Ngày 20/07/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đồng ý cho phép Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) nới room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài có thể mua và sở hữu 100% cổ phần của Vinamilk – PV).
Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị Vinamilk thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Thông tư 123 về hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và khoản 5 điều 8 Thông tư 155 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Dây chuyền sản xuất sữa hiện đại trong nhà máy Vinamilk tại Bình Dương - ảnh nguồn Vinamilk |
Thông tin Vinamilk được phép nới room 100% lập tức thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.
Ngay sau thông tin này, một bài báo đăng trên Nhật báo phố Wall đánh giá đây là một trong những “khoảnh khắc biểu tượng” của thị trường Việt Nam và Chính phủ trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Và quyết định này có thể mở đường cho chính phủ bán 45% cổ phần trong Vinamilk.
Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện thoái vốn khỏi một loạt doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk. Do đó, thông tin Vinamilk được nới room 100% cho nhà đầu tư ngoại được xem sẽ là đòn bẩy trong quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.
Hiện tại cổ đông lớn nhất của Vinamilk là SCIC. SCIC đang đại diện vốn nhà nước nắm giữ 45,1% cổ phần Vinamilk, tương đương 541,5 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 55.233 tỉ đồng (2,47 tỉ đô la Mỹ).
SCIC chưa thể buông "con bò sữa" Vinamilk(GDVN) - Những doanh nghiệp như Vinamilkđang mang lại lợi nhuận lớn nên SCIC không muốn thoái vốn do lo lắng kết quả kinh doanh sụt giảm và mất vai trò quản lý Vinamilk nới "room" 100% cho nhà đầu tư ngoại, ai hưởng lợi?(GDVN) - PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, nới quyền sở hữu cổ phần tại Vinamilk cho nhà đầu tư ngoại sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp. |
Theo đánh giá, với vốn hóa của Vinamilk có giá trị rất lớn, trước yêu cầu thoái vốn của Chính phủ, chỉ nhà đầu tư ngoại mới có thể kham nổi.
Tuy nhiên nhìn dưới góc độ một chuyên gia kinh tế quan sát quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định: Bộ Tài chính và SCIC sẽ không dễ buông Vinamilk.
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, việc được nới room 100% cho nhà đầu tư ngoại khiến sức hút đầu tư của Vinamilk sẽ càng lớn. Qua đó giá cổ phần Vinamilk sẽ tăng lên. Kể cả nhà đầu tư ngoại tìm tới “gõ cửa” nhưng không chắc Bộ Tài chính và SCIC đã chấp nhận buông ngay Vinamilk.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Chính phủ đưa ra chủ trương rất rõ: Nhà nước chỉ nắm giữ điều hành ngành đặc thù, liên quan an ninh quốc phòng. Theo đó, sữa là ngành nhà nước không phải trực tiếp điều hành kinh doanh. Tuy nhiên “hiện nay Bộ Tài chính và SCIC đều coi Vinamilk đang là con “gà đẻ trứng vàng”, đóng góp nguồn thu lớn. Dù Chính phủ hết lần này đến lần khác yêu cầu thoái vốn nhưng Bộ Tài chính và SCIC chưa thể buông ngay Vinamilk”,
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, Bộ Tài chính và SCIC đang sai lệch khi muốn nắm giữ doanh nghiệp như Vinamilk.
Đành rằng giữ cổ phần Vinamilk khoản lợi nhuận mang lại hàng năm từ việc kinh doanh tốt của Vinamilk sẽ mang lại nguồn thu lớn nhưng nếu bán cổ phần Vinamilk lúc này, ngân sách nhà nước cũng thu về khoản tiền lớn.
“Mặt khác, khi Vinamilk không bị chi phối bởi nhà nước sẽ đón dòng vốn lớn từ nhà đầu tư, qua đó sẽ tạo cơ hội phát triển tốt hơn cho Vinamilk. Doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, phát triển nhà nước thu được thuế nhiều. Do vậy tư tưởng nắm giữ, kiểm soát doanh nghiệp như Vinamilk của SCIC là tư duy duy bao cấp, nắm hầu bao không đúng”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Bùi Quang Bình đánh giá, quy định cho nhà đầu tư ngoại được sở hữu 100% cổ phần Vinamilk sẽ tạo điều kiện giá cổ phần Vinamilk tăng lên. Qua đó giúp cho việc thoái vốn nhà nước thu lợi nhuận lớn hơn.
Nêu quan điểm việc SCIC chậm thoái vốn, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng: “SCIC được Chính phủ giao đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, tức bên cạnh bảo đảm không mất vốn nhà nước phải tăng vốn lên. Vì thế việc thoái vốn tại Vinamilk là cần thiết nhưng thực hiện khi nào để thu được lợi nhuận lớn cho nhà nước SCIC phải thận trọng và không vội vàng là điều dễ hiểu”.