Vietnam Airlines: “Được voi đòi…”
Thông tin về việc Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) xin Chính phủ những ưu đãi đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Đề xuất này vẫn đang được Chính phủ đặt trên "bàn cân” song, một lần nữa người ta lại nhìn thấy sự ỉ lại của những doanh nghiệp nhà nước.
Đưa ra những khó khăn do ảnh hưởng diễn biến căng thẳng trên Biển Đông từ tháng 5 vừa qua, Vietnam Airlines đã đề xuất lên Bộ chủ quản - Bộ Giao thông Vận tải xin phép được giảm 25% giá/phí khai thác tại các sân bay và hoạt động điều hành bay, đồng thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu dùng cho máy bay từ mức 7% hiện nay xuống 3%.
Đối với giá thuê mặt bằng và giá các dịch vụ khác tại sân bay, Vietnam Airlines xin chưa thực hiện tăng giá trong năm 2014. Ngoài ra, hãng cũng kiến nghị Chính phủ nới lỏng chính sách visa đối với một số thị trường quan trọng như Anh, Pháp, Đức, Úc và Ấn Độ…
Trên thực tế, ngay khi nắm được tình hình khó khăn của Vietnam Airlines, do tình hình khách quan đem lại, Bộ Giao thông Vận tải đã đã ưu ái chấp thuận ngay một số kiến nghị của Vietnam Airlines như điều chỉnh giới hạn slot (lượt cất - hạ cánh) để Vietnam Airlines tăng chuyến một số đường bay. Và từ tháng 5 vừa qua, Bộ cũng đã cho phép giảm 25% trên biểu phí dịch vụ điều hành bay đi/đến, giá cất hạ cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa, hành lý.
Trong khi trước đó, tại Đề án cổ phần hóa được trình lên Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Cùng với đó Vietnam Airlines đề xuất 2 kiến nghị: Thứ nhất, được giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm sau cổ phần hóa để bổ sung vốn mua máy bay. Thứ hai sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines xin được thực hiện một số cơ chế ưu đãi, như: Bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay và cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp khi vay tín dụng xuất khẩu và vay vốn hỗn hợp có bảo lãnh để tiếp tục mua máy bay.
Gánh nặng cho Chính phủ
Trước đề xuất kiến nghị của Vietnam Airlines, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế độc lập đặt ngược trở lại vấn về: “Tại sao đã cổ phần hóa, Vietnam Airlines vẫn muốn xin ưu đãi?”.
Theo đó cổ phần hóa là việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tránh ỉ lại nhà nước, giảm bớt gạnh nặng tài chính. Từ đó việc Vietnam Airlines sau khi cổ phần hóa vẫn xin ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ là không hợp lý.
Nhìn vào 2 kiến nghị của Vietnam Airlines, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Đề xuất giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm sau cổ phần hóa để bổ sung vốn mua máy bay của VNA có thể chấp nhận được vì dù sao đó là tiền của Vietnam Airlines, tiền đó được quay vòng bổ sung cho mua máy bay là hợp lý. Nhưng đề xuất xin Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay là vô lý bởi sau khi cổ phần hóa, việc thu xếp vốn mua máy bay phải do Vietnam Airlines tự vận động, không thể ỉ lại Chính phủ.
TS Nguyễn Minh Phong phân tích, trong hoàn cảnh nợ công vẫn ở mức cao nếu Chính phủ bảo lãnh miễn phí vốn cho Vietnam Airlines mua máy bay sẽ thêm gánh nặng lớn. Mặt khác việc ưu đãi sẽ vô tình củng cố thế độc quyền của Vietnam Airlines, giúp
Vietnam Airlines có nhiều lợi thế để cạnh tranh với hãng hàng không khác.
Cũng liên quan đến những đề xuất xin ưu đãi của Vietnam Airlines, một người trong ngành hàng không cho biết: Hiện thị phần hàng không, Vietnam Airlines đang chiếm tới hơn 60%, nếu thêm ưu đãi chắc chắn Vietnam Airlines sẽ tăng thị phần độc chiếm thị trường ngành hàng không nội địa.
Cũng theo vị này, thị trường ngành hàng không Việt Nam đang có 4 hãng lớn là VNA, Jetstar Paciffic, VietJet Air và Vasco. Trong đó Vietnam Airlines ra đời sớm nhất, nhiều kinh nghiệm nhất và được ưu tiên nhiều nhất. Sự ưu tiên thể hiện rõ khi so với các hãng hàng không còn lại, duy nhất Vietnam Airlines có hệ thống khép kín từ máy bay, điểm bán vé, đến dịch vụ mặt đất. Trong khi các hãng khác đều phải thuê dịch vụ mặt đất từ Tổng Công ty cảng.
Với một hệ thống khép kín, chắc chắn Vietnam Airlines sẽ có lợi nhuận lớn hơn các hãng khác nếu thêm ưu đãi của Chính phủ sẽ khiến các hãng bay khác không có cơ hội cạnh tranh. Nói cách khác những ưu đãi này sẽ vô tình “bức tử” các hãng hàng không khác.
Nhận định về việc Vietnam Airlines xin cơ chế ưu đãi, trả lời trên tờ Đại Đoàn Kết, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, đây là "một kiểu xin không thể chấp nhận được” vì nó đi ngược với một nền kinh tế thị trường. Nếu đề xuất của Vietnam Airlines được thực hiện, chính nhà quản lý đang giúp Vietnam Airlines bóp chết thị trường hàng không Việt Nam.
Ông Kiêm cho rằng, nền kinh tế đang tiến tới sự cạnh tranh bình đẳng, không có chuyện tạo cơ chế ưu đãi, cho không đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng hướng đến một môi trường kinh doanh bình đẳng, trong đó, loại bỏ dần cơ chế xin - cho. Do đó việc xin ưu đãi của Vietnam Airlines sẽ không thể được chấp thuận, vì nếu không, nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khác.