Trong những ngày qua, báo chí đã đề cập tới tài sản mà ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng như:
Căn nhà diện tích xây dựng 300m2; 4 mảnh đất có diện tích từ 150m2 đến 1.021m2 tại nhiều vị trí đẹp ở trung tâm Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; Góp vốn 3ha đất trồng rừng và sở hữu 1,5ha đất nuôi tôm; Góp vốn ở 4 cơ sở sản xuất kinh doanh với giá trị kê khai 2,5 tỷ đồng (không ghi rõ là cơ sở sản xuất kinh doanh nào); Mua cổ phiếu Công ty Dana - Ý có giá trị 500 triệu đồng từ năm 2007.
Những tài sản này được ông Huỳnh Đức Thơ khai trong bản kê tài sản cán bộ trước khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng vào tháng 1/2015.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều 15/3, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra tài sản của cán bộ là việc hết sức bình thường.
“Đối với sự việc cụ thể thông tin về tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng, tôi nghĩ rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần sớm vào cuộc, làm rõ những thông tin mà dư luận thắc mắc một cách “công minh – chính xác – kịp thời.
Sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là hết sức cần thiết, vì nó sẽ giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất, nếu tài sản mà cán bộ có được là hoàn toàn chính đáng, minh bạch thì phải công bố cho toàn dân biết, để bảo vệ uy tín cán bộ, tránh những thế lực xấu lợi dụng sự việc này để dèm pha về đội ngũ cán bộ của Đảng.
Thứ hai là giả sử phát hiện tài sản ấy có được không chính đáng thì phải có biện pháp xử lý nghiêm minh. Theo tôi, đó là quy trình cần thiết và bắt buộc, không loại trừ ai cả”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Vũ Quốc Hùng nêu quan điểm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần sớm vào cuộc kiểm tra tài sản của Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng và thông báo kết quả tới toàn dân. ảnh: Ngọc Quang. |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, cần phải hiểu rằng xử lý những sai phạm đối với cán bộ (nếu có) không phải mang tính chất hạ bệ hay triệt hạ cán bộ, mà thực hiện theo tinh thần nhân văn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là cứu đồng chí đó, sau đó là cứu được nhiều đồng chí khác.
“Khi mà cán bộ đang trên đà trượt ngã, có thể còn mắc phải những lỗi lầm khác thì đã được tổ chức ngăn chặn kịp thời. Thế là tốt cho cán bộ đấy chứ! Đồng thời khi xử lý nghiêm túc với những cán bộ có vi phạm cũng là sự cảnh tỉnh với nhiều đồng chí khác, nhất là với những cán bộ trẻ”, ông Hùng nhận định.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, xu hướng chung của xã hội hiện đại là những phản ánh của nhân dân thông qua báo chí ngày càng được nêu ra công khai, không chỉ về tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng, tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương, mà sẽ còn có những cán bộ khác, đó cũng là mong muốn chính đáng của nhân dân đối với cán bộ.
“Những thông tin được nêu ra công khai trên nhiều tờ báo đối với cán bộ đương chức chứ không chỉ với cán bộ đã nghỉ hưu cho thấy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ ngày càng được nâng lên.
Tôi cho rằng đây là một dấu hiệu tốt và cần phải tiếp tục phát huy vai trò kiểm soát của nhân dân, giúp cán bộ thực thi nhiệm vụ tốt hơn, xứng đáng hơn với chức vụ đang có”, ông Hùng bày tỏ.
Cần có sự minh bạch đối với tài sản của cán bộ
Trước khi có những phản ánh về tài sản của Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, dư luận cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới khối tài sản trăm tỷ (bằng cổ phiếu) của Thứ trưởng Bộ Công Thương – bà Hồ Thị Kim Thoa.
Vụ việc này đã được Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ và thông tin công khai tới nhân dân cả nước.
Và, vào những năm trước đó một số cán bộ mắc khuyết điểm, dù đã nghỉ hưu cũng đã phải chịu những hình thức kỷ luật khác nhau; thậm chí tài sản đang sử dụng không đúng tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước cũng đã bị thu hồi.
