, hoặc gửi trẻ cho ông bà, giáo viên cũng phải đến nhà dân từ 5-6 giờ sáng hoặc 5-6 giờ tối.

"Năm đầu công tác, do chưa quen nơi đây, tôi nhờ trưởng bản dẫn đến nhà hộ dân, nếu họ bận thì tôi sẽ tự đi", cô Lan chia sẻ.

Những ngày mưa gió, đi bộ qua chặng đường bùn sình lầy như chôn chặt đôi chân, có hôm 9-10 giờ tối mới về đến nhà, cô Lan cảm thấy mệt mỏi, chạnh lòng.

"Năm đầu công tác, tôi thực sự rất stress vì có quá nhiều sự gian nan. Nhưng những năm học sau, tôi cũng đã quen nên thấy đỡ vất vả hơn", cô Lan cười nói.

Cô Lan mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm xét đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, để giáo viên mầm non có chế độ đãi ngộ tương xứng.

Vất vả nhất là thời gian dài trông trẻ

Trao đổi thêm về nội dung trên, cô Hà Thị Phượng (Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Kiên Đài, Chiêm Hoá, Tuyên Quang) cho hay, giáo viên mầm non vùng sâu vùng xa hay tại vùng nông thôn, thành phố, sự vất vả với họ là thời gian ở lớp nhiều.

Ví dụ như tại nhà trường, vào mùa hè 5 giờ chiều là khoảng thời gian phụ huynh đến đón trẻ nhưng trời vẫn nắng, họ vẫn đi làm. Có những hôm 6-7 giờ tối, họ mới đến đón con về. Khoảng thời gian trông thêm giờ này, giáo viên không được hưởng hỗ trợ.

Nhà trường có những hôm tổ chức cuộc họp phải chờ đến khi trả trẻ hoặc tổ chức vào thứ Bảy, điều này phần nào ảnh hưởng đến thời gian dành cho gia đình của giáo viên.

"Nhà trường cũng đã tuyên truyền nhiều cho phụ huynh địa phương về thời gian đến đón trẻ, nhưng vẫn có những gia đình đi nương về đón muộn", cô Phượng chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Chiêm Đài chia sẻ thêm, khoảng thời gian ở lại trông trẻ thêm giờ, cũng ảnh hưởng đến nhiều công việc của giáo viên. Họ sẽ phải dành nhiều thời gian lúc ở nhà để hoàn thành giáo án, đồng nghĩa bớt thời gian chăm sóc gia đình.

Bên cạnh đó, giáo viên của nhà trường công tác tại vùng sâu vùng xa nên hằng hăm, họ phải đến nhà những nhà phụ huynh để vận động trẻ đến lớp. Tuy nhiên, nhiều gia đình chỉ có ông bà ở nhà và họ không quyết được, còn phụ huynh đi làm công ty xa nhà. Có điểm thôn bản xa, giáo viên phải đi quãng đường 7-8 cây số.

"Hiện tại hệ thống đường giao thông cơ bản là thuận lợi, chỉ còn một hai thôn bản đi lại khó khăn. Nếu có thêm chế độ phù hợp sẽ giữ chân được nhiều giáo viên mầm non gắn bó với nghề hơn", cô Phượng chia sẻ.

Mạnh Đoàn