Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh do Công ty vệ tinh Digital Globe Mỹ chụp được ngày 1/3/2013. |
Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông dẫn các nguồn tin cho biết, vệ tinh Mỹ phát hiện, vào tháng 9 hàng năm đều có rất nhiều quân nhân tập kết trong vườn trường của Trung Quốc, sau đó lại biến mất trong 1 đêm. Sau khi trải qua nhiều tháng phân tích và tiếp tục trinh sát, họ mới biết sinh viên Trung Quốc đều phải tiến hành huấn luyện quân sự.
Đây chính là môi trường không gian của Trung Quốc - nó không chỉ là điều quan tâm nhất của vệ tinh quan sát thương mại, mà càng là nơi quan tâm nhất của vệ tinh do thám quân sự toàn cầu. Hàng năm đều có mấy chục vệ tinh quan sát đối đất có tỷ lệ phân giải cao nhiều lần đi qua bầu trời của Trung Quốc, đằng sau chúng có hể có vô vàn nhân viên phân tích đang chờ đợi có được những phát hiện mới từ các bức ảnh vệ tinh này.
Đối với việc tàu sân bay Liêu Ninh đến cảng chính mới ở Thanh Đảo, những thông tin về nó hầu như đều do các công ty vệ tinh thương mại các nước cung cấp. Chẳng hạn, những hình ảnh vệ tinh mới nhất của Công ty vệ tinh trái đất số hóa (Digital Globe) Mỹ cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh và tàu tiếp tế 88 neo đậu ở hai bên của 1 cầu tàu.
Xuất phát từ mục đích tuyên truyền thương mại, công ty này nhiều lần công bố các hình ảnh vệ tinh chụp được về tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, trong đó có hình ảnh chạy thử trước đây của tàu Liêu Ninh.
Digital Globe không phải là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên công khai khả năng sử dụng vệ tinh của họ để quan sát Trái đất. Năm 2006, vệ tinh thương mại Mỹ tuyên bố đã chụp được "tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn" ở vùng biển Đại Liên của Trung Quốc.
Đương nhiên điều quen thuộc nhất của dư luận vẫn là các tạp chí quân sự nổi tiếng quốc tế như Jane's, Kanwa - những tạp chí này thường sử dụng hình ảnh vệ tinh cả trang báo để phỏng đoán về các động thái quân sự mới nhất của Trung Quốc.
Ảnh tàu sân bay Liêu Ninh chạy thử trên biển do Công ty vệ tinh Digital Globe Mỹ chụp được. |
Ai theo dõi Trung Quốc trên vũ trụ?
Ở hướng tây nam Trung Quốc, vào năm 1978 Ấn Độ đã đưa ra chương trình hàng không vũ trụ, đưa ra đường lối phát triển "vệ tinh trước, tên lửa sau".
Ngày 17 tháng 3 năm 1988, vệ tinh viễn thám thực dụng đầu tiên "IRS1A" của Ấn Độ sử dụng tên lửa đẩy Vostok của Liên Xô phóng lên thành công ở Baikonur.
Ngày 28 tháng 12 năm 1995, Ấn Độ sử dụng tên lửa Molniya của Nga đã phóng vệ tinh viễn thám IRS1C thế hệ thứ hai, nó được phổ biến cho là tương đương với phiên bản sớm của vệ tinh dòng "Tài nguyên" (ZY) của Trung Quốc.
Đến năm 2005 và năm 2010, Ấn Độ lại phóng nhiều vệ tinh "vẽ bản đồ", được biết chúng có tỷ lệ phân giải cao nhất đạt 0,8 m. Đến năm 2012, Ấn Độ sở hữu cụm vệ tinh viễn thám lớn nhất toàn cầu - có 12 vệ tinh đang vận hành trên quỹ đạo, trong đó tốt nhất là Risat-1.
Ấn Độ có kế hoạch trong tương lai tiếp tục phóng ít nhất 6 vệ tinh do thám hình ảnh, tăng tỷ lệ phân giải đạt khoảng 0,5 m. Họ cũng có thể trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu vệ tinh quân sự chuyên dụng. Có điều, đối với Ấn Độ, sự nghiệp hàng không vũ trụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn đến nay Ấn Độ vẫn đang tìm tòi công nghệ động cơ tên lửa ổn định.
