Vụ kit test Việt Á: Phép thử cho sự liêm chính của cán bộ

27/06/2022 06:18
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc xử lý cán bộ có sai phạm liên quan đến Việt Á tiếp tục cho thấy quyết tâm chống tham nhũng tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Đến nay, có khoảng hơn 60 người đã bị khởi tố liên quan vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Trong đó có 7 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế, bệnh viện của 15 tỉnh, thành.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Á như một "phép thử" sự liêm chính đối với các cán bộ. Việc xử lý nghiêm minh sẽ là bài học cảnh tỉnh cho tất cả cán bộ.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an. Ảnh: VOVThiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an. Ảnh: VOV

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ với quyết tâm xử lý đến cùng sai phạm liên quan đến vụ Việt Á.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc xử lí 2 cán bộ diện Trung ương quản lý là ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Y tế và ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thể hiện sự kiên quyết của Đảng trong chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Như Tổng Bí thư - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã phát biểu: "Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sau Đại hội XIII sẽ tiếp tục được đẩy lên một cao trào mới với biện pháp quyết liệt hơn, không có vùng cấm và không ngưng nghỉ".

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh, tác động tích cực lớn nhất trong xử lý vụ án này là góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân, tin tưởng vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng.

Tướng Cương tin rằng, nếu còn ai có liên quan đến sai phạm của Việt Á chắc chắn sẽ sớm bị đưa ra ánh sáng.

Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích, không chỉ với vụ Việt Á mà việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang được triển khai sẽ giúp cho công cuộc phòng, chống tham nhũng tiếp tục có bước tiến mới.

"Để Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực sự là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực cần phải quy rõ trách nhiệm của Trưởng Ban chỉ đạo ở địa phương và các thành viên, với thường vụ cấp ủy chính quyền địa phương nhằm phát huy hiệu quả tối đa", Thiếu tướng Cương nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến vụ Việt Á, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, trong công tác phòng chống Covid-19, lượng y tế đã góp phần rất lớn vào việc khống chế thành công dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là những cán bộ, y bác sỹ làm nhiệm vụ chống dịch ở tuyến đầu. Tuy nhiên, có những người lãnh đạo các đơn vị được coi là tuyến sau lại trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của đồng nghiệp là điều khó có thể tha thứ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, các sai phạm liên quan đến Việt Á đã được điều tra, xử lý nghiêm minh. Nó thể hiện sự quyết tâm cao trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng "không có vùng cấm".

Một điều nữa là dư luận cũng mong rằng việc điều tra sẽ làm rõ được Việt Á thực sự là sân sau của ai mà khiến đến nay hơn 60 người vướng vào lao lý. Trong đó, có đến 2 Ủy viên Trung ương, cùng giám đốc CDC nhiều tỉnh, thành phố".

Ông Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: quochoi.vn

Ông Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: quochoi.vn

Ông Thuyền bày tỏ, đáng buồn là nhiều cán bộ ngành y tế rất giỏi về chuyên môn, nhưng khi chuyển sang giữ vai trò quản lý lại bị đồng tiền mua chuộc. Việc có nhiều cán bộ, thậm chí cả Ủy viên Trung ương mắc sai phạm trong vụ án này phải xử lý đặt ra vấn đề là cần phải xem xét lại công tác nhân sự.

Cùng vói đó là làm sao có cơ chế đã ngộ, kiểm soát, xử lý để cán bộ không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Một trong những giải pháp sớm phát hiện cán bộ thóa hóa biến chất là kiểm soát tài sản. Ví dụ như cơ quan chức năng cần phải kiểm soát không chỉ tài sản của cá nhân cán bộ, mà còn là nguồn gốc tiền của họ và người thân họ. Cần phải bắt buộc người thân của cán bộ chứng minh nguồn gốc tiền của họ kiếm từ đâu.

Mạnh Đoàn