Chậm chuyến, hủy chuyến 72% do các hãng
Chủ trì cuộc họp ngày 11/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, các Tổng công ty các hãng hàng không đưa ra các nguyên nhân tồn tại cũng như giải pháp khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến gây bức xúc dư luận dư luận thời gian qua.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 74 nghìn chuyến bay. Trong đó tỷ lệ chậm chuyến 20,9%, tỉ lệ hủy chuyến 3,2% tăng tương ứng 5,2 điểm và 0,5 điểm so với cùng kỳ năm 2013.
Cũng theo ông Thanh, Vietjet Air và Jestar Pacific lần lượt đứng đầu danh sách với tỷ lệ hơn 40% chậm chuyến. Tiếp thep trong danh sách chậm chuyến và hủy chuyến là Vietnam Airlines 12,3% VASCO 10,2%.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Vietnam Airline và các hãng hàng không (ảnh nguồn mt.gov.vn) |
Cục trưởng Lại Xuân Thanh cũng chỉ rõ 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2014 gồm: Khai thác của các hãng hàng không; dịch vụ và trang thiết bị (kết cấu hạ tầng) tại cảng hàng không; an ninh hàng không; quản lý, điều hành bay và các nguyên nhân khác (thời tiết, chim chóc, đặc điểm vùng trời hẹp…).
Trong đó, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất (72,7%). Cụ thể, ngoài nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật, các nguyên nhân khác trong nhóm này được Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra là tắc nghẽn trong tàu bay do quá trình xếp khách lên tàu bay (boarding) chưa hợp lý; xếp lịch bay không sát với thời gian thực tế khai thác; các hãng hàng không chi phí thấp không xếp giờ khai thác tàu bay dự bị.
Theo ý kiến của đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam, các hãng hàng không nội địa đều chọn cảng căn cứ là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dẫn đến quá tải nên việc chậm, hủy chuyến diễn ra dây chuyền.
Cũng tại cuộc họp các hãng hàng không hứa không để tình trạng chậm hủy chuyến diễn ra như vừa qua nhằm lấy lại hình ảnh và lòng tin của hành khách đối với ngành kinh doanh vận tải mang thương hiệu quốc gia này.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Ngọc Minh thừa nhận 6 tháng đầu năm 2014, số chuyến bay phải chậm, hủy chuyến của Hãng nhiều hơn cùng kỳ năm trước.
Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh cho biết: Một ngày Vietnam Airlines có gần 400 chuyến bay, trong đó có hơn 40 chuyến bị chậm, hủy. Tuy nhiên, Tổng công ty xác định việc này đã làm ảnh hưởng đến 6.000 hành khách chứ không phải là 10% số chuyến bay bị chậm, hủy. Do đó, ưu tiên số một của Vietnam Airlines là làm thế nào giải quyết cho khách để đi chuyến gần nhất là quan trọng chứ không chỉ đơn giản là xin lỗi.
VietJet Air giảm 50% tỷ lệ chậm chuyến
Lý giải nguyên nhân chậm chuyến của hãng, Vietjet Air cho biết có 6 nguyên nhân chính bao gồm: Thời tiết chiếm khoảng 0,4 – 0,5%; Kỹ thuật (hỏng, sửa máy bay) chiếm khoảng 1%; Các nguyên nhân do phục vụ mặt đất, trang thiết bị, hạ tầng nhà ga chiếm khoảng 3-4%; Các nguyên nhân liên quan tới thời gian chờ cất cánh và hạ cánh chiếm khoảng 8.5% số chuyến bay; Do yếu tố khách hàng khoảng 1%.
Nêu thực trạng khó khăn của mình tại các nhà ga VietJet Air cho biết do nhiều sân bay sửa chữa, quy hoạch lại nên VietJet liên tục thay đổi khu vực Check-in, không có quầy riêng của hãng. Các phòng chờ dành cho khách hàng ưu tiên chưa được đầu tư đồng bộ kể cả về cơ sở hạ tầng, nội thất, tiện nghi…
Hứa trước Bộ trưởng Đinh La Thăng và Cục Hàng không VietJet Air cho biết ngay trong tháng 7, tháng 8 hãng hàng không này sẽ giảm 50% số chuyến bị chậm, hủy. |
Từ thực tế đó VietJet Air kiến nghị Tổng Công ty cảng đầu tư sớm các trang thiết bị mặt đất, ưu tiên tại Vinh, Hải Phòng, Cam Ranh, Nội Bài, TSN. Bổ sung nhân sự phục vụ mặt đất của Các công ty dịch vụ. VietJet Air kiến nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam xem xét ngân sách đầu tư cho hoạt động quản lý, điều hành bay để cải thiện thời gian chờ cất hạ cánh (công nghệ phần mềm, máy móc, đào tạo nhân sự, chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên không lưu).
“Các bộ phận kỹ thuật, mặt đất, điều hành bay của VietJet hoạt động tại các sân bay trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về mặt bằng văn phòng, kho dụng cụ, chỗ đậu xe phục vụ sân bay giao thông đi lại, vì thế VietJet Air mong được thuê các mặt bằng, được tạo điều kiện về các thủ tục An ninh, Hải quan, Cảng vụ”, Đại diện VietJet Air nói.
Cùng với đó hứa trước Bộ trưởng Đinh La Thăng và Cục Hàng không, VietJet Air cho biết ngay trong tháng 7, tháng 8 hãng hàng không này sẽ giảm 50% số chuyến bị chậm, hủy. “Trong tháng 9, số vụ chậm, hủy chuyến của Vietjet Air sẽ chỉ còn khoảng 10% so với con số hơn 40% hiện nay” – Đại diện Vietjet Air cam kết.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Việc đầu tiên là phải nhận trách nhiệm của mình đến đâu, trách nhiệm của Cục đến đâu. Giải pháp đầu tiên để giảm chậm hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện, triệt để Cục Hàng không VN, thay đổi tư duy của lãnh đạo Cục Hàng không VN, phải thấy được sự chậm đổi mới của mình, tư duy trì trệ của mình. Bên cạnh đó, việc chỉ huy phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa tốt. Bản thân các hãng hàng không cũng phối hợp với nhau chưa tốt, có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh".
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không phải rà soát lại việc cấp slot (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay dành cho một máy bay vào một ngày giờ nhất định) cho các hãng hàng không, tránh chồng chéo, gây chậm, hủy chuyến dây chuyển, ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách và lợi ích của doanh nghiệp. Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam ngay trong tháng 7 phải xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới toàn diện nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hàng không.