Vệ tinh viễn thám Risat-1 Ấn Độ |
Một nước lớn về hãng không vũ trụ khác là Nga, vào mùa xuân năm 2013, Bộ Quốc phòng Nga vừa ký với công ty Lavochkin Association một hợp đồng nghiên cứu chế tạo hệ thống vệ tinh trinh sát/do thám kiểu mới, trị giá khoảng 70 tỷ rúp. Hệ thống vệ tinh trinh sát này do 5 vệ tinh tạo thành, tỷ lệ phân giải sẽ thấp tới 1 m, có khả năng nhận biết biển xe ô tô và đặc điểm mặt người ở trên Trái đất.
Căn cứ vào kế hoạch, Nga sẽ phóng trước 2 vệ tinh, sau đó tiếp tục phóng 3 vệ tinh, từ đó xây dựng mạng lưới do thám vũ trụ hoàn chỉnh. Do Nga chưa có vệ tinh trinh sát tương tự, công ty Lavochkin Association sẽ cân nhắc mua sắm công nghệ có liên quan từ nước ngoài.
Liên Xô cũng bắt đầu phóng vệ tinh trinh sát hình ảnh từ thập niên 60 của thế kỷ trước, luôn sử dụng tên lửa đẩy Cosmos, đến nay đã phát triển được 5 thế hệ, Nga chủ yếu sử dụng vệ tinh 3 thế hệ sau.
Đồng thời, để ứng phó với mối đe dọa hạt nhân thời kỳ Chiến tranh Lạnh, năm 1967 Liên xô bắt đầu phóng vệ tinh cảnh báo sớm, do 3 mạng lưới vệ tinh tiến hành do thám, cảnh báo sớm. Từ năm 1980 trở đi, Liên xô mở rộng 3 mạng lưới vệ tinh thành hệ thống 9 mạng lưới vệ tinh.
Nói một cách tổng thể, từ sau khi Liên Xô tan rã, vệ tinh do thám hình ảnh của Nga liên tục bị giảm đi. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, số lượng vệ tinh Nga đã từ 186 chiếc giảm xuống còn 137 chiếc. Đến năm 1999, Nga tuyên bố sẽ giảm 30% số lượng vệ tinh, duy trì khoảng 100 chiếc. Được biết, số lượng này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu quân dụng và dân dụng tối thiểu của Nga.
Tháng 4 năm 2006, vệ tinh do thám còn lại của Nga bất ngờ bị rơi và cháy trên quỹ đạo. Mặc dù quân đội Nga sau đó đã phóng khẩn cấp một vệ tinh thay thế, nhưng Nga đã đối mặt với "khoảng trống do thám" trong thời gian 5 ngày. Ngày 2 tháng 6, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban công nghiệp quân sự Chính phủ liên bang Nga, Thượng tướng Putilin tuyên bố, sẽ tập trung mua sắm vệ tinh trinh sát mới.
Vệ tinh do thám Kobalt-M Nga |
Chế tạo vệ tinh chỉ là một chương trình trong khoản chi tiêu khổng lồ dành cho vệ tinh do thám. Năm 2003, Nga rút khỏi quân cảng Cam Ranh của Việt Nam và trạm nghe lén ở Cuba. Khi đó, quan chức cấp cao Quân đội Nga cho biết, trạm nghe lén ở Cuba "không gồm chi phí duy trì nhân viên, mỗi năm tiền thuê trạm nghe lén cao tới 200 triệu USD, dùng số tiền này chúng ta có thể mua và phóng mấy chiếc vệ tinh trinh sát hoặc mua 100 vệ tinh radar".
Trong khi đó, động thái mới nhất ở xung quanh Trung Quốc là, để tăng cường năng lực theo dõi tự chủ, Hàn Quốc quyết định đưa vệ tinh trinh sát chuyên dụng quân sự vào chương trình trung và dài hạn, đồng thời từng bước chuyển hóa nó thành sức chiến đấu.
Hiện nay, Quân đội Hàn Quốc thông qua vệ tinh thực dụng đa năng Kompsat-3 theo dõi các cơ sở quan trọng như bãi thử hạt nhân, bãi phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Nhưng Kompsat-3 hoàn toàn không phải là vệ tinh quân sự chuyên dụng, chu kỳ chụp dài, tỷ lệ phân giải là 0,7 m.
Trong thời gian tranh cử, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từng hứa hẹn rằng, để tăng cường khả năng theo dõi đối với CHDCND Triều Tiên, sẽ bảo đảm các khả năng cần thiết như vệ tinh quân sự chuyên dụng và máy bay do thám không người lái. Mặt khác, Quân đội Hàn Quốc cũng yêu cầu sở hữu vệ tinh cảnh báo sớm, sử dụng bộ cảm biến tia hồng ngoại để dò tìm tên lửa CHDCND Triều Tiên trong vũ trụ, chỉ ngân sách chương trình này đã lên tới khoảng 28-40 tỷ nhân dân tệ.
