Vợ chồng hiệu trưởng tuyên bố vỡ họ, hàng chục hộ dân có nguy cơ mất nhà cửa

10/11/2018 07:42
LÃ TIẾN
(GDVN) - Hàng chục hộ dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tố cáo hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đồng Minh và vợ là giáo viên lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Ngày 10/11, Công an huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn tố cáo của hàng chục hộ dân ở các xã Tam Đa, Nhân Hòa, Đồng Minh…về việc ông Lê Kim Đính và vợ là Lê Thị Hảo (trú tại thôn Hoa Đàm, xã Tam Đa) tổ chức chơi họ, sau đó tuyên bố “vỡ họ” với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Theo thông tin từ cơ quan công an, ông Lê Kim Đính (sinh năm 1977) hiện là Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Minh; Bà Lê Thị Hảo (sinh năm 1979) hiện là giáo viên Trường Trung học cơ sở Hưng Nhân.

Vợ chồng ông Đính, bà Hảo bị tố cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục hộ dân với số tiền lên đến gần 20 tỷ đồng.

Hàng chục hộ dân ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) có nguy cơ mất nhà vì vợ chồng hiệu trưởng tuyên bố "vỡ họ" (Ảnh: CTV)
Hàng chục hộ dân ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) có nguy cơ mất nhà vì vợ chồng hiệu trưởng tuyên bố "vỡ họ" (Ảnh: CTV)

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2009-2014, ông Đính, bà Hảo đã tự lập ra nhiều bát họ ảo với hình thức mỗi ngày góp một ít, đến kỳ hạn sẽ lĩnh một số tiền theo quy ước.

Những người chơi muốn lĩnh tiền trước rồi đóng sau sẽ chỉ nhận được 80% số tiền đóng.

Khi tham gia, nếu ai chơi bát họ 1 triệu đồng/tháng và đóng một lúc 10 tháng một thì sẽ được bà Hảo tính lãi 20%/năm.

Còn chơi bát 15 tháng trở lên thì mức lãi suất sẽ là 30.000 đồng/1 triệu đồng/tháng; hoặc chơi bát trên 26 tháng tiền lãi sẽ là 40.000 đồng/1 triệu đồng/tháng.

Đây thực chất là hình thức huy động tiền từ người chơi, sau đó vợ chồng ông Đính, bà Hảo cho người khác vay lãi theo hình thức đóng lãi ngày.

Với cách này, vợ chồng hiệu trưởng này đi đến từng gia đình người thân, họ hàng, làng xóm và đồng nghiệp,… để vận động tham gia chơi bát họ có lãi, với số tiền góp hàng tháng từ 1-10 triệu đồng/người/bát.

Mức lãi suất chơi họ đều do vợ chồng ông Đính, bà Hảo tự dựng lên và giấu kín không cho ai biết con số cụ thể.

Theo thống kê, ông Đính, bà Hảo lấy mác hiệu trưởng, giáo viên đã huy động tiền của nhiều hộ dân với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. (Ảnh: CTV)
Theo thống kê, ông Đính, bà Hảo lấy mác hiệu trưởng, giáo viên đã huy động tiền của nhiều hộ dân với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. (Ảnh: CTV)

“2 vợ chồng họ vào từng nhà chúng tôi gạ cho vay tiền, có ký nhận giấy tờ cẩn thận.

Lúc vay, 2 vợ chồng hiệu trưởng này còn nói: “Các chị cứ tin tưởng chúng em.

Em là hiệu trưởng và vợ là giáo viên, các bác cứ cho bọn em vay để làm ăn. Em sợ người khác lừa bọn em chứ mọi người không phải sợ em lừa”, một người dân kể lại.

Theo bà Lê Thị Trâm (ở xã Tam Đa), bà vốn là người trong họ với ông Lê Kim Đính.

Hai nhà gần nhau, thấy bà Hảo sang năn nỉ nhiều lần mời tham gia chơi họ nên bà Trâm cả tin đồng ý.

Vì thế, toàn bộ số tiền tiết kiệm nhiều năm của gia đình và tiền lương hàng tháng của con gái làm công nhân gửi, bà Trâm đưa hết cho bà Hảo.

Người dân lo sợ mất tiền nên kéo đến Trường Trung học cơ sở Đồng Minh (nơi ông Đính làm hiệu trưởng) để đòi nợ (Ảnh: CTV)
Người dân lo sợ mất tiền nên kéo đến Trường Trung học cơ sở Đồng Minh (nơi ông Đính làm hiệu trưởng) để đòi nợ (Ảnh: CTV)

Tham gia chơi nhiều bát với số tiền lên đến hơn 1,8 tỷ đồng nhưng đến ngày 30/11/2014 bà Trâm được lấy toàn bộ số tiền họ về, thì vợ chồng ông Đính, bà Hảo khất lần, không cho lấy tiền với lí do là có thêm nhiều người chơi.

Cuối năm 2014 là thời hạn lùi cuối để lĩnh tiền thì vợ chồng hiệu trưởng bất ngờ tung tin vỡ nợ, rồi nhanh chóng dọn nhà chuyển sang xã Đồng Minh, mua nhà đất sinh sống.

 “Tôi chỉ nghĩ đơn giản chơi họ góp với nhau giống như bỏ tiền ống bơ có lãi hay gửi tín dụng có lãi.

Hơn nữa người tổ chức lại đường đường là nhà giáo, người trong họ thì ai nghĩ đến việc họ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày mà vợ chồng tung tin vỡ nợ thì sáng Hảo vẫn đến các gia đình vay tiền của người dân, khiến cho mọi người hốt hoảng”, bà Trâm bức xúc nói.

Ngoài số tiền chơi họ, vợ chồng ông Đính, bà Hảo viết giấy vay mượn 5 lần tiền của gia đình bà Trâm, với tổng số tiền vay 380 triệu đồng.

Cô giáo mầm non làm giả giấy tờ để chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng

Điều đáng nói là việc vợ chồng ông Đính, bà Hảo tổ chức chơi họ góp tại địa phương gần chục năm và đã bắt đầu có dấu hiệu lừa đảo vài năm gần đây, nhưng nhiều người ham lãi suất cao, lại tin tưởng vào “mác giáo viên” nên hàng tháng vẫn gom tiền đưa cho cặp vợ chồng này để lấy lãi.

Theo thống kê, cặp vợ chồng này đã huy động tiền của nhiều hộ dân tại các xã như Tam Đa, Nhân Hòa, Đồng Minh…, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Người dân lo lắng tìm vợ chồng hiệu trưởng đòi tiền, thì năm 2015, vợ chồng ông Đính, bà Hảo đã đưa nhau ra tòa án nhân dân huyện Vĩnh Bảo xin ly hôn hòng phân tán tài sản, nhưng vẫn ở cùng nhau.

Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Bảo, phòng đã yêu cầu ông Đính và bà Hảo làm bản tường trình về sự việc.

Trước mắt, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Bảo đã ra quyết định tạm thời đình chỉ công tác cả 2 người này.

Hiện, lực lượng công an huyện Vĩnh Bảo đang vào cuộc điều tra, xác minh và thống kê số liệu cụ thể để làm rõ nội dung tố cáo của người dân.

LÃ TIẾN