Lãi khủng của VNA "không đáng kể"
Theo kết quả kinh doanh năm 2013 Vietnam Airlines (VNA) thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 72.555 tỷ đồng (tăng 8,5% so với kế hoạch), nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 3.113 tỷ đồng (tăng 9,8% kế hoạch đề ra), lợi nhuận trước thuế đạt 533 tỷ đồng (tăng 34% so với kế hoạch).
Con số 533 tỷ đồng lợi nhuận của VNA trong cả năm 2013 nếu quy đổi ra USD khoảng hơn 25 triệu USD.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế của VNA dự kiến chỉ đạt 100 tỷ đồng trong tổng doanh thu 28.000 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của đơn vị này chỉ 82,3 tỷ đồng. Giải thích cho kết quả kinh doanh kém, Vietnam Airlines cho rằng do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến phức tạp trên biển Đông, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ.
Nhìn sang các hãng hàng không trong khu vực theo báo cáo năm 2013, lợi nhuận của Malaysia đạt 1,02 tỷ Ringgit Malaysia tương đương 310 triệu USD.
Doanh thu của cả năm 2013 của Vietnam Airlines chưa bằng số lãi lẻ của các hãng hàng không khác |
Không nhiều như hãng hàng không Malaysia, tuy nhiên năm 2013 hãng hàng không Thái Lan là AirAsia lãi 2,27 tỷ Bath tương đương hơn 70 triệu USD. Trong khi tính tổng các công ty thuộc gia đình Air Asia có lợi nhuận trên 400 triệu USD.
Dẫu mọi so sánh thường khập khễnh nhưng chỉ cần nhìn qua những con số trên, có thể thấy lợi nhuận Vietnam Airlines rất thấp so với các hãng hàng không trong khu vực.
PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng, nếu so sánh những con số trên thì rõ ràng Vietnam Airlines lãi không nhiều (gần 25 triệu USD) so với doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này lên đến 72.555 tỷ đồng (tương đương gần 3,7 tỷ USD). Tình trạng này cũng giống như tình trạng chung của các công ty nhà nước khác. Tuy nhiên để có đánh giá khách quan cần có thêm thông tin về số liệu.
VNA có lợi thế là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất của ngành hàng không, luôn nhận được nhiều ưu đãi hơn các hãng hàng không khác về đường bay, giảm 25% trên biểu phí dịch vụ điều hành bay đi/đến, giá cất hạ cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa, hành lý…
Thêm vào đó VNA có đường bay độc quyền chỉ mình hãng này khai thác như TP.HCM đi Côn Đảo, Phú Yên, Pleiku, Chu Lai, Đồng Hới, Thanh Hóa… Trong khi đó giá vé của VNA cũng cao hơn các hãng hàng không nội địa…Với tất cả điều kiện đó đáng nhẽ lợi nhuận của VNA phải lớn hơn con số 533 tỷ đồng trong cả năm 2013.
Cũng từng phân tích con số lợi nhuận của VNA, ông Trần Đình Bá - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng: Với việc các năm liên tiếp đều báo lãi, riêng năm 2013 lãi khủng tới những 533 tỷ đồng (VND), 6 tháng đầu năm 2014 lãi 82,3 tỷ đồng. Cứ cho là cả năm 2014 VNA lãi 161 tỷ đồng, như vậy đánh giá hiệu quả kinh doanh: Lãi 533/55.000 tỷ VND (vốn tài sản khả quan Vietnam Airlines đã kiểm toán để thực hiện cổ phần hóa - IPO), chỉ bằng 0.009, lấy tròn là 0.01 tức lãi gần 1% năm. Lãi 2014 cho là 161 tỷ thì 161/55.000 là 0.0029 lấy tròn thì 0.6%, chưa đủ 1%, thua xa lãi suất gửi ngân hàng mức thấp nhất cũng được 5% cho ngắn hạn 6 tháng.
Hơn nữa, 161 tỷ VND quy đổi chỉ 8 triệu USD, nếu tích lũy để mua được một chiếc máy bay hạng trung Airbus A330 trị giá 175 triệu USD thì phải chờ tới 23 năm!
Còn nếu số lãi đó chia cho 35.000 người lao động trong Vietnam Airlines thì tiền thưởng cho mỗi người vào dịp tết là 4,7 triệu đồng, chỉ bằng một cặp vé máy bay khứ hồi TP.HCM – Đồng Hới!
Lỗi do đâu?
Lý giải kết quả kinh doanh thấp của VNA, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau như trình độ quản trị doanh nghiệp nhất là quản trị tài chính chưa cao thể hiện rõ ở chất lượng dịch vụ, tỷ lệ chuyến chậm...
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Cục Hàng không, đích thân Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh thừa nhận, một ngày Vietnam Airlines có gần 400 chuyến bay, trong đó có hơn 40 chuyến bị chậm, hủy việc này đã làm ảnh hưởng đến 6.000 hành khách.
Nhìn con số chuyến bị chậm và hủy, theo PGS.TS Bùi Quang Bình những con số này cho thấy trình độ quản trị doanh nghiệp của VNA đang có vấn đề. Cùng với vấn đề quản trị, tho ông Bình hiện nay bộ máy của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam quá cồng kềnh với nhiều công ty thành viên nhỏ, sức ép khấu hao và trả nợ dẫn đến kết quản kinh doanh kém, chi phí của hoạt động chưa được kiểm soát tốt...
Kết quả kinh doanh thấp nhưng liên tục xin ưu đãi là điều không hợp lý, “Tại sao các doanh nghiệp hàng không khác của Việt Nam không cần ưu đãi mà họ vẫn hoạt động được? Đó là những đòi hỏi đang làm méo mó môi trường cạnh tranh ở Việt Nam và không đúng với tinh thần của luật doanh nghiệp”, ông Bình thẳng thắn.
Một vấn đề khác vừa qua dư luận nhận thấy Vietnam Airlines bị phản ánh nhiều vấn đề như chậm chuyến, hủy chuyến, sự cố đỗ nhầm đường băng, phi công không tuân thủ điều khiển của kiểm soát viên không lưu dẫn đến mất an toàn bay...
Trong khi cũng với sự cố tương tự, nhiều cá nhân của hãng bay VietJet Air bị xử lý, VietJet Air bị đặt trong tầm giám sát đặc biệt thì đến nay dễ thấy chưa có lãnh đạo nào của Vietnam Airlines bị xử lý do quản lý kém. Từ đó dư luận đặt ra nghi vấn sự ưu ái của Cục Hàng không Việt Nam với Vietnam Airlines.
“Những ưu đãi cộng với cách ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước đang tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Chúng ta đang có tình trạng ưu ái quá mức đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, trong khi doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp tư nhân lại bỏ ngỏ để tự bơi. Như vậy là không công bằng”, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.
Cũng theo PGS.TS Bình đáng nhẽ cơ quan quản lý phải siết chặt quản lý hơn với chính doanh nghiệp nhà nước nơi luôn được nhận được ưu ái hỗ trợ bằng nhiều chính sách khác nhau. “Làm sao những ưu đãi đó của doanh nghiệp nhà nước phải trở lên hiệu quả”, ông Bình nói.