Vấn đề Triều Tiên phủ bóng chuyến công du Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ

08/11/2017 09:44
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Tổng thống Donald Trump cần phải ngừng đưa ra những lời khiêu khích đối với Triều Tiên, vì điều đó sẽ đưa quân đội Hoa Kỳ vào tình trạng nguy hiểm hơn.

Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời Nhật Bản để tiếp tục chuyến công du châu Á và đã đến Hàn Quốc trong chặng dừng chân thứ hai vào ngày 7/10.

Trước khi tới Seoul để có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump đã ghé thăm căn cứ quân sự Humphreys - một căn cứ có lực lượng binh sĩ kết hợp giữa Mỹ và Hàn Quốc, nằm cách Seoul 40 km về phía Bắc.

Gặp gỡ các binh sĩ tại đây, ông Trump đã nói chuyện về vấn đề khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên và động viên tinh thần các binh sĩ.

“Cuối cùng thì tất cả sẽ thành công, chúng ta sẽ luôn thành công, nhưng chúng ta cần phải tích cực làm việc”, ông Trump nói. 

Tống thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận song phương bên lề Hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 (Ảnh: Yonhap)
Tống thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận song phương bên lề Hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 (Ảnh: Yonhap)

Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, chuyến đi này của Tổng thống Donald Trump sẽ chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ trong cách tiếp cận cứng rắn đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. [1]

Trước đó, trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Trump đã khẳng định, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đang tạo ra “mối đe dọa đối với thế giới văn minh cũng như hoà bình, ổn định trong khu vực”.

Đồng thời ông cho biết “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên đã kết thúc”.

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đạt được sự đồng thuận cao về cách tiếp cận cứng rắn để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, bằng cách tiếp tục tăng áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng và sẵn sàng cho một hành động quân sự.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, ông Trump dự kiến sẽ tập trung thảo luận với Tổng thống Moon Jae-in vào ba vấn đề chính.

Đó là tăng cường sự hợp tác liên minh, xem xét việc sửa đổi Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương giữa hai nước đang khiến Hàn Quốc bị thâm hụt thương mại, và tìm kiếm sự hợp tác của ông Moon về cách tiếp cận cứng rắn để chống Triều Tiên. [2]

Hiện tại, ông Moon đang có quan điểm trái với ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về cách tiếp cận để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, khi luôn kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Yonhap)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Yonhap)

Chưa biết trong cuộc hội đàm vào ngày 8/11, liệu ông Trump có thuyết phục được ông Moon thay đổi quan điểm của mình để tiến tới thành lập một mặt trận liên minh Mỹ - Nhật - Hàn để chống Triều Tiên như ông Trump đã thống nhất với ông Shinzo Abe hay không.

Thế nhưng, ngay từ lúc này lại xuất hiện thêm những lời kêu gọi ông Trump hãy tìm kiếm một giải pháp đối thoại để giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên.

Theo hãng tin Yonhap, ngày 7/11, một nhóm gồm 16 nghị sĩ Hoa Kỳ, tất cả đều tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên, vừa đưa ra một tuyên bố chung nhằm chống lại ý tưởng của Tổng thống Donald Trump về việc sẽ tiến hành một giải pháp quân sự để tiêu diệt các kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhóm nghị sĩ Mỹ cho biết, không có một lựa chọn quân sự nào có thể tốt cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, vì điều đó sẽ dẫn đến một thảm họa nghiêm trọng. Đại diện các nghị sĩ này cho biết:

“Một cuộc chiến tranh với Triều Tiên nếu xảy ra tất yếu sẽ phải kéo dài, và như vậy sẽ là một thảm họa đối với quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh.

Ngoài ra, nó có thể giết chết hàng triệu người Hàn Quốc cũng như đặt các binh sĩ Mỹ cùng người dân ở đảo Guam và Nhật Bản ở tình thế nguy hiểm”.

Tuyên bố cũng dự báo, bất kỳ một cuộc đụng độ quân sự nào cũng sẽ khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng chỉ trong vài ngày đầu tiên, ngay cả khi các bên không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ Mỹ cũng kêu gọi ông Trump hãy ngừng đưa ra những lời khiêu khích khiến tình hình thêm căng thẳng.

“Tổng thống Donald Trump cần phải ngừng đưa ra những lời khiêu khích đối với Triều Tiên, vì điều đó sẽ cản trở các lựa chọn ngoại giao và đưa quân đội Hoa Kỳ vào tình trạng nguy hiểm hơn”, tuyên bố cho biết. [3]

Ở một diễn biến khác, tờ The Japan Times cũng đưa tin, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump thống nhất đưa ra yêu cầu tiếp tục tăng áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng và các lựa chọn quân sự đã được đặt trên bàn, thì các gia đình công dân Nhật Bản có người thân bị Triều Tiên bắt cóc đã lên tiếng phản đối cách tiếp cận này.

“Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ cố gắng đưa những công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trở về nhà, nhưng làm thế nào mà giải cứu được những người thân của chúng tôi nếu chiến tranh bùng nổ.

Ông Trump không đưa ra được câu trả lời rõ ràng”, đại diện gia đình công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc nói.

Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết:

“Tôi không nghĩ rằng, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ bỏ rơi những công dân của mình bị Triều Tiên bắt cóc, nhưng nếu chiến tranh nổ ra thì sẽ không thể đưa được họ trở về nhà.

Tôi bày tỏ hy vọng rằng, Thủ tướng Shinzo Abe cuối cùng cũng sẽ phải thúc giục Tổng thống Donald Trump kiềm chế để tránh một cuộc chiến tranh với Bình Nhưỡng”.

Quan chức này còn nói thêm rằng, ngay cả khi Hoa Kỳ tiến hành một cuộc tấn công giới hạn vào Bình Nhưỡng, thì những người bị Triều Tiên bắt cóc vẫn có thể sẽ bị đem ra hành quyết như những tội phạm chính trị, vì Nhật Bản là một đồng minh thân cận của Mỹ.

“Không thể bác bỏ khả năng một cuộc tấn công quân sự có giới hạn cũng sẽ giết chết những người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc”, quan chức này nói. [4]

Các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản bởi các điệp viên của Triều Tiên đã xảy ra trong một khoảng thời gian sáu năm từ 1977 đến 1983.

Mặc dù chỉ có 17 người Nhật Bản (8 đàn ông và 9 phụ nữ) được chính phủ Nhật Bản chính thức công nhận là đã bị bắt cóc, nhưng con số thực tế có thể lên đến hàng trăm người.

Vào năm 2002, phía Triều Tiên cũng đã chính thức thừa nhận bắt cóc 13 công dân Nhật Bản và đưa ra một lời xin lỗi miệng.

Sau đó Triều Tiên đã thả 5 công dân Nhật Bản trở về nước, số còn lại vẫn chưa được phóng thích, thậm chí có những người đã chết. [5]

Tổng thống Donald Trump và các gia đình công dân Nhật Bản có người thân bị Triều Tiên bắt cóc (Ảnh: Japan Times)
Tổng thống Donald Trump và các gia đình công dân Nhật Bản có người thân bị Triều Tiên bắt cóc (Ảnh: Japan Times)

Như vậy, có thể nhận thấy, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ quan điểm cứng rắn đối với vấn đề Triều Tiên và đang cố gắng thuyết phục các đồng minh có những hành động mạnh mẽ, đồng thời không loại trừ một giải pháp quân sự chống Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, hiện ông Trump cũng đang vấp phải rất nhiều lời chỉ trích và kêu gọi của các chính khách cũng như cộng đồng quốc tế về một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Ngày 8/11, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ có cuộc hội đàm song phương tại Cheong Wa Dae trước khi tiến hành một cuộc họp báo chung, sau đó ông Trump sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại Quốc hội Hàn Quốc.

Trong cuộc hội đàm, hai bên sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, vấn đề cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên vẫn sẽ là điểm nổi bật.

Không rõ liệu ông Trump có thuyết phục được ông Moon nghiêng theo lập trường cứng rắn để thiết lập một mặt trận liên minh Mỹ - Nhật - Hàn chống lại Triều Tiên hay không?

Và không rõ liệu ông Trump có rung động trước những lời kêu gọi và thỉnh cầu của các chính khách, các nhà hoạt động nhân quyền và các gia đình công dân Nhật Bản có người thân bị Triều Tiên bắt cóc, để tiến tới tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay không?

Tất cả chỉ có thể có câu trả lời khi cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn kết thúc.

Tài liệu tham khảo:

[1] Reuters/ Trump, at North Korea's doorstep, says solution must be found to nuclear standoff.

[2] Yonhap/ Trump due in Seoul for talks on N. Korea, alliance, FTA.

[3] yonhap/ U.S. congressmen oppose U.S. military action against N.K.

[4] The Japan Times/ Abe's support for ‘all options’ on North Korea complicates efforts to bring abductees home.

[5] https://vi.m.wikipedia.org/ các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản của Bắc Triều Tiên.

PHẠM DOÃN TÌNH