Điều đó cho thấy Trung ương đã và đang có những biện pháp quyết liệt làm trong sạch bộ máy của Đảng và phát huy tinh thần liêm chính, hành động như những gì Chính phủ đang nỗ lực xây dựng trong thời gian qua.
Dù vậy, từ câu chuyện về tài sản của Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng hay Thứ trưởng Bộ Công Thương, một lần nữa dư luận phải đặt lại câu hỏi về tính minh bạch trong kê khai tài sản.
Ông Hùng phân tích: “Các cơ quan kiểm tra, thanh tra ở từng địa phương, từng cấp theo thẩm quyền đều nắm được hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ thế nào. Nhưng trước khi họ được bổ nhiệm vào các chức vụ thì có cơ quan nào kiểm tra về số tài sản đã kê khai ấy không?
Nếu như tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương hay tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng đã kê khai và được kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ từ trước khi đề bạt, bầu vào các vị trí lãnh đạo thì bây giờ chỉ cần đưa ra công bố chứ không phải chờ đợi Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc.
Vì vậy, tôi cho rằng, sau những sự việc như thế này, cần có đánh giá rút kinh nghiệm, có cơ chế và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các cơ quan kiểm tra, thanh tra ở từng ngành, địa phương”.
Ngày 15/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng phát thông báo về tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ. |
Kê khai tài sản đối với cán bộ, đảng viên (đặc biệt là cán bộ giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống cơ quan nhà nước) là chủ đề được thảo luận xôi nổi trong nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến góp ý thì tới nay những kê khai này vẫn còn nặng tính hình thức, và việc phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản không đúng là rất ít.
Thí dụ, trong báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực.
Trước đó, năm 2014, có hơn 1 triệu cán bộ, công chức thực hiện kê khai tài sản và chỉ có 5 người bị cơ quan chức năng kết luận là không trung thực.
Đó là những thống kê không làm hài lòng nhân dân, trong khi Đảng vẫn đánh giá tham nhũng có những diễn biến phức tạp.
Để ngăn chặn tham nhũng có hiệu quả, theo ông Vũ Quốc Hùng, ngoài những bổ sung, điều chỉnh quy định về mặt luật pháp thì quan trọng vẫn là phải tạo cơ chế thuận lợi để nhân dân đồng hành với Đảng, giám sát cán bộ.
Tài sản của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ "nhiều hay ít" do trung ương xem xét |
Ông Hùng chia sẻ: “Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi rất tâm đắc với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về đơn thư tố cáo dù nặc danh, dấu tên nhưng không được bỏ qua.
Đơn nặc danh mà có nội dung địa chỉ cụ thể, sự việc đó ở chỗ đó thì phải xem xét, kiểm tra để tăng cường quản lý lãnh đạo, thậm chí kiểm tra thường xuyên. Khi có đơn tố cáo thì bản thân lãnh đạo cũng phải xem xét lại mình. Đơn nặc danh mà vứt vào sọt rác là chưa làm hết trách nhiệm.
Thời tôi còn công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có nhiều đơn thư không ghi tên người gửi. Chúng tôi nhận được đơn thư này thì không hồ đồ lập quy trình giải quyết, nhưng cũng không bỏ qua mà sẽ thẩm tra nội dung tố cáo bằng những biện pháp riêng.
Người tố cáo họ cũng có những cái khó riêng nên không thể công khai danh tính, vì họ lo sợ gia đình, người thân của bị kẻ xấu trả thù.
Từ những nội dung tố cáo không ghi tên tuổi cụ thể ấy đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin cần thiết để có thêm căn cứ kiểm tra và xử lý sai phạm nhiều cán bộ”.
Ngày 15/3, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phát đi Thông cáo số 747/VP-NC phản hồi thông tin báo chí về việc một số báo điện tử có đăng tải bài viết liên quan đến việc kê khai tài sản của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố - ông Huỳnh Đức Thơ. Văn bản nêu rõ “Theo quy định về minh bạch tài sản, thu nhập được quy định tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê tài sản, thu nhập. |