Chỉ “béo bở” cho các đại lý? Vừa qua, nhân dịp khai trương các đường bay mới Hải Phòng, Huế, Vinh, Đà-lạt, Phú Quốc cùng với Nha Trang, Đà nẵng và 8 chuyến bay khứ hồi Tp.HCM – Hà Nội mỗi ngày kết nối các tỉnh thành trên khắp Việt Nam, VietJetAir đã giảm giá tiết kiệm bất ngờ, chỉ từ 10,000 đồng cho tất cả các chặng bay. Số lượng lớn 100.000 vé máy bay siêu khuyến mại khiến không ít người tỏ ra háo hức. Tuy nhiên, “hậu” khuyến mại, sau 3 ngày mở bán đầu tiên (11, 12, 13/10/2012), không ít lời phàn nàn đã dành cho hãng hàng không thế hệ mới này. Bởi lẽ, VietJetAir tung “chiêu” khuyến mại giảm giá vé bay xuống còn 10.000 đồng nhưng lại bán chủ yếu qua website và khuyến khích áp dụng thanh toán bằng thẻ ghi nợ (Debit) hoặc thẻ tín dụng (Credit) của Visa hoặc Master.
"Nói là khuyến mãi cho tất cả mọi người cùng bay nhưng lại chỉ cho thanh toán qua thẻ visa, thử hỏi ở Việt Nam có bao nhiêu người có thẻ Visa?" - Một độc giả của báo Giáo dục Việt Nam đặt ra câu hỏi. |
"Đúng là khuyến mãi theo kiểu của riêng mình VietJet Air. Nói là khuyến mãi cho tất cả mọi người cùng bay nhưng lại chỉ cho thanh toán qua thẻ visa, thử hỏi ở Việt Nam có bao nhiêu người có thẻ Visa? Công nhân, viên chức lương tháng chẳng đủ ăn chẳng nhẽ lại cố đi làm cái thẻ Visa để mua vé máy bay. Đây chẳng qua là chiêu hạn chế người mua và chỉ "béo" mấy đại lý của VietJetAir thôi" – Độc giả H. phản hồi tới báo Giáo dục Việt Nam. Hơn nữa, hình thức mua hàng qua mạng cũng khiến không ít người đặt câu hỏi. Tại sao VietJetAir không sử dụng hình thức nhắn tin qua điện thoại giống như nhiều hãng viễn thông vẫn thường làm, như thế hãng vừa thu về doanh thu, lợi nhuận từ tin nhắn vừa khiến nhiều người dân có thể tham gia. Đằng này, VietJetAir tổ chức mua vé qua internet trong cái giờ “oái oăm” là lúc 21h đến 23h59. Vào khoảng thời gian này, các hiệu internet công cộng hầu hết đã đóng cửa (trừ các quán game), những gia đình nào có máy tính riêng thì mới có thể tham gia chương trình này. Vậy chẳng phải VietJetAir đã vô tình hay hữu ý nhắm vào giới nhiều tiền, xài máy tính, laptop hay ít nhất là có một chiếc điện thoại (có thể nối mạng)?
