Việt Nam cần cẩn trọng thủ đoạn Trung Quốc đẩy ngành nghề ô nhiễm ra nước ngoài

20/06/2016 14:17
Ngọc Việt
(GDVN) - Các nước trên thế giới đã xem việc xử lý môi trường là tiêu chí hàng đầu cho việc lựa chọn nhà đầu tư, vì vậy Trung Quốc đã có những cách thức vượt qua.

Theo tài liệu của bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ công bố ngày 22/5/2013, Bắc Kinh cam kết đến năm 2016 sẽ cải tiến hệ thống kiểm soát ô nhiễm môi trường của họ. Tuy nhiên, thực tế ô nhiễm môi trường vẫn là điều đầu tiên dư luận thế giới nhắc tới mỗi khi có vấn đề phát sinh liên quan tới kinh tế Trung Quốc.

Ô nhiễm môi trường đã gây nhiều bức xúc cho người dân Trung Quốc cũng như chính quyền và người dân tại các quốc gia mà doanh nghiệp Trung Quốc có dự án hợp tác, đầu tư. Trong số những nguyên nhân khiến Trung Quốc bị nghi ngờ khi sang làm ăn tại nhiều quốc gia trên thế giới, phá hoại môi trường là nguyên nhân thứ hai, đứng ngay sau những thủ đoạn làm ăn gian dối “hại người lợi mình".

Điều đó không chỉ là rào cản đối với Bắc Kinh trong điều hành và quản lý đất nước, mà còn gây hại cho doanh nghiệp Trung Quốc trong hợp tác đầu tư tại nước ngoài, nó ảnh hưởng tới vị thế của Bắc Kinh trong hệ thống chính trị thế giới, nó ảnh hưởng tới vai trò của kinh tế Trung Quốc với kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thay đổi.

Môi trường ô nhiễm tại Trung Quôc. Ảnh: Reuters.
Môi trường ô nhiễm tại Trung Quôc. Ảnh: Reuters.

Gánh nặng chi phí bảo vệ môi trường quá lớn khiến Trung Quốc né tránh trách nhiệm

Trung Quốc đã đảo ngược quy trình giữa kinh tế - tài chính với kinh tế - kỹ thuật và bỏ quên kinh tế - xã hội khi xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh hay triển khai nghiệp vụ kinh tế phát sinh, nhằm tối thiểu hoá chi phí để tối đa hoá lợi nhuận cho mình.

Việc kinh tế - xã hội bị Trung Quốc bỏ quên không phải vì nó không quan trọng, mà vì nó luôn làm giảm lợi nhuận của hoạt động sản xuất – kinh doanh. Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường được nhận diện thuộc về kinh tế - xã hội, vì vậy nó luôn bị Trung Quốc lãng quên trong các hoạt động kinh tế của của mình.

Sự ảnh hưởng trái chiều của việc xử lý ô nhiễm môi trường tới lợi ích của doanh nghiệp khiến cho doanh nghiệp Trung Quốc bất chấp tác hại của việc tàn phá hay phá huỷ môi trường để tránh thiệt hại cho mình hay làm lợi cho mình, dù luôn bị chỉ trích, thậm chí lên án.

Xin đưa ra một bài toán kinh tế để chứng minh.

Nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man Việt Nam do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư được xây dựng tại Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang chuẩn bị hoạt động vào cuối năm 2016.

Sự lo ngại về ảnh hưởng đến môi trường của nhà máy này đang là tâm điểm của dư luận khi nước thải từ nhà máy được cho là sẽ thải ra sông Hậu. Dự án nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man Việt Nam có tổng vốn đầu tư (tạm gọi là D) trị giá 1,2 tỉ USD.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Lệ Phương – cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường Hậu Giang cho biết, dự án có một nhà máy xử lý nước thải với công suất 180.000 m3/ngày đêm, trong đó, giai đoạn 1 xây nhà máy có công suất xử lý 50.000 m3/ngày đêm và hiện đang lắp thiết bị để tháng 7-2016 vận hành thử nghiệm.

Phía chủ đầu tư cam kết, hệ thống xử lý nước thải sẽ xử lý triệt để các chất ô nhiễm đảm bảo đạt tiêu chuẩn A trước khi thải ra môi trường.

Xin lấy cơ sở tính toán từ 2 dự án xử lý nước thải điển hình để đưa ra phép so sánh tương đối.

