Người Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) sinh sống trên đỉnh Trường Sơn. Hằng năm, cứ đến ngày 16 âm lịch, người Ma Coong lại tổ chức lễ hội đập trống để đuổi con khỉ vàng chuyên phá hoại mùa màng. Bên cây gạo ngàn năm tuổi ở bản Cà Roòng 1, bà con nơi đây mở hội đập trống để quên đi những nhọc nhằn của năm cũ, cầu mong cho năm mới sẽ tốt đẹp hơn.
Cũng trong đêm rằm này, Giàng sẽ cho phép trai gái được tự do, một đêm nguyên sơ không phép tắc, không ghen tuông.
Chiếc trống bằng da Sơn Dương là thứ quan trọng nhất trong lễ hội này của người Ma Coong được thanh niên trai tráng trong làng chuẩn bị từ trước đó |
Phong tục từ truyền thuyết thú vị
Chụm đầu bên những ché rượu cần thơm nồng, ông Đinh Xòn cho biết, ông cũng không nhớ lễ hội này có từ bao giờ. Ông chỉ nghe kể lại rằng, ngày xưa, có một con khỉ vàng chuyên đến phá hoại mùa màng của bà con dân bản nên dân bản lâm vào cảnh cơ cực.
Bà con đã dùng trống để xua đuổi khỉ vàng đi xa, từ đó dân bản không còn đói khổ. Để nhớ công lao vị Già bản, tiên tổ người Ma Coong và cầu cho quanh bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm dân bản đều tổ chức lễ hội đập trống, dâng lên Thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất này.
Trong đêm hội những đôi trai gái chưa có gia đình cũng được cơ hội làm quen để nên đôi lứa sau khi chiếc trống da sơn dương bị vỡ |
Hoạt động ấy dần dần thành một lễ hội lớn của dân tộc người Ma Coong, như một cái Tết thứ 2 của bà con dân bản.
Nhưng cũng có truyền thuyết kể rằng, ngày xưa người con trai Ma Coong bên này dãy Trường Sơn yêu người con gái Ma Coong bên kia dãy Trường Sơn nhưng tù trưởng là cha của cô gái không cho, buộc người con gái đi lấy chồng nơi khác. Quá buồn phiền, người con trai Ma Coong làm chiếc trống giữa đêm rằm vừa đánh trống vừa hát những bài dân ca nhớ người yêu.
Già làng, trưởng bản và những vị chức sắc của người Ma Coong trong làng uống rượu khai hội |
Người con gái nghe tiếng hát đã băng rừng lội suối tìm về, họ gặp nhau khi tiếng trống vỡ, hai người ôm nhau hân hoan giữa bốn bề núi cao. Khi mặt trời buổi sáng lên quá ngọn sào, người con gái lại về bên kia núi Trường Sơn. Mỗi năm đến rằm, chàng trai lại đánh trống, cô gái lại vượt núi băng rừng tìm về. Lễ "ngoại tình" của người Ma Coong gìn giữ từ đó.
Lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Ma Coong
Bản Cà Roòng 1 là nơi tổ chức lễ hội, dưới tán của cây cổ thụ, người làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ và treo chiếc trống.
Rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác là mâm cỗ để cúng Giàng. Sau vài lượt cúng khấn, lúc già làng là ông Đinh Xòn phát lệnh thì cũng là lúc lễ hội đập trống bắt đầu.
Trong đêm lễ hội này, những cặp vợ chồng sẽ được phép gặp gỡ, tình tự với người ngoài trong sự thuận tình của Giàng và cả vợ lẫn chồng. |
Mọi người vừa uống rượu cần vừa đập trống bằng những cái que nhỏ, đám thanh niên giành nhau trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Những người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa.
Theo quan niệm của đồng bào, trống phải đánh cho kỳ thủng trước khi trời sáng thì trời đất mới chứng giám cho lòng thành của mọi người, trong năm mới mới được ấm no.
Vừa đánh trống, đám thanh niên vừa la vang rừng: “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá, vui quá trời ơi). Trống thủng càng sớm, thanh niên càng mau được dắt tay bạn tình vào rừng tình tự.
Đêm của tình tự, không ghen tuông
Sau khi làm lễ, khi ông Đinh Xòn hô to: “Giàng ơi. Hôm nay lũ dân làng vào hội đập trống. Mời Giàng về dự cái sung sướng của dân bản. Chứng giám cho dân bản yêu nhau. Cầu cho trăng vẫn mọc, mặt trời vẫn lên, mỗi năm có hội đập trống để đàn bà, đàn ông ôm nhau dưới suối, níu tay say tình ngoài vợ chồng”.
Không chỉ có người Ma Coong ở Thượng Trạch, mà cả người nước bạn Lào ở các bản lân cận biên giới Việt - Lào cũng dắt tay nhau lẩn vào rừng hay xuống dòng suối Aky để tình tự.
Đây là đêm duy nhất không phép tắc, không ghem tuông, đêm đó chỉ có yêu thương nồng nàn của đam mê, của men nồng đôi lứa... chỉ có núi rừng chứng giám, cho đến sáng mai, khi gà rừng đã thức dậy gáy vang trời thì họ rời nhau trở về.
Vợ chồng ông Đinh Nhởn sinh năm 1942 và bà Y Xin sinh năm 1944, nên duyên vợ chồng từ năm 1964. Bà Y Xin nói: “Duyên của ông bà là do cha mẹ và già làng định đoạt, khi bố mẹ và già làng đưa lễ đến, bà chưa biết mặt ông, cái tục của người Ma Coong không cho phép họ làm trái ý bố mẹ, ý Giàng”.
Về ở với nhau, có với nhau bốn người con thì tình cảm dành cho nhau cũng lớn dần, nhưng hằng năm cứ đến lễ hội đập trống, cả ông và bà đều tìm đến với “người xưa” của mình. Để tình tự và tâm sự cùng nhau niềm vui cũng như nỗi buồn trong cuộc sống.
Lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn giữ được những nét văn hóa không thể phai mờ của một tộc người...