Theo đó, vụ việc việc Tổng công ty Xây dựng và Luyện kim Thanh Hóa “đội lốt” thăm dò, ngang nhiên ăn cắp quặng trong nhiều năm liền đã khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống quanh vùng bị đảo lộn. Mặt khác việc doanh nghiệp tổ chức khai thác quặng trái phép, đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng.
Vậy, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách về tài nguyên và môi trường nằm ở đâu khi để xảy ra những sai phạm trên?
Điểm khai thác quặng trái phép tại Chò Tráng ( xã Cao Ngọc, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) |
Thay bằng việc rút kinh nghiệm trong việc quản lý tài nguyên thì Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thẳng thừng “phủi” trách nhiệm và "đổ tội" cho cấp dưới.
Cụ thể, bản báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa có đoạn: “ trong khi chờ đợi và chưa được cấp phép, thì việc quản lý khoáng sản trong khu vực trên thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương sở tại”.
Clip quặng tặc " đại náo" đất cao Ngọc |
Sáng ngày 11/3, trả câu hỏi liên quan đến trách nhiệm quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Phùng Đình Ảnh, Trưởng phòng tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) cho biết: “Hàng năm Sở vẫn tiến hành kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và đột xuất đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Mặt khác, khi nhận được thông báo từ phía người dân về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép thì cơ quan chuyên trách sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở này”.
Ông Phùng Đình Ảnh, trưởng phòng quản lý tài nguyên khoáng sản |
Cũng theo ông Ảnh, cứ định kỳ 1 năm 2 lần, Sở Tài nguyên và Môi trường đều yêu cầu cơ quan chuyên trách về tài nguyên môi trường cấp huyện báo cáo bằng văn bản tình hình quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn để có hướng chỉ đạo quản lý.
Tuy nhiên, cứ theo như cách nói "kiểm tra định kỳ" của Sở và lý giải của ông Phạm Trung Dũng (xem bài trước), Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Lặc thì từ trước đến nay, cơ quan chuyên trách chỉ kiểm tra và báo cáo kết quả… “ngoài tường rào”. Bởi thế mới có chuyện chính quyền sở tại không phát hiện thấy những "dấu hiệu tiêu cực" liên quan đến việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép. Để lý giải cho "sự cố" trên, ông Dũng đưa ra lý do "không đủ nhân lực nên không thể kiểm soát hết được tình hình”.
Thực tế, việc yêu cầu như trên chỉ là đối phó, vấn đề là Sở cấp cho doanh nghiệp phép khai thác thăm dò khoáng sản, và đó là bùa hộ mệnh để một số doanh nghiệp ngang nhiên khai thác tài nguyên vô tội vạ. Những sai phạm của doanh nghiệp xuất phát từ sự vô trách nhiệm của các cơ quan phụ trách chuyên môn về lĩnh vực khoáng sản.