Việt Nam cần cẩn trọng thủ đoạn Trung Quốc đẩy ngành nghề ô nhiễm ra nước ngoài ảnh 2

"Kẻ thù nguy hiểm" của đảng Cộng sản Trung Quốc tái xuất

(GDVN) - Tập Cận Bình đã lường trước được hậu quả nếu G.Soros ra đòn nên một cuộc chiến giữa Trung Nam Hải với “nhà đầu tư đại tài” đã diễn ra rất gay gắt.

Một là dự án Nhà máy xử lý nước thải đầu tiên tại Ninh Bình được khởi công tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2016, có công suất 15.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư trên 416 tỷ VND.

Hai là dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại thành phố Việt Trì, có công suất 15.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD được UBND tỉnh Phú Thọ duyệt ngày 2/2/2010.

Từ hai dự án này có thể tính ra, đầu tư cho nhà máy xử lý nước thải của Dự án nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man Việt Nam là không nhỏ. Tạm gọi chi phí đầu tư này là C.

Theo Dự án tại Ninh Bình thì: C1 = 180.000/15.000x416 = 4,992tỷ VND = 226,9 triệu USD.

Theo Dự án tại Việt Trì thì: C2 = 180.000/15.000 x 40 = 480 triệu USD.

Trong khi Dự án Ninh Bình chỉ xử lý nước thải sinh hoạt nên C1<C, còn dự án Việt Trì thì bao gồm cả hệ thống thu gom nên C2>C. 

Và tạm tính: C = (C1+C2)/2 = (226,9+480,0)/2 = 353,45 triệu USD 

Do nhà máy xử lý nước thải của Dự án tại Hậu Giang tiến hành đồng bộ với những hạng mục khác trong nhà máy nên sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu, theo tìm hiểu của người viết thì có thể tiết kiệm được khoảng 30% so với chi phí của một dự án đầu tư xử lý nước thải độc lập cùng loại.

Có thể tạm tính C = 353,45 x 70% = 247,41 triệu USD.

Như vậy tỉ lệ % chi phí đầu tư xử lý nước thải / Tổng vốn đầu tư của dự án nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man Việt Nam là: R = C/D x100 = 247,41 / 1.200,00 x 100 = 20,12%.

Rõ ràng khoản chi phí ban đầu này quá lớn và dù có tiết kiệm như thế nào đi chăng nữa thì chi phí cho việc xử lý xả thải luôn chíếm tỷ lệ không dưới 10% tổng mức đầu tư của một dự án đầu tư sản xuất.

Trong khi khoản này luôn phải chi trước và luôn làm giảm lợi nhuận của dự án bởi chi phí tốn kém cho vận hành, bảo trì hệ thống. Đặc biệt, chỉ cần hệ thống này bị trục trặc thì hoạt động sản xuất sẽ bị ngưng trệ và sẽ làm tăng thêm thiệt hại cho sản xuất – kinh doanh.

Như vậy là nếu tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường thì doanh nghiệp lỗ vốn, trong khi đó doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh với thế giới nhờ hàng hoá giá rẻ, vì vậy họ phải tìm mọi cách phớt lờ quy định về xử lý xả thải để tránh thua thiệt mà có thể thất bại, phá sản.

Đó cũng có thể là lý do mà đồ chơi bằng nhựa dành cho trẻ em do Trung Quốc sản xuất lại nhiễm độc, bởi lẽ không tránh khỏi việc người Trung Quốc có thể tái chế rác thải y tế không sạch rồi đưa vào sản xuất.

Thậm chí, quần áo của Trung Quốc cũng có độc tố gây hại cho người tiêu dùng và nguyên nhân cũng chỉ vì cái chi phí C quá lớn, cái tỷ trọng R cao quá nên doanh nghiệp Trung Quốc có thể bỏ qua một số công đoạn trong giặt, tẩy, nhuộm.

Điều đó đồng nghĩa với lượng hoá chất tồn dư không được làm sạch theo tiêu chuẩn. Như vậy, có thể người Trung Quốc không muốn hại người khác nhưng chính mặt trái của cơ chế đảo ngược quy trình kinh tế khiến việc làm của họ phải gây hại.    
 
Sự vô lý trong tư duy "ô nhiễm cũng phải công bằng" của Bắc Kinh 

Có thể thấy rằng, nền kinh tế Trung Quốc chỉ phát phát triển mạnh từ khi công cuộc cải cách được Đặng Tiểu Bình phát động vào năm 1979 và nó chỉ thực sự được biết đến trên toàn cầu vào những năm 1990, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nóng liên tục và kéo dài.