Vệ tinh Kompsat-3 Hàn Quốc |
Vệ tinh thương mại Mỹ thường "hoạt động không rõ ràng"
Công ty Digital Globe có trụ sở tại bang Colorado Mỹ hiện nay sở hữu 3 vệ tinh, bao gồm vệ tinh QuickBird, WorldView-1 và WorldView-2, đều có tỷ lệ phân giải đạt khoảng 0,5 m.
Dựa vào những vệ tinh mạnh này, Digital Globe luôn là nhà cung ứng hình ảnh vệ tinh cho Google. Google đã từng công bố các hình ảnh vệ tinh về các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Đồng thời Digital Globe cũng luôn cung cấp dịch vụ cho các cơ quan tình báo của Chính phủ và Quân đội Mỹ.
Mỹ là quốc gia có năng lực vệ tinh do thám quân sự mạnh nhất trên thế giới. Từ tháng 8 năm 1960 phóng vệ tinh do thám chụp ảnh đầu tiên trên thế giới đến nay, đặc biệt là sau khi nhiều máy bay trinh sát chiến lược bị các nước xã hội chủ nghĩa bắn rơi vào thập niên 60-70 thế kỷ trước, Mỹ đã sử dụng vệ tinh do thám để tìm hiểu về thực lực quân sự của các nước như Liên Xô, Trung Quốc. Từ đó trở đi, họ cũng không ngừng đổi mới kỷ lục đối với vệ tinh quan sát Trái đất.
Bên ngoài luôn cho rằng, vệ tinh do thám tỷ lệ phân giải cao tốt nhất của Mỹ có máy ảnh tiêu cự dài 6 m, có thể chụp được hình ảnh tỷ lệ phân giải 0,05 m. Điều này có nghĩa là, họ có thể nhìn rõ biển tên trên ngực của quân nhân.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ cơ bản duy trì quy mô 6-8 vệ tinh do thám trên quỹ đạo, chúng chủ yếu là vệ tinh do thám quang học dòng Keyhole và vệ tinh do thám radar dòng Lacrosse. Vệ tinh Keyhole được bắt đầu phóng từ năm 1960, chiếc vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo hiện nay là Keyhole-12 thế hệ thứ năm.
Vệ tinh do thám quang học Keyhole-12 Mỹ |
So với các vệ tinh do thám khác, những vệ tinh này chủ yếu thu lấy hình ảnh, thường được gọi là vệ tinh do thám hình ảnh.Mặc dù dòng Keyhole có rất nhiều ưu điểm, nhưng nó cũng tồn tại những điểm yếu mà các vệ tinh do thám hình ảnh quang học khác đều có, đó là: không thể nhìn xuyên qua tầng mây.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do phần lớn lãnh thổ của Liên Xô và một số khu vực được Mỹ quan tâm khác thường bị các tầng mây che phủ, cho nên năm 1988 Mỹ đã phóng vệ tinh trinh sát hình ảnh radar Lacrosse đầu tiên, Mỹ cũng là quốc gia sở hữu loại vệ tinh này sớm nhất.
Rất nhanh, chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ. Mặc dù người Iraq đã đốt cháy giếng dầu, nhưng Lacrosse vẫn có thể nhìn xuyên qua khói đen để tìm hiểu tình hình mặt đất. Loại vệ tinh này có chi phí chế tạo lên tới 500 triệu đến 1 tỷ USD. Mãi đến năm 2008, Mỹ mới thừa nhận sự tồn tại của loại vệ tinh này.
Ngoài 2 loại vệ tinh do thám hình ảnh này, trên vũ trụ Mỹ còn có 1 dòng vệ tinh trinh sát điện tử, chúng dùng để trinh sát, thu thập tín hiệu điện từ phát ra từ hệ thống dò vũ khí cự ly xa, radar và thông tin.
Chẳng hạn, chức năng chính của vệ tinh NROL15 được phóng vào tháng 6 năm 2012 hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Điều có thể phản ánh được sức mạnh của vệ tinh do thám Mỹ là, chúng căn cứ vào sự khác nhau của đối tượng do thám, có dòng chuyên môn khác nhau. Chẳng hạn ngoài vệ tinh hình ảnh quang học, radar, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo khác nhau của Mỹ cũng có rất nhiều vệ tinh dùng để cảnh báo sớm tên lửa.