“Những người ở vùng nông thôn, suốt ngày chân lấm tay bùn có lẽ chẳng bao giờ dám “mơ” tới những chiếc vé máy bay giá rẻ này. Trong khi đó, VietJetAir quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng: Giá rẻ cho mọi người cùng bay và tạo ra một dấu ấn riêng biệt khi đem tới cơ hội cho cả những người nông dân cũng được thử nghiệm một lần đi máy bay. Nhưng với hình thức bán hàng của hãng thì nó chẳng khác gì bán vé siêu rẻ cho người giàu?!” – Bạn Bùi Mạnh Hùng (ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Hà Nội) chia sẻ.“Săn” vé giá rẻ: Đêm kinh hoàng “Đêm kinh hoàng”, “ác mộng”, “vật vã”, “khủng khiếp”,… đó là những từ mà người mua đã dành cho VietJetAir trong 3 ngày mở bán đợt đầu tiên giá vé 10.000 đồng vừa qua. Xem ra để “săn” được một chiếc vé giá rẻ, khách hàng phải “lao tâm khổ tứ”, “phải đầu tư về thời gian và công sức” đúng như những gì mà ông Pritam Singh – Phó Tổng Giám đốc VietJetAir đã tâm sự. Trên một blog cá nhân có địa chỉ baynhe.xx, một bạn có biệt danh là Bụi mô tả lại “nỗi cơ cực”, vất vả của mình khi thức trắng đêm “bon chen” đặt vé giá rẻ. “Mình “ngồi vêu” suốt buổi, vào trong không nổi nữa. Đến cả link tiếng Anh cũng “lăn quay” ra…”. Bạn Bụi kết luận: “săn vé máy bay giá rẻ online không khác gì tranh vé ngoài đời thực cả. Dù một mình một máy tính, chẳng ai đụng vào… vậy mà sau 3 tiếng săn vé thấy cơ thể mệt mỏi, bầm dập y như vừa đi chen lấn về. Đêm cuối cùng của đợt 1 bán vé máy bay giá rẻ VietJetAir, Bụi thấy cảnh “giẫm đạp, xô đẩy” kinh hoàng hơn hai đêm trước. Mạng thì càng ngày càng nghẽn, vé thì càng lúc càng mất hút. Tiếng kêu vang vọng khắp đất trời: “Vé đâu, vé đâu?!”. Cũng không ít các thành viên trên cộng đồng mạng nhận xét: VietJetAir thông báo trung bình mỗi ngày họ bán ra 13.000 vé máy bay giá rẻ, nhưng không hiểu sao đêm 13/10 (đêm cuối cùng bán vé) ít hơn hẳn. “Mọi người thi nhau lật tung các chặng, sục sạo mọi ngóc ngách vẫn không thấy bóng… “thiên thần” trốn ở nơi đâu?!” – bạn có nickname Xu Ba nói. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng khác lại “kêu gào” với kiểu bán vé thiếu tôn trọng khách của VietJetAir. “Khi mình click thanh toán thì website tỉnh bơ… báo hết vé. Như hãng AirAisa, họ thông báo hôm nay bán nội địa, hôm sau mới bán quốc tế nên khách hàng cứ thế mà xếp hàng. Rồi khi khách chọn được giá rẻ thì họ cho 15 phút thao tác điền thông tin, quá 15 phút thì mới bị nhả vé ra. Còn như VietJetAir…. chán không muốn nói nữa!” – một bạn trẻ chia sẻ trên baynhe.xx.
Một phản hồi trên mạng của khách hàng "săn" vé giá rẻ của VietJetAir. (Ảnh chụp màn hình) |
Đầy đủ các tâm trạng đau khổ, sung sướng, bực tức, điên dại… đều được các khách hàng của VietJetAir bộc lộ sau khi kết thúc 3 ngày bán vé máy bay giá rẻ. Còn nhớ trước đây Jetstar Pacific cũng đã từng bán vé bay giá rẻ 15.000 đồng nhưng kể từ năm 2008 đến nay, hãng này đã không còn dùng cách thức này nữa. Liệu đây có phải cách duy nhất để hãng thu hút khách hàng về phía mình của các hãng mới khi mới gia nhập thị trường hàng không? Phải chăng vé được bán giá rất thấp, thậm chí như cho không, vào thời gian nhất định đều nhằm mục đích tối thượng là quảng bá thương hiệu hoặc cạnh tranh ngắn hạn, tuyệt nhiên không nhằm mục đích “từ thiện” – giống như lời một lãnh đạo Cục hàng không đã từng nhận xét?!
Bạn đã từng trải qua "đêm kinh hoàng" trong việc đặt vé giá rẻ? Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
* Tít phụ do tòa soạn đặt
* bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Độc giả Mai Chi