Việt Nam cần cẩn trọng thủ đoạn Trung Quốc đẩy ngành nghề ô nhiễm ra nước ngoài ảnh 3

Bắc Kinh tiếp tục tăng thủ đoạn kinh tế lợi mình, hại người

(GDVN) - Trung Quốc không giảm sản lượng thép, thậm chí còn gia tăng năng suất, chứng tỏ Bắc Kinh vẫn tiếp tục thách thức với những cảnh báo từ cả đối thủ lẫn đối tác.

Phát triển nóng khiến cho kinh tế Trung Quốc nhanh chóng lần lượt qua mặt những cường quốc khác và trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới vào thập niên đầu của thế kỷ 21.

Tuy nhiên, cùng với sự giãn nở nhanh chóng về quy mô của kinh tế Trung Quốc, phát triển nóng cũng tăng dần mức độ gây hại cho môi trường toàn cầu bởi ngành công nghiệp sản xuất tại nước này và cả ở nước ngoài khi doanh nghiệp Trung Quốc có hợp tác đầu tư sản xuất.

“Trong những năm 1990, Trung Quốc chiếm khoảng 10,5% lượng khí thải CO2 trên thế giới. Bây giờ theo một số kết quả phân tích, Trung Quốc đã trở thành quốc gia gây ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới”, theo BBC ngày 16/6/2009.

Trung Quốc cũng trở thành quốc gia có mức độ gia tăng gây ô nhiễm môi trường nhanh nhất thế giới. Việc nước này chưa có kế hoạch cụ thể, thậm chi phớt lờ những đòi hỏi tuân thủ yêu cầu về bảo vể môi trường đã gây nên những phản ứng dữ dội.

Đây cũng được xem là một trong những lý do chính khiến Thượng viện Mỹ đã nhất trí bác bỏ Nghị định thư Kyoto năm 1997 - một sự biện hộ mạnh mẽ cho lập trường của chính quyền Bush về Kyoto.

Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh đã sử dụng nguyên tắc bình đẳng để cùng tồn tại và phát triển, biện minh cho hành động của mình. Bắc Kinh lập luận, thời gian phát triển của kinh tế Trung Quốc còn quá ngắn, việc tàn phá môi trường sống của nước này là chưa nhiều nếu so với dân số khổng lồ của Trung Quốc.

Nước này cảm thấy mức độ phá hoại môi trường "tính trên đầu người" vẫn còn thấp, "chưa tương xứng" với vị trí đứng đầu về dân số của họ.

Quả thực là khi Bretton Woods ra đời cùng với Kế hoạch Marshall được khởi phát nhằm khôi phục lại Châu Âu sau Thế chiến II thì Mỹ và các nước đồng minh đã phát triển tất cả các ngành công nghiệp mà không hề giới hạn cũng không hề quan tâm tới ô nhiễm môi trường.

Gần nửa thế kỷ phát triển nhanh chóng, G-7 và các nước OSCE đã là những nhà vô địch trong việc huỷ hoại môi trường sống.

Cùng với đó là Liên Xô và những nước thuộc khối COMECON cũng chạy đua phát triển công nghiệp, cũng là chạy đua phá hoại môi trường.

Tuy nhiên, ở thời kỳ này thì điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội, cụ thể là hệ sinh thái và hệ sinh quyển, dân cư và cơ sở hạ tầng vẫn còn đủ yếu tố tạo ra sự cân bằng hài hoà cho môi trường sống.

Bởi vậy nên vấn đề ô nhiễm môi trường không được xem là vấn đề đe doạ tới sự sống còn và sự phát triển trên toàn cầu.

Song khi kinh tế Trung Quốc phát triển nóng thì cùng lúc vấn đề nóng lên của Trái Đất, rồi biến đổi khi hậu đã hiện hiện ngày một rõ nét, thảm hoạ thiên nhiên liên tục xảy ra.

Thảm hoạ “ nhân tai” mang tên Trung Quôc. Ảnh: Reuters.
Thảm hoạ “ nhân tai” mang tên Trung Quôc. Ảnh: Reuters.

Vì vậy, ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề toàn cầu và các quốc gia phải có trách nhiệm chung tay giải quyết. Trung Quốc được xem là quốc gia có trách nhiệm lớn nhất vì sự ảnh hưởng của họ tới môi trường đang ở mức nghiêm trọng nhất.

