Theo cáo trạng số 12/CT-P1A ngày 07/01/2013 của VKSND TP. Hải Phòng, các bị can Nguyễn Văn Khanh - nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Phạm Xuân Hoa - nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, Lê Thanh Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, Phạm Đăng Hoan – nguyên Bí thư xã Vinh Quang bị truy tố về tội hủy hoại tài sản; Lê Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với một số cán bộ thuộc các phòng, ban của UBND huyện Tiên Lãng và những đối tượng được trưng dụng tháo dỡ tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý, do không đủ cơ sở kết luận hành vi của những đối tượng này đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nên cơ quan điều tra không khởi tố.
Lê Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng |
Trước đó, ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 307/QĐ-UBND áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sử dụng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, đồng thời UBND huyện có Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2011 về việc tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với gia đình ông Vươn. Trong Kế hoạch 104/KH-UBND nêu rõ nội dung cưỡng chế bàn giao toàn bộ diện tích đất và công trình gắn liền với đất đã thu hồi cho UBND xã Vinh Quang (Tiên Lãng - TP Hải Phòng).
Tuy nhiên, bị can Nguyễn Văn Khanh được giao nhiệm vụ là Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất đã trực tiếp chỉnh sửa, ký ban hành Thông báo số 225 ngày 28/12/2011 phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế.
Tại hiện trường trong buổi cưỡng chế ngày 05/01/2012, Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp ra lệnh cho Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan để đôn đốc những người được trưng dụng thuộc Tổ 2 trực tiếp tháo dỡ lều trong đầm của gia đình ông Vươn, ông Quý. Việc tháo dỡ được thực hiện trong 2 ngày 05 và 06/01/2012 gây thiệt hại về tài sản trị giá 295 triệu đồng.
Trong khi đó, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan mặc dù biết ông Khanh chỉ đạo phá dỡ tài sản là không đúng với Kế hoạch 104/KH-UBND nhưng vẫn giúp sức cho ông Khanh thực hiện việc phá dỡ làm hư hỏng tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý.
Theo kết luận của cáo trạng, các bị can Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại tài sản có giá trị 295 triệu đồng, trong đó ông Hoan giúp sức cho ông Khanh hủy hoại tài sản của gia đình ông Quý có giá trị 191 triệu đồng.
Riêng bị can Lê Văn Hiền, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy chế làm việc và không có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để ông Khanh cùng đồng phạm thực hiện việc tháo dỡ tài sản, không thực hiện đúng Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2012 của UBND huyện, gây hậu quả nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu nghe lại vụ Tiên Lãng
Tại buổi làm việc về công tác phòng chống tội phạm, trật tự an toàn xã hội tổ chức ở Hải Phòng ngày 6/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trung tướng Lê Quý Vương cùng đại diện Viện KSND tối cao cần có buổi làm việc với Công an TP Hải Phòng để nghe báo cáo lại vụ Tiên Lãng.
Phó Thủ tướng đánh giá vụ việc Tiên Lãng gây hậu quả nghiêm trọng, chính quyền các cấp cần rút ra nhiều kinh nghiệm. "Đồng chí Vương phải nghe lại báo cáo toàn bộ vụ việc để xử lý đúng và nghiêm minh trước pháp luật. Không để vụ việc này ảnh hưởng đến sự phát triển. Từ đây chính quyền cần rút ra bài học kinh nghiệm trong nắm bắt an ninh nông thôn và tư tưởng trong dân" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
(Theo Tuổi trẻ)
Tại buổi làm việc về công tác phòng chống tội phạm, trật tự an toàn xã hội tổ chức ở Hải Phòng ngày 6/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trung tướng Lê Quý Vương cùng đại diện Viện KSND tối cao cần có buổi làm việc với Công an TP Hải Phòng để nghe báo cáo lại vụ Tiên Lãng.
Phó Thủ tướng đánh giá vụ việc Tiên Lãng gây hậu quả nghiêm trọng, chính quyền các cấp cần rút ra nhiều kinh nghiệm. "Đồng chí Vương phải nghe lại báo cáo toàn bộ vụ việc để xử lý đúng và nghiêm minh trước pháp luật. Không để vụ việc này ảnh hưởng đến sự phát triển. Từ đây chính quyền cần rút ra bài học kinh nghiệm trong nắm bắt an ninh nông thôn và tư tưởng trong dân" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
(Theo Tuổi trẻ)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tuệ Minh