Vệ tinh do thám hồng ngoại tiên tiến nhất thế giới GEO-1 của Mỹ |
Đầu năm 2012, vệ tinh quỹ đạo Trái đất đồng bộ đầu tiên GEO1 của hệ thống hồng ngoại trong không gian đã được đưa vào sử dụng. Căn cứ vào tiết lộ của hãng Lockheed Martin, nhà thầu chính của hệ thống hồng ngoại không gian, vệ tinh này có bộ cảm biến hòng ngoại rất mạnh, phức tạp, có thể dò riêng đối với ngọn lửa tên lửa phóng trên Trái đất. Đồng thời, GEO2 cũng đã đi vào giai đoạn thử nghiệm dự phóng và vận hành thử cuối cùng.
Với tính chất là vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa tốt nhất hiện nay, mặc dù trong giai đoạn đẩy tên lửa sau khi nhiên liệu đẩy cháy hết, ngọn lửa tan biến, đầu đạn và thân đạn tách ra thì hệ thống hồng ngoại không gian vẫn có thể tiếp tục theo dõi đầu đạn.
Sự tồn tại của những vệ tinh này cũng là lá chắn chủ yếu đối với việc tên lửa tấn công tàu sân bay: Một khi tên lửa phóng đi, vệ tinh sẽ phát hiện và tính toán nơi phóng của nó, sau đó nhanh chóng thông báo cho tàu sân bay di chuyển.
Mặc dù Mỹ là một siêu cường, nhưng duy trì hệ thống vệ tinh khổng lồ như vậy vẫn còn khó khăn. Đặc biệt là, chiến lược quân sự của Mỹ từng bước chuyển hướng sang ứng phó với các sự kiện bất ngờ và chiến tranh cục bộ công nghệ cao, vệ tinh trinh sát hình ảnh cỡ lớn đã xuất hiện những vấn đề như chi phí quá cao, số lượng ít, chu kỳ dài, năng lực cơ động kém.
Bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Mỹ quyết định thúc đẩy chương trình "hệ thống hình ảnh tương lai", hy vọng phóng "chòm sao" do thám gồm các vệ tinh cỡ nhỏ có đặc điểm nhỏ hơn, nhẹ hơn và rẻ hơn.
Mỹ đã lựa chọn phương án của hãng Boeing, nhưng trong quá trình thực hiện cuối cùng, chi phí vượt mức lớn, công nghệ then chốt không thể đột phá, đến năm 2005, chương trình đã tiêu tốn 4-5 tỷ USD này buộc phải dừng lại.
Vệ tinh do thám QuickBird của Công ty Digital Globe Mỹ |
Huieren (âm), quan chức Cục tình báo Trung ương từng lãnh đạo lĩnh vực do thám vệ tinh Mỹ từng nói một câu nổi tiếng rằng: Vạch ra phương án thành công không có nghĩa là có thể nghiên cứu chế tạo thành công phần cứng.
Để giải quyết khoảng trống từ sự thất bại của "hệ thống hình ảnh tương lai", Mỹ đã áp dụng một số biện pháp khẩn cấp: Tăng cường hợp tác với các công ty thương mại như Digital Globe, gia tăng mức độ mua sắm, yêu cầu phóng vệ tinh Keyhole mới.
Nhưng, đối với sự phát triển của vệ tinh trinh sát tương lai Mỹ, vẫn tồn tại các quan điểm khác nhau.
Trong tình hình này, năm 2009 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn chương trình vệ tinh trinh sát quang học mới, dự định sử dụng vài tỷ USD để chế tạo vệ tinh cỡ lớn mới. Cũng chính dưới sự tài trợ của nguồn vốn này, Digital Globe cũng đang nghiên cứu phát triển vệ tinh hình ảnh thương mại mới.
Khác với Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ hy vọng sử dụng vệ tinh rẻ hơn, áp dụng công nghệ mới, kể cả "chòm sao" vệ tinh cỡ nhỏ. Những người trong lĩnh vực vệ tinh quan sát Trái đất trên toàn thế giới hiện nay đều đang quan sát sự lựa chọn cuối cùng của Mỹ.
Vệ tinh trinh sát Nhật Bản "treo đầu dê bán thịt chó"
Ở xung quanh Trung Quốc, năng lực vệ tinh trinh sát của Nhật Bản không thể coi thường. Đầu năm 2013, Nhật Bản đã phóng vệ tinh do thám Radar-4. Trung tâm tình báo vệ tinh nội các Nhật Bản cho biết, vệ tinh Radar-4 phối hợp với các vệ tinh khác trên quỹ đạo, lần đầu tiên trong 1 ngày đã có thể tiến hành chụp ảnh 1 lần ở tất cả các địa điểm trên Trái đất.
