Dài cổ chờ “sổ đỏ”
Năm 2009, thành phố Hải Phòng thu hồi nhà, đất của hàng nghìn hộ dân tại các quận Hải An, Dương Kinh, huyện An Lão và huyện Kiến Thụy để triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Để có mặt bằng thực hiện dự án, thành phố Hải Phòng đã bố trí xây dựng nhiều khu tái định cư tại 4 quận, huyện trên.
Đến cuối năm 2012, các địa phương đã hoàn thành giao đất tái định cư cho hàng nghìn hộ dân xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho đến nay.
Các hộ dân nhận đất tái định cư đã gần 9 năm nhưng chưa được cấp "sổ đỏ" (Ảnh: Lã Tiến) |
Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay trên địa bàn Hải Phòng có tổng số 880 hộ dân ở các khu tái định cư thuộc 2 huyện An Lão và Kiến Thụy chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất tái định cư.
Cụ thể, tại huyện An Lão có 690 hộ dân có nhà, đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại 8 khu tái định cư: Tân Viên – An Thắng 1,2; Quang Trung 1,2; Quốc Tuấn, Mỹ Đức 1,2 và An Thái.
Tại huyện Kiến Thụy có 190 hộ dân sống tại 6 khu tái định cư thuộc xã Hữu Bằng, Thuận Thiên.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi, trú tại thôn Câu Đông, xã Quang Trung, huyện An Lão) được bố trí tái định cư 100 m2 tại khu tái định cư Quang Trung. Thời điểm chi trả tiền bồi thường, gia đình chị bị giữ lại 40 triệu đồng tiền đất tái định cư.
Chị Hồng đã xây ngôi nhà 2 tầng rưỡi khang trang ở khu tái định cư từ năm 2010. Nhưng từ đó đến nay đã rất nhiều lần đề nghị làm “sổ đỏ” mà không được. “Họ giải thích tiền chúng tôi tạm ứng chưa được nộp vào ngân sách huyện nên chưa được cấp sổ đỏ”, chị Hồng nói.
Các hộ dân đã tạm nộp tiền sử dụng đất tái định cư và có giấy biên nhận (Ảnh: Lã Tiến) |
Cùng cảnh ngộ với chị Hồng, gia đình chị Đào Thị Quỳnh (ở thôn Câu Đông, đang sinh sống tại khu tái định cư của xã Quang Trung) chia sẻ: “Chúng tôi mong được cấp “sổ đỏ” bảo đảm quyền lợi cho nhân dân, nhưng chờ hết năm này đến năm khác vẫn không thấy đâu.
Đến nay, hơn 9 năm sinh sống trên mảnh đất mới, muốn có vốn để phát triển sản xuất, nhưng nhà không có bìa đỏ thì lấy gì thế chấp?”.
Tương tự, tại khu tái định cư xã Quang Trung, cả thảy hơn 300 hộ dân bị thu hồi đất làm đường cao tốc đã nhận đất tái định cư nhiều năm nhưng chưa có ai được cấp sổ đỏ.
Tình trạng không được cấp "sổ đỏ" khiến cho người dân gặp khó khăn khi muốn vay vốn làm ăn. Có trường hợp sau khi nhận đất tái định cư chuyển đi địa phương khác sinh sống muốn bán đất lấy vốn nhưng rao mãi không bán được chỉ vì thiếu “sổ đỏ”.
Không được cấp sổ đỏ, người dân tái định cư liên tục kiến nghị tới chính quyền, vấn đề này cũng trở nên nóng bỏng tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương.
Chủ đầu tư “ôm” tiền trái luật?
Ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện An Lão (Hải Phòng), cho biết huyện chưa thể cấp được “sổ đỏ” cho các hộ dân tái định cư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vì tiền đất tái định cư của các hộ dân chưa được nộp vào ngân sách.
Số tiền này bị chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) “tạm giữ” từ nhiều năm qua.
Bức xúc vì mãi không được cấp "sổ đỏ", các hộ dân liên tục có đơn gửi chính quyền các cấp (Ảnh: Lã Tiến) |
Theo Ủy ban nhân dân huyện An Lão, năm 2009, do thành phố Hải Phòng không có kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu tái định cư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chủ đầu tư VIDIFI đã ứng kinh phí thực hiện.
Khi đền bù, VIDIFI đã tạm giữ 40,8 tỷ đồng tiền tạm ứng đất tái định cư của các hộ dân huyện An Lão, không nộp vào ngân sách theo quy định.
Tại huyện Kiến Thụy, chủ đầu tư VIDIFI cũng tạm giữ 19 tỷ đồng là tiền tạm ứng đất tái định cư của 190 hộ dân thuộc diện tái định cư.
Huyện An Lão cho rằng VIDIFI tạm giữ số tiền này là trái quy định của pháp luật vì tiền đất của dân phải được nộp vào ngân sách, chủ đầu tư không được phép giữ.
Chính vì vậy, huyện An Lão đã nhiều lần có văn bản đề nghị thành phố Hải Phòng yêu cầu VIDIFI hoàn trả số tiền này vào nộp vào ngân sách để cấp “sổ đỏ” cho dân.
Tuy nhiên, đến nay cả An Lão và Kiến Thuỵ vẫn chưa được hoàn trả tiền này nên huyện chưa thể cấp “sổ đỏ” cho dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc VIDIFI khẳng định, VIDIFI đã làm đúng theo chế độ chính sách. Làm gì có chuyện doanh nghiệp làm sai khiến dân không được cấp “sổ đỏ”.
“Chính sách giải phóng mặt bằng chung cho các địa phương gồm 13 huyện, chúng tôi làm sao làm sai ở một địa phương được. Hiện nay, chúng tôi chờ thành phố Hải Phòng có ý kiến chính thức, thành phố quyết thế nào chúng tôi thực hiện thế, thành phố bảo chúng tôi sai thì chúng tôi sửa”, ông Tỉnh nói.
Theo ông Tỉnh, chủ đầu tư chỉ cấp tiền theo chế độ, chính sách cho địa phương. Còn thực hiện giải phóng mặt bằng, trả tiền, cấp sổ đỏ cho dân thế nào là do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo.
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Phòng thực hiện giải phóng mặt bằng theo cơ chế đặc thù, trước đây chế độ chính sách nhiều cái địa phương làm chưa đúng. Bây giờ Hải Phòng đang yêu cầu làm lại giá đất tái định cư.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các khu tái định cư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đến nay giữa Hải Phòng và VIDIFI vẫn chưa thực hiện xong việc thanh, quyết toán.
Thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương và sở ngành liên quan xác định lại giá đất tái định cư bởi trước đây giá đất tái định cư được tính chỉ mới có giá đất, chưa có phần đầu tư cơ sở hạ tầng.
Do chưa “chốt” được giá nên giữa Hải Phòng và VIDIFI chưa thực hiện quyết toán được.