VOA ngày 9/6 đưa tin, các mối quan hệ của Bắc Kinh với Mỹ tiếp tục với bất đồng và căng thẳng sau khi cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc – Hoa Kỳ lần thứ 8 kết thúc.
Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết, các mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng vì những vấn đề thương mại và chiến lược.
Trong khi đó, ngày 8/6 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong tháng 5/2016 đã giảm 4,1% và dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm.
Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư tại Trung Quốc chưa sáng sủa trong thời gian tới và nó cho thấy chính sách vĩ mô của chính phủ Trung Quốc “hành” những nhà đầu tư nước ngoài đã gây hiệu ứng và đã hiệu nghiệm.
"77% các công ty Mỹ và 70% các công ty của Châu Âu cho biết, họ nhận thấy môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên kém thân thiện hơn. Có rất nhiều lo ngại về chính sách công nghiệp và sự thiếu minh bạch trong tiến trình hoạch định chính sách của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, đạo luật mới được ban hành tháng 4/2016 về việc quản lý các tổ chức phi chính phủ (NGO), khiến cho NGO lo ngại không thể giúp Trung Quốc giải quyết những vấn đề từ kinh tế cho tới xã hội”, theo VOA.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc tiếp xúc bên lề Đối thoại Kinh tế và chiến lược Trung - Mỹ lần thứ 8, ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thì nhận định: “Thời đại phức tạp mà chúng ta đang sống đòi hỏi sự hợp tác và cộng tác, chứ không phải xung đột và bất hoà”.
Trong khi đó, ông Kennedy lại nhấn mạnh: “Chính quyền Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình từng kết luận rằng, Trung Quốc đã trở thành đại cường thế giới và cần phải được đối xử tương xứng.
Bởi vậy, khi Bắc Kinh đang ra sức cạnh tranh với Mỹ trong nhiều lãnh vực thì Washington cần kiên nhẫn vì các mối căng thẳng phải mất nhiều thời gian để giải quyết”.
Như vậy, sự lệch pha giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới này vẫn còn tiếp diễn. Cùng với đó là lợi ích của đôi bên vẫn bị mai một vì cuộc chiến không hồi kết này.
Với lực hút rất lớn nhờ vị thế và vai trò của mình, khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ diễn ra, sự hợp tác và cộng tác chưa được giao thoa mà thay vào đó vẫn tồn tại sự xung đột và bất hoà thì nó sẽ tạo ra lực đẩy cũng rất lớn.
Lực đẩy giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc có thể là những lợi ích và lợi thế mà hai bên chưa thể khai thác của nhau, có thể là những hiệu ứng tác động đến những nền kinh tế khác.
Và nó sẽ là cơ hội cho những thực thể kinh tế khác nếu có cơ chế khai thác lợi ích từ những lực đẩy đó từ cả Mỹ và Trung Quốc dựa vào lợi thế của mình.
Trong số những thực thể kinh tế có thể hưởng lợi từ xung đột Trung Quốc – Hoa Kỳ có kinh tế Việt Nam và không quá lời khi cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có lợi thế nhất.
Tiết kiệm được chi phí ưu đãi đầu tư nước ngoài
Có thể thấy rằng, khi Bắc Kinh thực hiện cải cách với chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì ngay lập tức Trung Quốc gần như trở thành nơi thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ nhất thế giới. Bởi vì kinh tế Trung Quốc có quá nhiều lợi thế mang tính định hình mà không cần chính phủ phải tạo hình.
Khi lợi thế ấy có thêm những ưu đãi từ chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh thì nó trở thành lực hút vô cùng mạnh mẽ.
Lúc đầu tư nước ngoài ào ạt chảy vào Trung Quốc thì những thực thể kinh tế khác muốn làm lệch dòng chảy ấy sẽ phải đánh đổi rất nhiều lợi ích của mình, bởi vì không có được cái lợi thế trời cho như Trung Quốc.
Trong đó, những nền kinh tế nào, những thực thể kinh tế nào càng có nhiều sự liên quan hay tương đồng với kinh tế Trung Quốc thì sẽ chịu thiệt hại càng nhiều. Kinh tế Việt Nam được nhận diện là một trong những nền kinh tế thiệt hại nhất vì việc ấy.
