"Đòi cấm sách của Huyền Chip: Đừng làm việc ngớ ngẩn"

30/09/2013 07:55
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
(GDVN) - Trước kiến nghị tạm đình chỉ xuất bản cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi" của Huyền Chip, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, đây là việc làm ngớ ngẩn.
Mới đây, một lá thư kiến nghị dài 21 trang với nội dung yêu cầu dừng xuất bản sách của Huyền Chip tiếp tục trở thành vấn đề bàn cãi của cộng đồng mạng. Theo đó, độc giả có tên là Trần Ngọc Thịnh, hiện đang làm chuyên gia tư vấn độc lập cho các dự án phát triển tại Việt Nam đã soạn thảo và gửi đến Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) bản kiến nghị vào khoảng 14 giờ 30 ngày 26/9. Với những lập luận khá sắc bén, độc giả Trần Ngọc Thịnh đã đề nghị Cục Xuất bản (Bộ Thông tin & truyền thông) tạm đình chỉ phát hành để thẩm định lại nội dung và tư tưởng cuốn sách hai tập mang tên "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip. Trước những tranh cãi nảy sinh từ phía cộng đồng mạng, ngày 28/9, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã cho ý kiến về việc này.  Nhà văn khẳng định: "Vì đây là sách, sách đã in ra, nó có Nhà xuất bản hẳn hoi, có giấy phép hẳn hoi thì trước hết phải đặt nội dung sách vào đúng Luật xuất bản. Chắc chắn sách của Huyền Chip không phạm điều cấm nào mà phải đòi cấm.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Còn khi tiệm cận nội dung, nói là sách nhật ký, bút ký, gì gì ký đi nữa, thấy sai, thấy chỗ này chỗ kia phịa ra, thấy chưa tới đó nhưng hóng hớt viết bằng google chứ không thực tới, đại khái thế, thì viết bài phê bình, nêu ý kiến phê bình để lần sau tái bản chỉnh sửa. Nặng hơn thì tác giả và nhà xuất bản công khai những nội dung hơi quá, xin lỗi độc giả". Nhà văn cũng nói thêm: "Lại nói, đọc, thấy tác giả kể nào là phải trốn vé, nào là phải visa chui....rồi hô hoán, làm thế là gây hiệu ứng xấu tới lớp trẻ, lớp trẻ sẽ học theo, sẽ bỏ học xách ba lô đùng đùng vượt biên... suy diễn như thế thì suy diễn cả ngày, lo bò trắng răng... Tiếp cận tác phẩm của tác giả phải tiếp cận tử tế, đọc tử tế, hay thì khen, dở thì chê, có nhiều cuốn mua về đọc vài trang vứt vì nó dở hoặc mình không hợp, chuyện ấy thường, cũng như với sách của cháu Huyền Chip, nghe PR kinh quá thì mua đọc, không thích thì thôi, đừng nhặt nhạnh câu chữ rồi hô lên cấm cấm. Tác phẩm là tác phẩm, đừng lôi thái độ của tác giả phát biểu, hay trong buổi họp báo, hay trên facebook cá nhân rồi cộng vào hết trong cái gọi là phê phán cuốn sách là cách làm ấu trĩ và mông muội".
Huyền Chip - tác giả cuốn Xách ba-lô lên và đi. (Xem thêm các bài viết về cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi")
Huyền Chip - tác giả cuốn Xách ba-lô lên và đi.
(Xem thêm các bài viết về cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi")
Nhà văn cũng cho rằng, việc Cục Xuất bản ra thông báo đến NXB Văn học về lá đơn kiến nghị dừng xuất bản sách của Huyền Chip là không cần thiết: "Một tờ đơn đề nghị của một độc giả gửi đến Cục Xuất bản, mắc chi Cục Xuất bản vội vã làm công văn như thế. Chỉ cần chuyển đơn của độc giả đến nơi xuất bản xem là được, chỉ cần thế thôi. Trong việc này, tôi cừ ngờ ngợ rằng hay đây lại là kịch bản PR tiếp theo của nhà sách, làm nóng lên lần nữa cho độc giả tò mò. Và độc giả này, hài hước làm sao, làm đơn yêu cầu cấm chính cuốn sách mà mình chưa đọc?". "Tôi đã viết một status gửi Huyền Chip và góp cho cháu vài ý để tỉnh táo hơn trước đòn PR của thị trường, để thấy cái khó của người cầm bút, viết cái gì phải nắm chắc thể loại, nếu Huyền Chip ghi là "truyện ký" là hết bàn cãi - ví dụ thế, nhưng mình phản đối nếu ai đó đặt vấn đề cấm sách này. Nhắc với Huyền Chip, nếu cháu chưa đi hết 25 nước, như chú đã viết, chỉ đi 10,12, 13 nước thì cũng rất đáng khen rồi, chứ đừng dại chứng minh điều có thể không xảy ra, như cháu mới chứng minh về 22 bức ảnh của 22 nước cháu đã qua, trong đó có 10 bức ảnh chỉ là ảnh phong cảnh thì ở nhà chú cũng kiếm được. Đừng chứng minh với sự nghi vấn theo cách đó cháu ạ", nhà văn Nguyễn Quang Vinh kết luận.
Được biết, nhà văn Nguyễn Quang Vinh sinh năm 1959 ở Quảng Bình. Ông vừa là nhà văn, nhà biên kịch (điện ảnh, truyền hình, sân khấu), đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh