Vụ chặt hạ cây xanh: Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Hà Nội

19/05/2015 11:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Kết luận thanh tra đề nghị nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND Thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo.

Sáng nay (19/5), Thanh tra Thành phố Hà Nội đã có Kết luận số 904- KL/TTTP về việc cải tạo, thay thế cây xanh một số tuyến phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong thời gian qua.

Kết luận nói rõ, việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố là việc hệ trọng và nhạy cảm, tác động trực tiếp không chỉ đến cảnh quan, môi trường mà còn tác động tới tình cảm, đời sống sinh hoạt của người dân.

Việc chặt hạ nhiều cây xanh cùng một thời điểm đã gây nhiều phản ứng trong dư luận Thủ đô. ảnh:hnm.
Việc chặt hạ nhiều cây xanh cùng một thời điểm đã gây nhiều phản ứng trong dư luận Thủ đô. ảnh:hnm.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, Sở Xây dựng chưa tranh thủ rộng rãi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư nơi chịu tác động ảnh hưởng. Công tác thông tin, tuyên truyền trước và trong quá trình thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh chưa thực hiện tốt, chưa sâu rộng nên chưa tạo sự đồng thuận cao của người dân sở tại và nhân dân Thủ đô. 

Trong đề án, tiêu đề một số mục nêu chung chung, chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định và làm rõ: Số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế do có nguy cơ đổ gãy, cây khô chết, cây sâu mục, cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong tổng số 2.208 cây;

Tổng kinh phí thực hiện công tác chặt hạ, giải tỏa, đào gốc, đánh gốc, trồng cây, đánh chuyển cây trên các tuyến phố năm 2014 là 4.625.075.000 đồng (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thực hiện 4.226.284.000 đồng, Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Bình Minh thực hiện: 398.791.000 đồng). 
Đơn giá thanh quyết toán năm 2014 được thực hiện theo Quyết định số 5875/QĐ-UBND ngày 19/12/2011 của UBND Thành phố. Theo hồ sơ quyết toán năm 2014 đã được Sở Xây dựng quyết toán và Sở Tài chính thẩm tra xác nhận số liệu quyết toán thể hiện chỉ có 01 cây chặt hạ có đường kính >120cm (cây xà cừ tại 15 phố Lý Nam Đế), quyết toán chi phí chặt hạ, đánh gốc cây theo đúng đơn giá do UBND Thành phố ban hành: 34.322.712 đồng (trường hợp thi công bằng xe nâng, không đổ đất màu)

Số lượng cây dự kiến dịch chuyển để trồng theo quy hoạch, số cây dự kiến từng bước thay thế do cây không đúng chủng loại đô thị, cây cấm trồng, cây có nhiều sâu bọ ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị;

Số lượng dự kiến trồng bổ sung mới tại các tuyến phố, tại dải phân cách…do đó khi tổng hợp thành số liệu 4.500 cây là chưa cụ thể từng nội dung việc cải tạo, thay thế cây xanh theo kế hoạch làm cho dư luận lo ngại về số lượng cây sẽ bị “chặt hạ” quá nhiều.

Trong khi đó, công tác thông tin tuyên truyền sau khi đề án được phê duyệt lại không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến báo chí và dư luận nhân dân hiểu lầm, bức xúc, hoang mang, lo lắng cho rằng thành phố có chiến dịch chặt hạ 6708 cây xanh. 

Việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây là không chặt chẽ, không khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố, gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng...

Việc khảo sát chưa kỹ trước khi cấp phép dẫn đến cấp giấy phép một số cây trồng thay thế, bổ sung không đảm bảo điều kiện để trồng (86 vị trí vướng công trình, hạ tầng), trách nhiệm thuộc Tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì khảo sát, kiểm tra tình trạng cây trước khi cấp phép. 

Một số cây trồng thay thế mặc dù là loại cây thuộc danh mục cây đô thị nhưng không đúng loại cây đã được cấp phép (103 cây) là chưa thực hiện nghiêm túc nội dung giấy phép đã cấp, trách nhiệm thuộc về đơn vị thực hiện trồng cây và đơn vị giám sát là Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng.

Cây trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh là Cây Mỡ hay Vàng Tâm?

Qua xác minh người dân bán cây tại xã Đại Lịch, tỉnh Yên Bái và xác nhận của UBND xã Đại Lịch: Từ đầu tháng 3/2015 đến nay, UBND xã đã xác nhận cho người dân khai thác, bán cây Mỡ trồng trong vườn 8 hộ gia đình với tổng số 150 cây (cây trồng từ 5-7 năm, giá bán từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/1 cây, cả công đào và bốc lên xe là 300.000 đồng/1 cây).

Do có ý kiến khác nhau về việc xác định loại cây đã trồng, theo đề nghị của Đoàn thanh tra, ngày 17/4/2015 Viện Khoa học lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 253/KHLN-KH về xác định chủng loại cây thay thế, trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Kết quả giám định 30 cây đã được lấy mẫu ở hai bên đường phố Nguyễn Chí Thanh đều thuộc cùng một loài cây có tên Việt Nam là Mỡ.

Viện Khoa học lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định loại cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là "cây Mỡ". ảnh: vnn
Viện Khoa học lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định loại cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là "cây Mỡ". ảnh: vnn

Trong một số tài liệu, loài cây này còn được ghi các tên gọi khác. Cụ thể: “Danh lục các loài cây thực vật Việt Nam”, mục 3 trang 10, Tập 2, NXB Nông nghiệp, 2003 của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) có ghi: Manglietia conifer Dandy, 1930 (CCVN, 1:283) - Manglietia glauca sensu Fin & Hagnep.1970 (FGI, CCI, VFT), non Blume - Mỡ, “Vàng tâm”.

“Cây gỗ rừng Việt Nam” trang 96, tập 2, NXB Nông nghiệp, Hà Nội - 1978 của Viện Điều tra Quy hoạch rừng ghi "cây Mỡ" tên khoa học là Manglietia B1. Trong quyển “Vietnam forest trees” (Cây gỗ rừng Việt Nam) bản tiếng Anh, tái bản lần 2 của Viện Điều tra Quy hoạch rừng có ghi tên khoa học Manglietia glauca B1; tên địa phương (Vernacular name): Vàng tâm...

Liên quan đến việc sử dụng cây Vàng tâm và cây Mỡ làm cây trồng ở đường phố đô thị, tới nay, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nào về trồng hai loài cây này ở đường phố đô thị. Do vậy, Viện chưa có cơ sở khoa học để khẳng định cây Vàng tâm và cây mỡ có phù hợp hay không phù hợp cho trồng cây đường phố đô thị nói chung và trồng tại đường phố Hà Nội nói riêng.

Tuy nhiên, theo kết quả giám định của Viện Khoa học lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xác minh từ nguồn gốc nơi cung cấp, xác định cây đã trồng hiện nay trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây Mỡ (mặc dù còn có viện dẫn gọi bằng cả hai tên là Mỡ, Vàng tâm).

Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Hà Nội

Kết luận thanh tra kiến nghị ba vấn đề:

Thứ nhất, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh biện pháp, cách làm, khắc phục những việc làm không phù hợp vừa qua trong việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn Thành phố đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định, thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội khi thực hiện.

Thứ hai, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND Thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, chỉ đạo kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như trong Kết luận nêu.

Đối với Sở Xây dựng, phải kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp có liên quan: phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng là những đơn vị có liên quan trực tiếp để xảy ra những hạn chế, thiếu sót đã nêu trong Kết luận.

Ngọc Quang