Nếu làm một phép so sánh thì có thể thấy rằng kinh tế Việt Nam có quá nhiều điểm tương đồng với kinh tế Trung Quóc từ những yếu tố tự nhiên đến con người và xã hội.
Như người viết đã từng phân tích trong bài viết “Nguyên tắc tăm xỉa răng”, Trung Quốc có thể cung cấp cho người Việt Nam những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu từ miếng ăn đến giấc ngủ. Còn trong sản xuất thì giống nhau về cơ địa tạo nên sự tương đồng trong áp dụng kỹ thuật và sử dụng công cụ.
Đặc biệt, 7 năm sau khi Trung Quốc cải cách thì Việt Nam cũng tiến hành đổi mới và vì có quá nhiều sự tương đồng nên trong chính sách đổi mới của Việt nam cũng có rất nhiều điểm tương tự chính sách cải cách của Trung Quốc. Đó là trọng tâm cũng bắt đầu từ nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo đến khuyến khích đầu tư nước ngoài phục vụ xuất khẩu.
Và chính vì sự quá giống nhau ấy, khiến cho Việt Nam có lợi thế khi vận dụng kinh nghiệm từ Trung Quốc.
Vui mừng và cay đắng |
Tuy nhiên, cũng chính sự quá tương đồng mà Việt Nam phải mất rất nhiều chi phí ưu đãi thì mới làm giảm sức hút từ Trung Quốc, làm chuyển hướng dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Xin lấy dự án Formosa Hà Tĩnh làm ví dụ về chi phí ưu đãi đầu tư nước ngoài của Việt Nam lớn đến mức nào. Formosa được thuê 3.300ha đất với thới hạn là 70 năm và được miễn tiền thuê đất trong 15 năm.
Formosa được trả chi phí thuê đất ưu đãi trong thời hạn 55 năm còn lại là 80 VND/m2/năm, giá thuê mặt nước là 10 triệu VND/km2/năm, được miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định;
Được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, được miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo…, theo VOA ngày 23/9/2015. Nếu tính toán chi tiết và hiện giá chuỗi niên kim thì rõ ràng đây là một con số khổng lồ mà chắc chắn phải ở giá trị hàng chục ngàn tỷ VND.
Bởi lẽ, Vietnamnet ngày 2/3/2015 đưa tin, theo Thanh tra Chính phủ thì UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt bồi thường hỗ trợ thực hiện dự án Formosa đối với hơn 90 ha “đất tranh chấp” với số tiền đã là gần 33 tỷ VND, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình, cá nhân tại huyện Kỳ Anh với số tiền 15.5 tỷ VND cho gần 42 ha.
Rõ ràng là để có được dự án đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam phải mất quá nhiều chi phí mà lợi ích thì không phải dự án nào cũng mang lại như mong muốn cho đất nước Việt Nam.
Việc Việt Nam phải “ứng trước ưu đãi” cho nhà đầu tư nước ngoài là do phải cạnh tranh với sức hút từ các nền kinh tế khác, trong đó mạnh nhất là sức hút từ Trung Quốc vì sự “nhiều tương đồng ít khác biệt”.
Khi “tái cơ cấu” được triển khai thì Bắc Kinh ngược đãi doanh nghiệp nước ngoài và việc chuyển hướng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang nước khác đã diễn ra, như doanh nghiệp Nhật Bản qua tác động của Abenomics chuyển dần sang Việt Nam.
Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn có được từ Trung Quốc, Washington phải áp dụng chính sách ngoại giao kinh tế với Bắc Kinh để doanh nghiệp Mỹ có thể có được nhiều lợi ích ở Trung Quốc.
Song khi cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc – Hoa Kỳ lần 8 kết thúc mà hai bên vẫn còn bất đồng thì có nghĩa, chính sách ngoại giao kinh tế của Washington chưa phát huy hiệu quả, doanh nghiệp Mỹ vẫn bị Bắc Kinh hành và việc rời khỏi Trung Quốc là điều tất yếu.