Có thể Bắc Kinh cho rằng họ bị đối xử không công bằng vì họ "mới chỉ có 25 năm gây hại cho môi trường", còn Mỹ và các nước khác đã có gần thế kỷ làm điều ấy, do đó họ phớt lờ những lời kêu gọi của thế giới và bỏ qua cả những cảnh báo từ thiên nhiên.

Theo cảm nhận của người viết thì có lẽ, công bằng với Trung Quốc có nghĩa là họ được quyền tàn phá môi trường trong điều kiện Mỹ và các quốc gia khác không được làm điều ấy đến khi ngang bằng thời gian phá hoại.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cho rằng "công bằng trong phá hoại môi trường" dựa trên dân số của các quốc gia được thể hiện qua những con số:

“Lượng khi thải carbon dioxide từ Ấn Độ là 2,5% với 1,16 tỷ dân và từ Trung Quốc là 10,5% với 1,33 tỷ dân. Cả hai nước chiếm khoảng 38% dân số toàn cầu. Trong khi đó, Anh quốc là một đất nước nhỏ bé từng thải ra khoảng 6,5% carbon dioxide và Mỹ với 306 triệu dân từng thải ra 27% carbon dioxide”, theo BBC.

Tiến sĩ William Bleisch, Giám đốc Trung tâm Thăm dò và nghiên cứu về Trung Quốc của Hội Không gian Xanh đã đặt vấn để rằng, phải chăng dân số 1,3 tỷ của Trung Quốc nhiều gấp khoảng bốn lần so với dân số Mỹ và mỗi công dân Trung Quốc cũng phải chịu đựng gấp gần bốn lần khi lượng thải do Mỹ và các đối tác tiêu thụ năng lượng gây ra, như vậy là không công bằng?

Và hành động của Bắc Kinh có lẽ cho thấy câu trả lời là đúng như vậy.

Nếu Trung Quốc xem phá hoại môi trường cũng là một trong những tiêu chí của bình đẳng thì nhân loại đang đứng trước nguy cơ bị phá huỷ hoàn toàn bởi thảm hoạ nhân tai và dường như Bắc Kinh không có ý định thay đổi nguyên tắc của mình để ngăn chặn nguy cơ ấy.

Tuy nhiên, họ sẽ gặp phải sự chống đối của người dân Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quóc sẽ mất cơ hội hợp tác đầu tư tại nước ngoài nếu chính phủ nước này cứ bám vào nguyên tắc bình đẳng trong phá hoại môi trường. Chắc chắc là Bắc Kinh sẽ không thể hiện như vậy. 

Thủ đoạn đẩy doanh nghiệp, ngành nghề ô nhiễm ra nước ngoài

Có thể thấy rằng, chi phí cho việc xử lý ô nhiễm môi trường đạt chuẩn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng vốn đầu tư cũng như giá thành sản xuất, song khi hậu quả do sự cố môi trường gây ra thì việc khắc phục còn tốn kém gấp nhiều lần, vì vậy chính phủ Trung Quốc đã có chính sách để kiểm soát tình hình.

Năm 2005, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (SEPA) phát động chiến dịch “GDP Xanh”. Năm 2008, nhà nước Trung Quốc ban hành đạo luật bảo vệ môi trường.

Năm 2013, sau cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh và các thành phố khác của Trung Quốc, chính quyền nước này kêu gọi nỗ lực đổi mới cơ chế thực hiện “GDP Xanh”.

Việt Nam cần cẩn trọng thủ đoạn Trung Quốc đẩy ngành nghề ô nhiễm ra nước ngoài ảnh 5

Thủ tướng Nhật quyết liệt theo đuổi Abenomics và cơ hội cho Việt Nam

(GDVN) - Doanh nghiệp Nhật Bản tham gia ngày càng mạnh vào thị trường bán lẻ Việt Nam là một sự chuyển hướng rõ rệt trong đầu tư của họ.

China Daily ngày 27/2/2013 đã viết: “Thông điệp rõ ràng là trách nhiệm cán bộ địa phương phải phối hợp tổ chức với chính quyền trung ương trong việc đảm bảo màu xanh cho cây lá.

Mọi công dân Trung Quốc có quyền tham gia bảo vệ môi trường và có thể phản hồi thông qua hệ thống khiếu nại chính thức của nhà nước”.

Tuy nhiên, sự giới hạn về tính minh bạch thông tin của Chính phủ Trung Quốc đã khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường tại nước này không được giải quyết thực chất.

