Vụ Dương Chí Dũng: Tại sao Citibank bị kiến nghị điều tra?

18/12/2013 13:43
Phong Vũ
(GDVN) - HĐXX Toà án Nhân dân TP Hà Nội kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an cần tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm tại Ngân hàng Citibank.

Liên quan đến việc chuyển 9 triệu USD tiền thanh toán ụ nổi 83M của Vinalines cho Công ty AP, HĐXX Toà án Nhân dân TP Hà Nội kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an cần tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm tại Ngân hàng Citibank, nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố theo quy định pháp luật. 

Theo hồ sơ vụ án, Vinalines đã chuyển 9 triệu USD tiền thanh toán mua ụ nổi 83M cho Công ty AP qua tài khoản ký quỹ mở tại Ngân hàng Citibank. Sau khi nhận được khoản tiền này, Công ty AP lại chuyển về Việt Nam 1,666 triệu USD để Dương Chí Dũng và đồng phạm chia nhau. Trong khi đó, ụ nổi 83M đã cũ nát, không hoạt động được. Việc làm này đã gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Toàn cảnh việc thanh toán hợp đồng mua bán ụ nổi 83M thông qua Ngân hàng Citibank được thực hiện như sau:

Theo cáo trạng, việc Vinalines vay vốn của Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội được Dương Chí Dũng quyết định tại Nghị quyết HĐQT Vinalines ngày 20/9/2007. Do vậy, khi thực hiện Hợp đồng mua, bán ụ nổi 83M số 01-07/VNL-AP ngày 15/3/2008 giữa Vinalines và Công ty AP, Singapore có quy định:

Điều 18: Vinalines thanh toán 900 nghìn USD (tiền đặt cọc 10%) cho Công ty AP qua tài khoản ký quỹ tại Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội.

Điều 19: Vinalines thanh toán 8,1 triệu USD (90% giá trị hợp đồng) cho Công ty AP qua thư tín dụng do Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội phát hành. Trước khi Vinalines thanh toán số tiền 90% giá trị hợp đồng, Công ty AP phải chuyển cho Vinalines đủ 18 loại tài liệu liên quan đến ụ nổi quy định tại Phụ lục II của hợp đồng mua, bán số 01-07/VNL-AP.

Vinalines thanh toán 9 triệu USD tiền ụ nổi cho Công ty AP qua Ngân hàng Citibank.
Vinalines thanh toán 9 triệu USD tiền ụ nổi cho Công ty AP qua  Ngân hàng Citibank.

Thực hiện nghĩa vụ thanh toán, Bùi Thị Bích Loan, Trưởng ban Tài chính - Kế toán Vinalines biết được Vinalines mua ụ nổi 83M không đúng các quy định của Nhà nước. Trước đó, ông Trịnh Quang Huy, nhân viên ban Tài chính - Kế toán khi kiểm tra hồ sơ thanh toán đã phát hiện Công ty AP không cung cấp đầy đủ tài liệu như Điều 19 và Phụ lục II của hợp đồng đã cam kết. Bởi vậy, ông Huy đã báo cáo với Loan.

Ngày 17/3/2008, Bùi Thị Bích Loan ký uỷ nhiệm chi số 17 chuyển 900 nghìn USD tiền đặt cọc vào tài khoản ký quỹ. Đây là tài khoản chung của Vinalines và Công ty AP được mở tại Citibank – Chi nhánh Hà Nội.

Ngày 31/5/2008, Mai Văn Phúc ký chỉ dẫn thanh toán đề nghị Citibank – Chi nhánh Hà Nội giải toả, chuyển 900 nghìn USD tiền ký quỹ cho Công ty AP.

Đối với việc thanh toán khoản 8,1 triệu USD, Công ty AP không có đủ tài liệu để chuyển cho Vinalines làm căn cứ thanh toán, chỉ bao gồm: Thư thoả thuận mua bán ụ nổi 83M; Hợp đồng mua bán ụ nổi số 01-07/VNL-AP ngày 15/3/2008; Hợp đồng ký quỹ ngày 10/3/2008.

Mặc dù vậy, Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo Trần Hữu Chiều lập 3 tờ trình đề nghị thanh toán để có bút phê vào 3 uỷ quyền thanh toán để Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội chuyển 8,1 triệu USD cho Công ty Ap vứi nội dung: “Đồng ý, chuyển Ban Tài chính - Kế toán căn cứ thực hiện”.

