Viện trưởng nghiên cứu Lập pháp của Quốc Hội không ủng hộ tịch thu xe

07/03/2015 08:09
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho rằng người đưa ra đề xuất đó không nắm được bản chất của vấn đề, chẳng hiểu gì về luật.

Ủy ban an toàn giao thông quốc gia vừa đề xuất với Chính phủ tịch thu ô tô, phạt tiền nặng, thu giấy phép nếu lái xe say rượu. Đề xuất này đang “gây bão” dư luận.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo về đề xuất này.

Ông có đồng tình với đề xuất trên không?

Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo (Ảnh: LD)
Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo (Ảnh: LD)

Tất nhiên là tôi không đồng tình bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chiếc xe vi phạm có thể không phải là tài sản của người vi phạm. Có thể đó là tài sản của Nhà nước hay người thân, bạn bè của người vi phạm. Chúng ta phải tôn trọng quy định của luật pháp: tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ.

Thứ hai, người sử dụng chiếc xe đó vi phạm chứ bản thân chiếc xe đó không vi phạm gì cả. Không thể vì thế mà tịch thu chiếc xe đó được.

Cuối cùng, đề xuất đó không đúng với các quy định hiện hành của Hiến pháp cũng như pháp luật về quyền sở hữu.

Rõ ràng, người đưa ra đề xuất đó không nắm được bản chất của vấn đề giữa hành vi vi phạm và các luật liên quan đến việc sở hữu tài sản.

Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, chẳng ai muốn tịch thu phương tiện của người dân. Phương tiện là tài sản lớn, nhưng sinh mạng còn lớn hơn nhiều. Nếu biết là tài sản lớn thì đừng vi phạm. Ông nghĩ sao về quan điểm trên?

Nếu làm phép so sánh giữa tính mạng con người với tài sản là phương tiện vi phạm, thậm chí tài sản quốc gia, tôi cho rằng không thể so sánh được. Mạng sống của con người là quan trọng nhất. Ai cũng hiểu và điều đó hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, nhưng tôi nghĩ không thể so sánh ba lung tung được bởi Bộ luật hình sự đã quy định rõ phải cân đối giữa lợi ích anh bảo vệ được với thiệt hại anh gây ra chứ không thể hy sinh một lợi ích lớn để bảo vệ lợi ích nhỏ và ngược lại.

Tôi lấy ví dụ không thể vì muốn cứu khối tài sản lớn trong một vụ hỏa hoạn mà có những hành động có thể gây chết người hay cũng không thể nói mạng sống của một người quan trọng hơn khối tài sản kia. Nói như vậy để thấy rằng không thể đưa ra lập luận như trên rồi đòi thu giữ tài sản của người ta.

Ông có cho rằng chế tài xử phạt hiện nay đang quá nhẹ và cần tăng nặng hơn nữa?

Cảnh sát giao thông thực hiện tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trong máu khi thây dấu hiệu nghi ngờ (ảnh: nguồn internet)
Cảnh sát giao thông thực hiện tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trong máu khi thây dấu hiệu nghi ngờ (ảnh: nguồn internet)

Tôi thấy lâu nay người ta nói nhiều về việc này. Từ khi có luật xử lý vi phạm hành chính, khung tối thiểu và tối đa về mức xử phạt đã được tăng lên rất nhiều. Trên thực tế, nhiều trường hợp áp dụng luật người ta lại thấy xử lý như thế đang là quá nặng. Vì quá nặng nên nhiều khi chủ hàng, chủ xe sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Có mức phạt bị đánh giá là gây thiệt hại quá lớn cho chủ xe.

Vậy nên nếu nói rằng chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, tôi cho rằng không hẳn. Nếu muốn tăng nặng thêm chế tài xử phạt thì cũng phải phù hợp với tinh thần của luật. Chẳng hạn với trường hợp xe chở quá tải, nếu phạt nhẹ người ta sẽ không sợ bởi lợi ích họ thu lại vẫn được nhiều hơn cái bị phạt.

Tuy nhiên, quan trọng không phải là chế tài xử phạt đủ nặng hay chưa mà là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Do vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn quan trọng hơn cả việc tăng nặng chế tài xử phạt.

Muốn giảm thiệt hại về mặt tính mạng và tài sản do người vi phạm luật an toàn giao thông gây ra, cần có một giải pháp mang tính tổng thể chứ không thể chỉ dựa vào khía cạnh: tăng chế tài xử phạt.

Đúng như ông nói, nếu đề xuất này được thông qua, chúng ta sẽ gặp khó trong việc xử lý phương tiện vi phạm khi đó là tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp hay là tài sản người vi phạm đi mượn của người thân, quen. Vậy theo ông trong các trường hợp nêu trên, cần xử lý như thế nào?

Với đề xuất trên, tôi hiểu mục đích của người ta là muốn “đánh” người vi phạm, còn người vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường lại cho chủ phương tiện. Nhưng như thế là không đúng. Nên để người vi phạm tự chịu trách nhiệm về bản thân họ chứ không thể để một vật/người khác phải chịu trách nhiệm thay họ.

Nếu phương tiện vi phạm là của nhà nước, của người khác thì không có cơ sở pháp lý nào cho người ta tịch thu cả.

Một số người cho rằng chúng ta có thể tịch thu vĩnh viễn giấy phép lái xe của người vi phạm hoặc bắt họ lao động công ích. Ông nghĩ sao về các đề xuất này?

Tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm vậy. Ở nước ngoài, mỗi lần vi phạm, giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ bị bấm một nút. Quá 3 nút, người ta sẽ thu giấy phép lái xe và muốn có lại phải thi lại.

Tôi xin nhấn mạnh đã động đến các quyền cơ bản của con người, của công dân thì phải được đề cập tới trong luật của Quốc hội chứ không thể tùy tiện ai cũng quy định được.

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN