Tiếp theo phần trước, Tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma, nhìn lại cách truyền thông về lịch sử.
Thứ 2: Khi ghi chép diễn biến của sự kiện Gạc Ma, nếu chỉ tập trung vào những diễn biến xảy ra trong 1, 2 ngày là không đầy đủ.
Nhất là hình ảnh những người lính công binh hải quân Việt Nam quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ Quốc trong tình cảnh “tuyệt vọng” (từ được cuốn “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” sử dụng, miêu tả sự kiện), trước họng súng hung hãn của lính Trung Quốc, là chưa đủ để lột tả hết toàn bộ chiến dịch được mang mật danh “CQ-88”
Tất nhiên, dù sao đi nữa, hình ảnh “Vòng tròn bất tử” luôn luôn là biểu tượng tinh thần vô giá và sẽ là tượng đài hùng vĩ, mãi mãi trường tồn trong con tim, khối óc của người dân đất Việt, của bạn bè quốc tế.
Bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang. |
Cuộc chiến đấu tự vệ chính đáng và thành quả của cuộc chiến đó diễn ra trước và sau sự kiện Gạc Ma là sự thật không nên lãng quên trong một cuốn “biên niên sử” với đúng nghĩa của nó.
Thiết nghĩ, vì một lý do động cơ nào đó, dù cố ý hay vô tình, nếu bỏ qua những diễn biến này là có tội với anh linh các thế hệ cha anh đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử…
Bởi vì, sự hy sinh của họ, nếu theo cách đề cập trong cuốn sách, thì có lẽ chỉ tạo cho bạn đọc một cảm nhận đó chỉ là một “nỗi đau được nhân lên ngàn lần”, trong một trận đánh, mà như lời tự sự của Thiếu tướng Lê Mã Lương: “Tôi (Thiếu tướng Lê Mã Lương) không tham gia mà phải đau đớn và trăn trở suốt nhiều năm trời…” …(?).
Tuy nhiên, điều đáng nói là những “cảm xúc” đó đã bắt nguồn từ thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng, nếu không muốn nói là có dụng ý xấu.
Và vì vậy, dù vô tình hay hữu ý, điều đáng tiếc là nhóm tác giả và những cá nhân, cơ quan quản lý liên quan, đã xúc phạm đến vong linh của 64 cán bộ, chiến sỹ Công binh Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma ngày 13/3/1988.
Các anh đã chiến đấu chống trả quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đến giọt máu cuối cùng và mãi mãi yên nghỉ ở nơi biển sâu Trường Sa của Tổ quốc.
Đúng như lời phát biểu tâm huyết, thấm đẫm nước mắt của anh Lê Hữu Thảo, một trong những cựu chiến binh còn sống sót trở về từ sự kiện Gạc Ma:
Thôn tính Hoàng Sa, nước cờ đầu tiên của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông |
“Tôi không muốn xúc phạm đến những người đồng đội của tôi đã hy sinh.
Họ đã chiến đấu chứ không phải là họ ngồi yên, không phải là họ nằm một chỗ, hay họ giơ tay lên hay lạy. Họ đã chiến đấu mà bảo họ đứng để làm bia hoặc là bị thảm sát thực sự là không phải”
Thứ 3: Theo nhận xét của ông Dương Trung Quốc, cuốn sách không chỉ là một “pho sử liệu”, mà còn là một “bằng chứng đanh thép về lòng yêu nước” để bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế nhưng, trong cuốn sách còn có nhiều sai sót cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, xét dưới góc độ pháp lý, với tư cách là “bằng chứng đanh thép”.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với những phát hiện, kiến nghị của một số bạn đọc đã gửi đến Nhà xuất bản Văn học và cũng đã được Nhà xuất bản tiếp thu để đính chính.
Ngoài ra, chúng tôi xin bổ sung thêm những chi tiết sai sót cần được chỉnh lý thêm.
Bởi vì, nhiều thuật ngữ được sử dụng trong cuốn sách còn thiếu chính xác, thậm chí không đúng, có thể gây bất lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo, thậm chí gây bất lợi cho công cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý, ngoại giao; chẳng hạn:
Cụm từ “chủ quyền biển đảo” là một cụm từ “cửa miệng”, không phản ánh đầy đủ và chuẩn xác về các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với các vùng biển, thềm lục địa , hải đảo của Việt Nam trong Biển Đông, nhưng trong cuốn sách có rất nhiều đoạn đã sử dụng cụm từ này.
Cần tái cấu trúc cơ quan quản lý nhà nước về biển, đảo |
“Biển Đông” là tên riêng mà người Việt Nam dùng để gọi vùng biển nằm về phía Đông của giải đất hình chữ S, nên phải viết hoa cả 2 từ, chứ không viết là “biển Đông” như ở ngay “lời nói đầu” của cuốn sách.
