- Được cấp phép năm 2007 với mô hình chi phí thấp nhưng gần đây, Vietjet Air dường như không muốn nhắc đến cụm từ "giá rẻ" khi xuất hiện trước công chúng. Tại sao vậy thưa ông?
Ông Lưu Đức Khánh: Đúng là trong khoảng một năm gần đây, Vietjet Air không còn dùng cụm từ "hàng không giá rẻ", nhằm để tránh nhầm lẫn cho khách hàng về dịch vụ của chúng tôi. Trên thế giới, mô hình hàng không giá rẻ và truyền thống khác nhau ở dịch vụ tại các sân bay. Các nhà ga dành riêng cho hàng không giá rẻ đơn giản, ít dịch vụ thêm, hành khách lên và xuống máy bay bằng xe bus hoặc đi bộ.
Ngược lại, Việt Nam không có sân bay, nhà ga riêng cho hàng không giá rẻ. Chúng tôi cung cấp cho khách đầy đủ dịch vụ như hàng không truyền thống, nhà ga làm thủ tục giống nhau, các chuyến bay phục vụ ống lồng hay xe bus là tùy theo tình trạng của sân bay chứ không có sự phân biệt. Điểm khác duy nhất là chúng tôi bán đồ ăn uống trên máy bay chứ không phục vụ đại trà để tránh lãng phí.
Đối với hạng ghế phổ thông, dịch vụ không khác biệt với hàng không truyền thống và cũng không phải mô hình hàng không giá rẻ thông thường. Do đó, chúng tôi tự gọi mình là hãng hàng không thế hệ mới.
- Vậy giá vé máy bay của hãng có còn rẻ?
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành của Vietjet Air. |
Ông Lưu Đức Khánh: Đây chỉ là tên gọi để tránh nhầm lẫn về dịch vụ. Về giá vé, chúng tôi vẫn đảm bảo mức chi phí thấp nhất mà tất cả mọi người đều có thể đi được. Các chiến dịch khuyến mại cũng được thực hiện thường xuyên để khách có cơ hội mua được vé tiết kiệm.
- Nhưng thực tế một số thời điểm giá vé Vietjet Air hạng phổ thông đắt ngang Vietnam Airlines, thậm chí đắt hơn. Tại sao lại như vậy?
Ông Lưu Đức Khánh: Vietjet Air hoạt động theo mô hình hàng không chi phí thấp, phục vụ nhiều đối tượng, từ người nông dân, công nhân đến thương gia, chính khách. Vì vậy chúng tôi xây dựng khung giá thấp với 12 mức khác nhau để khách hàng chọn lựa. Mức cao nhất của chúng tôi cũng sẽ luôn luôn thấp hơn giá trần.
Khách hàng cần quen với việc lập kế hoạch đi lại sớm vì khi mua vé càng xa ngày bay, khách hàng sẽ có được giá vé càng rẻ. Nếu mua sát ngày thì giá cao hơn.
- Sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, hãng đã thu được gì trong năm qua?
Ông Lưu Đức Khánh: Chúng tôi hài lòng ở mức 8/10 điểm cho những gì đạt được trong năm 2013. Đặt mục tiêu sẽ có lãi từ năm thứ 3, nhưng đến giữa năm thứ 2, Vietjet Air đã có lợi nhuận khoảng 120 tỷ đồng. Mạng lưới đường bay tăng gấp đôi so với năm trước. Chúng tôi đặt mục tiêu có đội tàu lớn mạnh, hiện đại nhất trong khu vực để tiến tới xây dựng tập đoàn hàng không đa quốc gia.
Trong năm 2013, lần đầu tiên, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng tới 21,5%, dù kinh tế còn nhiều khó khăn. Đây là mức tăng trưởng chưa từng có. Chính sách ngày càng cởi mở hơn của Chính phủ trong lĩnh vực hàng không là động lực chính, giúp thị trường nội địa năng động hơn, giá cũng như chất lượng phục vụ tốt hơn. Việt Nam hiện có 90 triệu dân, đa phần là giới trẻ trong diện lao động, di chuyển nhiều. Nếu duy trì tốc độ 20% mỗi năm thì đây sẽ là thị trường hàng không tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.
Tiềm năng như vậy, nhưng thị trường hàng không là "chiếc bánh to không dễ nuốt" vì vẫn có cơ chế độc quyền, bao cấp ở một số loại hình dịch vụ khai thác mặt đất, xăng dầu... Tuy nhiên, điều đáng mừng là tình hình đang chuyến biến rất nhanh và theo chiều hướng tích cực. Đây cũng vừa là thách thức vừa là cơ hội, không chỉ đối với Viejet Air.
Riêng về hạ tầng hàng không, dù đang được đầu tư mạnh mẽ nhưng vẫn là trở ngại lớn nhất mà chúng tôi gặp phải. Ví dụ như chúng tôi muốn tăng chuyến đến Hải Phòng, nhưng sân bay chỉ có thể chứa tối đa cùng một lúc 3 tàu bay.
- Ở góc độ cá nhân, là một người làm ngân hàng chuyển sang làm hàng không, ông cảm nhận như thế nào về công việc mới?
Ông Lưu Đức Khánh: Đối với tôi, dù làm ngân hàng hay làm hàng không, đều là làm việc với những con người và những con số. Dù làm hàng không hay ngân hàng đều là việc tổ chức hệ thống để đạt được mục tiêu đã đề ra. Là người trong ngành tài chính, tôi quen với việc này. Đặc thù của ngành hàng không là mọi hoạt động đều xảy ra với các chi phí lớn. Ảnh hưởng của người quản lý đến các chi phí vào khoảng 25-30%. Vì vậy, để điều hành hiệu quả tôi nỗ lực để có ảnh hưởng hiệu quả nhất trong khoảng 25-30% này.
Kinh nghiệm trong việc xử lý các con số và hệ thống trong ngân hàng có vẻ đã giúp tôi rất nhiều để đạt được sự tối ưu trong quản lý. Tôi cũng có may mắn là bên cạnh có một đội ngũ gồm những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng không, từ nhiều quốc gia đã hỗ trợ tôi ở những mảng đặc thù.
- Công việc của một Giám đốc điều hành hãng hàng không, thường xuyên di chuyển ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống gia đình ông?
Ông Lưu Đức Khánh: Do tính chất đặc thù của ngành hàng không và áp lực trong công việc nên tôi thường xuyên phải di chuyển và xa nhà. Dường như với người hàng không, khoảng cách không gian hình như thu hẹp hơn, thời gian thì trôi nhanh hơn thì phải. Chính vì cuộc sống của tôi đã dành phần nhiều cho công việc, nên ở bên cạnh những người thân, trong ngôi nhà của mình chính là sở thích của tôi.
Ngoài ra, để rèn luyện sức khỏe và trí não, tôi đi đánh golf. Tôi yêu thích cảm giác trên đầu mình là bầu trời rộng lớn, dưới chân mình là triền cỏ xanh ngút mắt. Trong thể thao tôi không ưa thích các môn đối kháng, chơi golf, bạn phải đối mặt với cái tôi của mình. Với tôi, triết lý kinh doanh cũng như vậy, đối thủ đáng gờm phải chiến thắng là chính mình.