Không phải mơ mộng khi cho rằng đây là cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Vì sự tương đồng với kinh tế Trung Quốc nên Việt Nam sẽ là nơi doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, tìm đến trước tiên mà chỉ cần cơ chế tốt chứ không phải là cần nhiều ưu đãi.
Gia tăng lợi ích từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Có thể thấy rằng việc doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ Trung Quốc sẽ gia tăng, nhất là sau khi cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc – Hoa Kỳ lần thứ 8 kết thúc, bởi lẽ không những lực hút đã giảm mà lực đẩy còn tăng lên.
Việc thay đổi môi trường đầu tư là đặng chẳng đừng với doanh nghiệp FDI vì nó gây thiệt hại rất lớn do hoạt động phải chuyển hướng, gián đoạn và môi trường đầu tư mới rình rập nhiều hiểm hoạ, rủi ro.
Do vậy, tìm kiếm môi trường đảm bảo ổn định và càng ít sự khác biệt với môi trường đầu tư cũ càng tốt. Đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam trong việc đón đầu tư nước ngoài rời bỏ Trung Quốc.
Việt Nam là 1 trong 10 nước không có xung đột trên thế giới, như vậy nghiễm nhiên Việt Nam trở thành 1 trong 20 quốc gia an toàn nhất trên thế giới cho giới đầu tư (10 nước không có xung đột + 10 nước hoà bình nhất), báo cáo 2016 của Viện Kinh tề và Hoà bình Australia (IEP).
Một khi Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp nước ngoài khi rời bỏ Trung Quốc sẽ gây nên ít nhất 2 hiệu ứng có lợi cho kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, thay đổi quan niệm và hành động của doanh nghiệp nước ngoài (FDI) về việc cần bằng giữa hưởng ưu đãi và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Thứ hai, tạo cơ hội cho việc lựa chọn, sàng lọc và hiệu chỉnh doanh nghiệp vốn FDI, qua đó hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại cho kinh tế Việt Nam.
Hình minh họa, báo Tuổi Trẻ. |
Có thể thấy rằng, ngoài thiệt hại vì chi phí ưu đãi, kinh tế Việt Nam còn thiệt hại bởi đầu tư nước ngoài qua khoản đóng góp của khối FDI quá chênh lệch, không tương xứng với ưu đãi mà họ được hưởng.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước Việt Nam còn bị thất thoát nhiều bởi các thủ thuật của doanh nghiệp FDI như báo lỗ hay thực hiện chuyển giá giữa công ty mẹ ở nước sở tại với công ty con ở Việt Nam. Nghĩa là thiệt đủ kiểu. Xin lấy Samsung Việt Nam làm ví dụ.
Theo TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hiện nay Bắc Ninh và vài năm nữa là Thái Nguyên, bắt đầu thu thuế DN của Samsung.
Cứ tính mức xuất khẩu của Samsung là hơn 30 tỷ USD, với mức lợi nhuận đạt khoảng 15% là khoảng 5 tỷ USD. Chỉ cần áp 5% thuế thu nhập DN, là ngân sách thu được 250 triệu USD, mức thuế 10%, thì được 500 triệu USD. Nghĩa là thuế = 1/60 doanh thu, theo báo Giao thông ngày 5/11/2015.
Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp từ Cục Thuế Bắc Ninh, từ năm 2009 đến cuối 2012 doanh thu của công ty Samsung là 436,293 nghìn tỷ VND. Mức lợi nhuận giai đoạn đó là 35,5 nghìn tỷ VND.
Tuy nhiên, mức thuế đóng vào ngân sách tính đến thời điểm ngày 26/4/2013 là khoảng 1 nghìn tỷ VND. Nghĩa là thuế nhà nước thu được của Samsung chưa được 1/400 doanh thu. Ngay cả năm 2014 khi Samsung xuất khẩu 26,25 tỷ USD, thuế thu được cũng chỉ khoảng 60 triệu USD.
Rõ ràng mọi việc khác xa hình dung của Tiến sĩ Nguyễn Mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam chờ đợi doanh nghiệp vốn FDI chuyển giao công nghệ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm, nhưng điều đó diễn ra quá chậm. Samsung với hơn 20 năm đầu tư vào Việt Nam mà tỷ lệ nội địa hoá mới chỉ khoảng 36% linh kiện sản xuất.