Gạc Ma không phải là “đảo”, cũng giống như Chữ Thập, Châu Viên, Tư nghĩa, Ga Ven, Xu Bi.
Chúng là những bãi cạn, những đá, lúc nổi lúc chìm. Vì vậy không nên gọi là đảo Gạc Ma…Trung Quốc đang cố tình bồi lấp để tạo nên “đảo”, dù là đảo nhân tạo.
Nên thống nhất một cách gọi cho sự kiện Gạc Ma 1988, không nên khi thì gọi là “hải chiến”, khi thì gọi là cuộc “thảm sát”, khi thì gọi là cuộc “chiến đấu”…
Nên thống nhất cách gọi các chiến sỹ hải quân làm nhiệm vụ ở Gạc Ma là những “công binh hải quân”, không nên lúc thì gọi là chiến sỹ hải quân, lúc thì gọi công binh hải quân….
Đặc biệt, trong cuốn sách có đăng toàn bộ bài viết của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn giới thiệu “thư tịch và bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Chúng tôi không đánh giá thấp công trình nghiên cứu lịch sử này của tác giả.
Tuy nhiên, với chủ ý của tác giả cuốn sách là sử dụng tài liệu này để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo chúng tôi là chưa đủ sức thuyết phục về phương diện pháp lý.
Không phải bất cứ một tài liệu lịch sử nào, bất cứ một tờ bản đồ lịch sử nào cũng đều được coi là bằng chứng pháp lý có giá trị để bảo vệ cho quyền thụ đắc lãnh thổ đối với một vùng lãnh thổ bị tranh chấp.
Luật pháp quốc tế cho phép "bên thứ 3" ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông |
Bởi lẽ, quan điểm của Việt Nam là theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” mà công pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang áp dụng, chứ không phải theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” mà phía Trung Quốc đang theo đuổi.
Nếu chỉ cung cấp các thư tịch, bản đồ lịch sử mà không gắn với nội dung phân tích về nguyên tắc pháp lý quốc tế thì có thể dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”, thậm chí lại có lợi cho quan điểm của Trung Quốc.
Sòng phẳng với lịch sử sẽ vừa góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, đoàn kết dân tộc, củng cố quan hệ hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Trung Quốc.
Khi hai nước xung đột đối đầu, việc nói xấu, lên án chỉ trích nhau cũng là điều có thể hiểu được.
Nhưng khi bình thường hóa quan hệ, cả hai phía đều không chủ động cùng đánh giá lại bài học lịch sử để rút ra kinh nghiệm cho mình, tránh lặp lại chiến tranh, xung đột.
Thay vì nhìn thẳng vào quá khứ với thái độ khách quan, cầu thị, khoa học, đã có một thời gian dài, chúng ta dường như còn né tránh hay chỉ thông tin một chiều…
Nhưng nỗi đau vẫn luôn còn đó, âm ỷ trong lòng người, càng che lấp thì càng mưng mủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục trong một lần viếng các chiến sĩ Việt Nam vị quốc vong thân, hy sinh bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa qua các thế hệ tại Tượng đài Tưởng niệm Gạc Ma. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Và khi mâu thuẫn xung đột nổ ra ngoài Biển Đông, nó lại bùng phát.
Tất cả là do lòng yêu nước đã bị một nhóm đối tượng kích động, do người dân không được cung cấp đầy đủ thông tin.
Trong dư luận Việt Nam ngày nay vẫn còn nhiều quan điểm, thông tin khác nhau xung quanh sự kiện Hoàng Sa 1974, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989, Gạc Ma 1988 và cả những thắc mắc xung quanh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Có những luồng thông tin nguy hại đang gây chia rẽ trong xã hội, lại là chính những gì những kẻ dòm ngó lãnh thổ chúng ta đang mong muốn nhìn thấy.
Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần sòng phẳng với lịch sử, có những bước đi thích hợp đánh giá công khai các sự kiện này dưới ánh sáng Công pháp quốc tế, rút ra bài học cho mình để trả lại cho lịch sử sự chân thực vốn có của nó.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới làm nguôi ngoai vết thương chiến tranh, củng cố đại đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước cường thịnh mà không phải lo mầm mống bạo loạn bất ổn từ bên trong.
Với Trung Quốc, nhìn nhận khách quan các sự kiện lịch sử đó không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù, mà là hướng tới việc gìn giữ, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, hòa bình cùng phát triển với Trung Quốc, đồng thời cũng cảnh giác không để dẫn đến chiến tranh, xung đột hoặc lại để bản thân rơi vào tình huống bị lợi dụng.