Khi chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai thì Bắc Kinh tìm ra giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm môi trường, đó là chuyển những ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra nước ngoài và những doanh nghiệp nước ngoài gây ô nhiễm tại Trung Quốc thì có thể phải dừng hoạt động vì bị ngược đãi.

Với những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, hầu hết các nước trên thế giới đã xem việc xử lý môi trường là tiêu chí hàng đầu cho việc lựa chọn nhà đầu tư, vì vậy Trung Quốc đã có những cách thức vượt qua rào cản này.

Qua nghiên cứu những dự án mà nhà đầu tư Trung Quốc được cấp phép và triển khai tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, người viết nhận thấy doanh nghiệp Trung Quốc vượt “rào cản ô nhiễm môi trường” theo 3 cách thức sau.

Thứ nhất là phương thức hoán đổi lợi ích kinh tế - xã hội. Biểu hiện rõ nét nhất của phương thức này là nhà đầu tư Trung Quốc đưa ra những lợi ích cho địa phương nơi dự án được thực hiện.

Thường thấy nhất là giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp vào quỹ phúc lợi cho địa phương, từ đó khiến chủ đầu tư sẽ dễ dàng chấp nhận những đề xuất của nhà đầu tư cách thức xử lý ô nhiễm môi trường của họ.

Điều đó thể hiện rõ qua lời ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Chủ tịch tỉnh Hậu Giang trong lễ khởi công dự án nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man Việt Nam:

“Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 6.000 lao động là con em nhân dân tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của một huyện thuần nông như Châu Thành, cùng với toàn tỉnh đưa tỷ trọng công nghiệp lên thành ngành kinh tế chủ lực”, theo Báo Diễn dàn Doanh nghiệp, ngày 6/8/2007.

Thứ hai là thực hiện giải pháp xử lý nửa vời. Biểu hiện của phương thức này là nêu ngay giải pháp xử lý môi trường khi trình dự án khả thi cho chủ đầu tư, nhưng có những góc khuất kỹ thuật mà theo đó mức độ xử lý chất thải không đạt chuẩn.

Vì những lợi ích to lớn của dự án và tính đồng bộ của các hạng mục công trình thể hiện trách nhiệm của nhà đầu tư nên chủ đầu tư dễ bị cài bẫy và duyệt dự án.

Tuy nhiên, vấn đề đó chỉ bị phát hiện khi dự án triển khai, công trình vận hành và hậu quả của ô nhiễm môi trường xảy ra. Khi mọi việc thành chuyện đã rồi thì nhà đầu tư đã đưa chủ đầu vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và rơi vào bế tắc.

Khi không thể dừng hoạt động của dự án nên chủ đầu tư phải chấp nhận cho nhà đầu tư khắc phục bằng biện pháp chữa cháy mà hầu hết là không đảm bảo tiêu chuẩn, còn chủ đầu tư ngậm đắng nuốt cay sử dụng những lợi ích nhỏ nhoi mà doanh nghiệp mang lại để khắc phục thiệt hại. 

Thứ ba là thực hiện giải pháp xử lý hoàn thiện nhưng không hoàn hảo. Biểu hiện của phương thức này là hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đạt chuẩn ngay từ thiết kế lẫn vận hành và chủ đầu tư luôn yên tâm về sự an toàn của dự án.

Song ai cũng biết chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường khác nhau chủ yếu nằm ở chuẩn kỹ thuật xử lý – chuẩn A cao hơn chuẩn B, chuẩn C, và vấn đề nằm ở đây.

Dư luận cho rằng, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ “treo đầu dê bán thịt chó” trong việc vận hành hệ thống xử lý xả thải, nghĩa là phần cốt lõi của hệ thống kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường đạt chuẩn sẽ được doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng cho nhiều dự án.

Và đây có thể được nhận diện là lý do hầu hết hệ thống xử lý xả thải của các dự án đầu tư Trung Quốc đều không kết nối với hệ thống quan trắc để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được chất lượng hệ thống xử lý xả thải của họ.    

Như vậy là doanh nghiệp Trung Quốc đã qua mặt các cơ quan chức năng sở tại, vượt “rào cản ô nhiễm môi trường” một cách ngoạn mục vì họ liên tục chiến thắng trong các gói thầu, dự án đầu tư của họ liên tục được cấp phép trong khi dự án của họ liên tục bị phát hiện vi phạm quy định về xử lý ô nhiễm môi trường khi công trình hoàn thiện và hệ thống vận hành.

Ngọc Việt