Bao nhiêu người bị lừa bịp, nộp tiền "thỉnh vong" tại chùa Ba Vàng?

26/03/2019 06:36
Tùng Dương
(GDVN) - Chưa rõ cho đến nay đã có bao nhiêu người nộp tiền vào đây? Số tiền đó do ai quản lý, dùng vào việc gì?

Sự việc "thỉnh vong", thỉnh "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đang gây nhiều ý kiến bất bình trong dư luận xã hội.

Trò lừa bịp, mê tín dị đoan đã diễn ra từ năm 2015 tại chùa này và từng được cảnh báo, nhưng không bị xử lý nên mới dẫn tới sự việc như hiện nay.

Bà Yến và lễ trục vong lên chữa bệnh tại chùa ba Vàng. Ảnh: Chụp từ Clip.
Bà Yến và lễ trục vong lên chữa bệnh tại chùa ba Vàng. Ảnh: Chụp từ Clip.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, chia sẻ: "Vong nào mà lại hiện về đòi tiền? Những người đang sống mới cần đến tiền. Bi hài là lại có cả số tài khoản ngân hàng để bất cứ ai có nhu cầu đều có thể chuyển tiền, thậm chí cúng vong mà còn trả góp thì không còn gì để nói nữa. 

Không rõ cho đến nay đã có bao nhiêu người nộp tiền vào đây? số tiền đó là bao nhiêu, ai sử dụng và dùng vào việc gì? Việc tiêu tiền đó có được ai kiểm soát hay không? Đây cũng là việc cần được các cơ quan chức năng làm rõ.

Năm 2015 sự việc này đã được nhân dân phát hiện, Giáo hội Quảng Ninh báo cáo đến các cấp chính quyền, cũng như Giáo hội nhưng vẫn không được chấn chỉnh? Phải chăng ở đây có sự thờ ơ, nể nang, bè phái, né tránh, ngại va chạm để dẫn đến sự việc tiếp diễn cho đến tận hôm nay?".

Không thể có chuyện vong nhập vào người nhà chùa và phán đòi số tiền lên đến vài chục triệu đồng.Ảnh: Chụp từ Clip của Báo Lao Động.
Không thể có chuyện vong nhập vào người nhà chùa và phán đòi số tiền lên đến vài chục triệu đồng.Ảnh: Chụp từ Clip của Báo Lao Động.

Theo Báo Công an Nhân dân, ngày 22/2/2019, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Phó Trưởng ban, Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã ký văn bản gửi Ban thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam báo cáo tình hình chùa Ba Vàng, trong báo cáo nêu rõ, các hiện tượng trên tại chùa Ba Vàng đã xảy ra từ lâu.

Trong  văn bản có nêu rõ cụ thể, ngày 26/8/2015, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã có Công văn số 125/CV - BTS gửi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tăng sự Trung ương xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí và Phòng Nội vụ thành phố Uông Bí.

Trong văn bản 125/CV - BTS  có đề nghị phối hợp giải quyết một số vấn đề mà quần chúng nhân dân phản ánh, về việc các vị sư tại chùa Ba Vàng lợi dụng Phật tử Yến, cư trú tại Hạ Long thường xuyên quyến hóa nhân dân về chùa Ba Vàng cúng bắt ma, cúng oan gia trái chủ và thu tiền với số lượng lớn. Những dịp chùa Ba Vàng giảng Phật pháp, sau khi Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng pháp xong thì đều mời cô Yến lên giảng pháp cho Tăng, Ni, Phật tử nghe…

Trong các cuộc họp thường kỳ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đều có sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, tại các cuộc họp này, tập thể Ban Trị sự và nhiều thành viên đã thường xuyên có ý kiến góp ý về vấn đề chùa Ba Vàng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình hình vẫn không tiến triển, thậm chí còn có nhiều ý kiến quy chụp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh mất đoàn kết nội bộ, ganh tị với chùa Ba Vàng. (1)

Sau công văn của Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh gửi cho các cơ quan chức năng vào tháng 8/2015, gần như sự việc bị rơi vào quên lãng.

Phật tử được xem Clip về việc vong báo oán rồi mới sang phòng khác làm lễ. Ảnh: Ngọc Tân.
Phật tử được xem Clip về việc vong báo oán rồi mới sang phòng khác làm lễ. Ảnh: Ngọc Tân.

Báo Tiền phong dẫn lời bà Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh cho biết sau khi nhận được công văn của Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh vào năm 2015, Sở đã có văn bản 1335 ngày 10/9/2015 trả lời Ban Trị sự, và đến ngày 16/9/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản chỉ đạo về sự việc của chùa Ba Vàng.

Những công văn, văn bản của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đều không có “hồi kết”, sau 4 năm việc truyền bá “vong báo oán” của chùa Ba Vàng đã thu hút hàng vạn người tham gia. (2)

Việc "thỉnh vong” diễn ra đã nhiều năm nay tại chùa Ba Vàng, có lịch cố định theo các ngày trong tháng, chia ra làm 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày. Đợt 1 diễn ra vào ngày 7-8, đợt 2 vào ngày 13-14 và đợt 3 vào 2 ngày cuối tháng tùy theo lịch (âm).

Bao nhiêu người bị lừa bịp, nộp tiền "thỉnh vong" tại chùa Ba Vàng? ảnh 4Bóc mẽ trò gọi vong ở chùa Ba Vàng

Người nào bị “vong phán” số tiền phải trả nợ phải chuẩn bị số tiền tương ứng, cho vào một phong bì dán kín, ghi rõ tên tuổi, quê quán và vong đang mắc phải, sau đó tự tay bỏ vào hòm công đức của nhà chùa. (3)

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố Uông Bí - Quảng Ninh vào ngày 20/3/2019, Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng xác nhận những việc báo chí nêu là đúng sự thật và đang diễn ra tại chùa Ba Vàng.

Tuy nhiên, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh cho rằng, đa số những người cúng tam bảo, công đức, cho nhà chùa đều là tự nguyện chứ không ai bắt ép. Còn việc nhà chùa thu tiền là theo yêu cầu của... vong. (4)

Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Phật pháp không có thuyết “thỉnh oan gia trái chủ”.

Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích, trong 38.000 bài kinh của Phật để lại không có quan điểm thỉnh vong hay oan gia trái chủ.

Đức Phật nói rõ trong Kinh, có 3 quan điểm học thuyết nguy hại cho đạo Phật, trong đó có thuyết định mệnh luận (cho rằng số phận con người do nghiệp quá khứ quyết định).

Thuyết định mệnh luận cho rằng, tất cả những gì mà con người ở hiện tại đang gánh vác và chịu đựng đều có gốc rễ 100% từ quá khứ, cho nên tạo ra số phận an bài. Đó là thuyết mà Đức Phật cực kỳ lên án, vì như thế con người sẽ không nỗ lực rèn luyện đạo đức trong cuộc sống và ở tương lai.

Rất tiếc, thầy Minh và cô Yến ở chùa Ba Vàng lại bám vào học thuyết bị Đức Phật lên án để tạo nỗi sợ hãi, gặp ai cũng phán như đinh đóng cột, như thần…

Khám người vào làm lễ "Oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng nhằm ngăn chặn thiết bị ghi hình, ghi âm... Ảnh: Báo Lao Động.

Khám người vào làm lễ "Oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng nhằm ngăn chặn thiết bị ghi hình, ghi âm... Ảnh: Báo Lao Động.

Các hành vi "trục lợi tâm linh" không phải mới xuất hiện, mà đã khá phổ biến, cứ đến tháng giêng hằng năm lại trỗi dậy. Xã hội lại lên tiếng, truyền thông tiếp tục phản ánh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại "ra văn bản" chấn chỉnh, cơ quan chức năng của Nhà nước lại "vào cuộc". Nhưng tháng giêng năm sau vẫn xảy ra những sự việc tương tự, vẫn đến hẹn lại lên.

Bao nhiêu người bị lừa bịp, nộp tiền "thỉnh vong" tại chùa Ba Vàng? ảnh 6Truyền bá vong báo oán vào xã hội là làm ngu dân

Vì vậy câu hỏi cần được đặt ra là “thỉnh vong”, “oan gia trái chủ” chỉ có ở chùa Ba Vàng hay đã âm thầm diễn ra ở những nơi khác, với những dịch vụ khác, tên gọi khác hẳn nhưng cùng chung mục đích là truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi?

Đây là vấn đề rất quan trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan quản lý văn hoá trên cả nước.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, trả lời trên Tuổi trẻ, cho rằng phải có một cuộc chấn hưng Phật giáo, những "triệu chứng" nhức nhối hiện nay chính là cơ hội để thực hiện cuộc điều trị căn bệnh "nan y mãn tính" đó.

Trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam cũng đã có lúc thịnh lúc suy, cũng bao lần pháp nạn. Những lúc suy vi như thế, Phật giáo Việt Nam luôn ra đời một cuộc chấn hưng. Trong đó, cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20 (bắt đầu từ năm 1920 đến thập niên 1950) được xem là lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo từ chỗ là Quốc giáo của Việt Nam đã trở nên suy yếu, kéo theo nhiều hệ lụy như: Tăng đồ làm điều trái giáo lý nhà Phật, mê tín tràn ngập chùa chiền... Trước tình cảnh lúc đó, các vị chân tu đã bước ra khỏi chùa để thực hiện một cuộc chấn hưng đạo pháp, cứu vãn Phật giáo nước nhà.

Những bài và clip truyền bá về vong trên trang web của chùa Ba vàng. Ảnh: Chụp lại màn hình.
Những bài và clip truyền bá về vong trên trang web của chùa Ba vàng. Ảnh: Chụp lại màn hình.

Cuộc chấn hưng được khởi phát từ miền Nam ra miền Trung rồi đến miền Bắc, sau đó lan tỏa khắp cả nước. Bền bỉ qua hơn 30 năm, Phật giáo mới trở lại chính đạo, ngôi chùa đã được trả lại cho tăng chúng,  phật tử, và nguyên khí nước Việt mới phục hồi. Từ đó, cuộc chấn hưng đã lắng xuống thành dòng chảy ngầm, âm thầm tưới tắm cho đạo pháp tươi tốt qua bao khổ nạn của chiến tranh và cả trong hòa bình.

Vì lẽ đó, trong những ngày này, nhiều tiếng nói có lương tri và trách nhiệm đang đề nghị Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện một cuộc chấn hưng như đã từng thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Chấn hưng, chứ không phải là chấn chỉnh! (5)

Tài liệu tham khảo:

(1) http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Nhieu-vi-tang-ni-chua-Ba-Vang-tung-bo-di-537816/

(2)https://www.tienphong.vn/van-hoa/chua-ba-vang-cau-vong-moi-thang-6-lan-1392131.tpo

(3) https://www.tienphong.vn/van-hoa/vong-bao-oan-o-chua-ba-vang-chinh-quyen-o-dau-1392261.tpo

(4)https://vnexpress.net/thoi-su/chua-ba-vang-thu-tien-theo-yeu-cau-cua-vong-3898146.html

(5)https://tuoitre.vn/khong-phai-chan-chinh-can-co-cuoc-chan-hung-phat-giao-20190324002440669.htm

Tùng Dương