Vệ tinh do thám Radar-4 của Nhật Bản. |
Từ năm 1998 Nhật Bản quyết định phát triển vệ tinh do thám, hiện đã đầu tư khoảng 57,7 tỷ nhân dân tệ. Do các nguyên nhân như phóng thất bại, mạng lưới vệ tinh do thám hiện nay được thực hiện đã chậm gần 10 năm so với kế hoạch ban đầu.
Radar-4 là một vệ tinh do thám radar, có thể theo dõi mặt đất trong tình hình đêm tối hoặc nhiều mây, có thể phân giải vật thể nhỏ khoảng 1 m. Trước đó, Nhật Bản đã phóng 3 vệ tinh tương tự. Ngoài ra, Nhật Bản còn sở hữu vệ tinh Quang học-3, Quang học-4 và Quang học-2 cũ hơn. Theo kế hoạch, Nhật Bản có thể cũng sẽ xây dựng "chòm sao 4 vệ tinh" của vệ tinh do thám quang học.
Vệ tinh do thám của Nhật Bản chủ yếu do hãng Mitsubishi nghiên cứu phát triển, nhưng con đường phát triển quanh co phức tạp.Tháng 3 năm 2003, Nhật Bản sử dụng phương thức "1 tên lửa 2 vệ tinh" đã phóng một vệ tinh do thám radar. Tháng 11 cùng năm, đợt phóng thứ hai tương tự bị thất bại do tên lửa bị rơi. Sau đó Nhật Bản chuyển sang áp dụng phương thức "1 tên lửa 1 vệ tinh" để phóng.
Đến năm 2006, vệ tinh Quang học-2 được Nhật Bản phóng lên tiếp tục gặp phải khó khăn: chip IC do công ty Mỹ chế tạo có vấn đề, đã phải mất nửa năm để thay đổi. Có phương tiện truyền thông Nhật Bản cho rằng, đây là hành vi cố ý của Chính phủ Mỹ.
Trước đó, năm 2005, báo chí Đài Loan từng cho rằng, có cơ quan Đài Loan đã điều tra được "vụ án gián điệp Nhật Bản" - "nghi phạm Tô Đông Hồng trao đổi tài liệu hợp tác hình ảnh vệ tinh giữa Đài-Mỹ, tiết lộ cho sĩ quan cấp cao Bộ Quốc phòng Nhật Bản".
Vệ tinh do thám hình ảnh radar của Nhật Bản. |
Theo bài báo, Mỹ tương đối kinh ngạc về vụ án gián điệp hiếm có này, liên tiếp truy hỏi, muốn tìm hiểu gấp những tài liệu đã được tiết lộ ra bên ngoài, muốn tiến hành kiểm soát thiệt hại, để cho những tác động từ sự tiết lộ này hạn chế tới mức tối đa.
Phía Đài Loan phát hiện, nghi phạm Tô Đông Hồng đã tiết lộ những hình ảnh vệ tinh có thể giúp cho Nhật Bản dựa vào những tài liệu cơ mật này, tiếp tục nghiên cứu quỹ đạo vận hành, độ cao trong không gian và thời gian bay qua eo biển Đài Loan và vùng biển Nhật Bản của vệ tinh Mỹ, che giấu thích hợp các công trình và hành động bí mật của Nhật Bản.
Vệ tinh do thám mới của Nhật Bản ngoài tỷ lệ phân giải khá cao đạt 0,6 m, còn có tính cơ động và khả năng kiểm soát mạnh. Được biết, nó đã sử dụng các công nghệ mới như vật liệu nhẹ, pin năng lượng mặt trời hiệu quả cao, sử dụng linh hoạt hơn, chỉ cần bay trên mục tiêu 1 lần là có thể hoàn thành nhiều công việc.
Theo tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản, tên lửa đạn đạo và vệ tinh mà CHDCND Triều Tiên phóng là mối đe dọa to lớn đối với Nhật Bản, mặc dù nói cơ sở hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên là mục tiêu theo dõi của vệ tinh Nhật Bản, nhưng, trong quá trình do thám này, nhờ vào các thông tin tình báo của vệ tinh cung cấp, Bộ Quốc phòng và Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã xác nhận được việc Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt đường ống dầu mỏ giữa mỏ dầu Xuân Hiểu và mỏ dầu Thiên Ngoại Thiên.
Vệ tinh WorldView-2 của Công ty Digital Globe, Mỹ |