Như vậy, hồ sơ thanh toán ụ nổi 83M không đủ điều kiện, có nhiều mâu thuẫn và việc chỉ đạo giải ngân 8,1 triệu USD của Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều là pháp luật. Với chức trách nhiệm vụ được giao, Bùi Thị Bích Loan phải có biện pháp ngăn chặn và báo cáo bằng văn bản lên HĐQT Vinalines, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính về sai phạm này.

Nhưng Loan vẫn lập các thủ tục chi thanh toán 8,1 triệu USD cho Công ty AP qua Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội, tạo điều kiện cho Dương Chí Dũng và các đồng phạm chi mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD không đúng với các quy định của Nhà nước.

Tại biên bản Kết luận giám định ngày 26/9/2013, Giám định viên tư pháp kết luận: “Việc Vinalines cùng Công ty AP ký chỉ dẫn thanh toán để giải toả số tiền ký quỹ 9 triệu USD, thanh toán 90% giá mua mà không bàn giao tài liệu liên quan được đề cập tại Phụ lục 2 của hợp đồng mua bán là trái với quy định tại khoản 2, Điều 50 Luật Thương mại.”

HĐXX kiến nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra ở Ngân hàng Citibank, nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố theo quy định pháp luật.
HĐXX kiến nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra ở Ngân hàng Citibank, nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố theo quy định pháp luật.  

Khoản 2, Điều 50 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thoả thuận và theo quy định của pháp luật.”

Điều 58 Luật Đấu thầu năm 2005 quy định: “Giá hợp đồng và các điều khoản cụ thể về thanh toán được ghi trong hợp đồng là cơ sở để chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu.”

Kết quả xác minh tại Vinalines, Ngân hàng Citibank, Ngân hàng UOB Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, đến ngày 13/6/2008, Vinalines đã thanh toán đủ 9 triệu USD tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M vào tài khoản Công ty AP tại Ngân hàng UOB, Singapore.

Ngày 16/6/2008, thời điểm 5 ngày sau khi nhận được 9 triệu USD, Công ty AP đã chuyển 1,666 triệu USD vào tài khoản mở tại Ngân hàng UOB Chi nhánh TP Hồ Chí Minh của Công ty Phú Hà. Công ty này do Trần Thị Hải Hà, em gái Trần Hải Sơn làm Giám đốc. Trước đó, để hợp thức hoá việc chuyển tiền, Hà đã không đọc nội dung mà ký vào một bộ hồ sơ khống do Sơn đã lập sẵn.

Sau khi nhận được tiền, Hà rút làm nhiều lần đưa Sơn. Theo lời khai của Sơn, sau đó Sơn đã chia cho Dương Chí Dũng 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỷ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng, còn lại Sơn chi tiêu cá nhân.

Trong khi Dương Chí Dũng cùng đồng bọn nhận được 1,666 triệu USD tiền “lại quả” chia nhau như trên thì ụ nổi 83M lại cũ nát, không hoạt động được, phải chi phi để tiến hành sửa chữa tại Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin, Nha Trang.  Đồng thời, cho đến nay, Vinalines vẫn phải tiếp tục bỏ ra một nguồn tiền lớn cho việc neo đậu, trong coi, bảo quản ụ nổi (khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng).

Tại biên bản Kết luận giám định ngày 26/9/2013, Giám định viên tư pháp kết luận: Việc mua ụ nổi 83M của Vinalines đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 366.930.032.432 đồng sau khi đã trừ đi những khoản chi phí hợp lý như chi phí mua ụ nổi, chi phí vận chuyển, chi phí lai dắt về Việt Nam…

Liên quan đến hoạt động chuyển tiền của Citibank trong vụ việc này, trong bản Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an có ghi: “Giám định viên không có kết luận sai phạm. Do vậy Cơ quan điều tra không có căn cứ xem xét, xử lý.”

Tuy nhiên, tại phiên toà xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm, HĐXX nhận xét: Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện, hồ sơ thanh toán 9 triệu USD tiền mua ụ nổi của Vinalines cho Công ty AP có nhiều vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế. Mặc dù vậy, Citibank vẫn chuyển tiền cho Công ty AP dẫn đến việc thất thoát 9 triệu USD của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Trên cơ sở đó, HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm của Ngân hàng Citibank. Nếu có dấu hiệu hình sự thì cần tiến hành khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật Việt Nam./.

Phong Vũ