Điều này khiến cho giá trị gia tăng – có thể hiểu là giá trị Việt - trong sản phẩm của Samsung còn rất thấp.
Tóm lại, lợi ích của Việt Nam được hưởng từ doanh nghiệp vốn FDI, sau khi trừ đi những thiệt đơn thiệt kép, thì còn lại quá ít ỏi. Có lẽ, cái được lớn nhất chính là công ăn việc làm của người lao động.
Song nếu so sánh thì giữa được và mất thì không tương xứng – kinh tế Việt Nam mất quá nhiều. Tuy nhiên, khi Mỹ - Trung bất hoà thì lợi thế của Việt Nam có thể chuyển hoá thành lợi ích, mà cụ thể nhất là những thiệt đơn thiệt kép sẽ giảm thiểu bởi 2 hiệu ứng được tạo ra.
Giảm thiểu những thiệt hại bởi Trung Quốc
Có thể thấy rằng, ngoài thiệt hại do những chiêu trò của doanh nhân Trung Quốc, thì Việt Nam bị thiệt hại trong quan hệ với Trung Quốc thường thể hiện ở 2 hoạt động kinh tế sau đây.
Thứ nhất, thiệt hại do nhập siêu hàng hoá từ Trung Quốc. Thứ hai, thiệt hại do giá cả bởi Trung Quốc dựa vào lợi thế để ép Việt Nam, và xảy ra trong cả hoạt động nhập khẩu lẫn hoạt động xuất khẩu.
Ném đá giấu tay |
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 26/12/2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 49,3 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và là thị trường lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ mua hàng hóa.
Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện.
Nhìn vào danh mục hàng nhập, có thể nhận định rằng, trong tổng giá trị hàng hoá mà Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc có sản phẩm, bản sản phẩm của những doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc – những sản phẩm Made in China, nhưng không phải Made by Chinese.
Những lợi thế tại Trung Quốc khiến cho môi trường đầu tư Việt Nam chưa thể tạo ra lực hút mạnh đối với những doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất ra sản phẩm mà Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc.
Việc nhập siêu của Việt Nam ngày càng gia tăng khiến cho kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Nếu không có những chuyển hướng kịp thời thì ngày mà kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc không còn xa nữa.
Và khi điều đó xảy ra thì thiệt hại cho kinh tế Việt Nam gây ra bởi Trung Quốc là cực kỳ lớn. Sức mạnh kinh tế Việt Nam không thể cạnh tranh với kinh tế Trung Quốc, vậy là chỉ còn cách chờ Trung Quốc tự suy yếu.
Khi Bắc Kinh ngược đãi đầu tư nước ngoài, khi chính sách ngoại giao kinh tế của Hoa Kỳ không phát huy hiệu quả khiến cho doanh nghiệp FDI tiếp tục rời bỏ Trung Quốc, điều đó giúp cho việc nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có cơ hội giảm xuống.
Cùng với đó là việc đón những nhà đầu tư chuyển hướng ấy vào Việt Nam sẽ đảm bảo cho Việt Nam chủ động nguồn hàng hoá, sản phẩm, bán sản phẩm mà sẽ thiếu hụt từ Trung Quốc khi FDI bỏ đi.
Khi nhập siêu giảm thì vì thế sẽ bớt chênh lệch và qua đó việc ép giá của Trung Quốc cũng sẽ giảm bớt sự cực đoan, giảm thiệt hại cho kinh tế Việt Nam.
Có lẽ đây là điều mà người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn nhất trong quan hệ hợp tác, làm ăn với người Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc, mà tất cả nguyên nhân đều do vị thế quá thiên lệch tạo ra. Khi thay đổi vị thế qua giảm nhập siêu thì vấn đề sẽ có những đổi khác tích cực.
Tóm lại, khi lợi ích của Trung Quốc và Hoa Kỳ không được khai thác bởi bất đồng và căng thẳng, nhất là về việc Trung Quốc không không cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, sẽ là cơ hội kinh tế Việt Nam.
Có thế thấy rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều từ sự bất hoà của hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới này, nếu nhận diện đúng cơ hội và có cơ chế khai thác phù hợp.