Vụ mầm non Việt-Bun từ chối nhận HS: Quận Hai Bà Trưng phải làm rõ trách nhiệm

29/08/2022 06:43
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo các chuyên gia, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng phải có trách nhiệm trong vụ việc Trường mầm non Việt - Bun từ chối nhận trẻ theo học đúng tuyến. 

Liên quan đến vụ việc Ai cho Hiệu trưởng mầm non Việt-Bun từ chối quyền học được hiến định của trẻ?, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền chỉ đạo Phòng Giáo dục từ chối trả lời phóng viên bởi không đúng "Tôn chỉ mục đích".

Ngay sau khi bài báo đăng tải, rất nhiều ý kiến của độc giả gọi điện đến đường dây nóng và gửi mail về Tòa soạn bày tỏ sự bức xúc với cách hành xử của Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường mầm non chất lượng cao Việt - Bun, của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng và đặc biệt là bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng.

Bởi lẽ, quyền học tập của trẻ em đã được Hiến pháp quy định và cụ thể bằng các luật liên quan. Lý ra, với vai trò là Phó Chủ tịch Quận phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, bà Hiền phải thể hiện được bà hiểu được quyền của trẻ em rõ nhất và có động thái làm rõ các phản ánh được báo chí nêu thay vì chỉ đạo Phòng Giáo dục không trả lời báo chí như vậy. Nhiều ý kiến lo lắng với sự bình thản, có phần vô cảm của những người có chức trách liên quan.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII); ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã có những quan điểm và phân tích về vụ việc trên.

Trường mầm non chất lượng cao Việt - Bun. (Ảnh: Nguyễn Nhất)

Trường mầm non chất lượng cao Việt - Bun. (Ảnh: Nguyễn Nhất)

Không nhận trẻ đúng tuyến đến học tập là sai

Ông Lê Như Tiến cho hay, trẻ em có quyền được học tập, vui chơi, giải trí. Vì vậy, các em được quyền bình đẳng như nhau. Nếu có em bị ốm đau, chậm nói, khuyết tật... nhưng nhà trường từ chối tiếp nhận là sai so với chủ trương giáo dục đào tạo của chúng ta.

Bởi vậy, ông Tiến đề nghị các cơ quan quản lý Trường Mầm non chất lượng cao Việt - Bun phải vào cuộc để xem trách nhiệm của nhà trường như nào. Đồng thời phải tạo điều kiện cho các cháu được đến trường.

"Nhà trường từ chối các em đến trường với bất kì lí do nào cũng là sai", nguyên Phó Chủ nhiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Lê Như Tiến. (Ảnh: TP)

Ông Lê Như Tiến. (Ảnh: TP)

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, báo chí được quyền thông tin khách quan đối với tất cả các hoạt động trong toàn xã hội, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến giáo dục, quyền lợi của trẻ em.

Trước thông tin Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền chỉ đạo Phòng Giáo dục không trả lời phóng viên, bởi lí do không đúng "Tôn chỉ mục đích", ông Tiến nói:

"Vụ việc liên quan đến quyền lợi của trẻ em, đáng lẽ Quận phải cử cán bộ xuống để kiểm tra, xác minh. Nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh, Quận phải chỉ đạo nhà trường thực hiện theo đúng quy định chung của pháp luật".

Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, với trường hợp trên, đáng lẽ Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng phải chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo để xem xét đảm bảo quyền lợi cho cháu P.A.

"Các cơ quan bảo vệ trẻ em ở địa phương cũng cần phối hợp với các Tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp để giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền được học tập của trẻ", ông Bốn chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưngvà Phòng Giáo dục phải tổ chức kiểm tra, xác minh xem việc Hiệu trưởng Trường mầm non chất lượng Việt - Bun từ chối nhận cháu bé như vậy đã đúng chưa. Đồng thời phải làm rõ các yếu tố như nhà trường có còn chỉ tiêu tuyển sinh, hay có nhận học sinh trái tuyến không?

"Tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em là Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Hai Bà Trưng; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội; Cục bảo vệ trẻ em; Đường dây 111 cần lên tiếng để bảo vệ cháu P.A. Bên cạnh đó, cơ quan quan quản lý trực tiếp theo ngành dọc của Trường mầm non chất lượng cao Việt - Bun là Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải vào cuộc xác minh cụ thể và trả lời báo chí.

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và trẻ em phải xử lý vụ việc nếu xác minh thấy có việc xâm phạm đến quyền chăm sóc, học tập của trẻ em. Quan trọng nữa là chính quyền như Ủy ban Nhân dân phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng phải có trách nhiệm", ông Bốn nhấn mạnh.

Hà Nội cần xác minh làm rõ để đảm bảo quyền của trẻ em

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho hay, bên cạnh quyền sống, thì quyền được học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ, đặc biệt là trẻ em.

Bởi vậy, với việc ghi nhận quyền học tập của trẻ em, chính quyền mỗi địa phương cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để trẻ em được thực hiện quyền của mình. Đó là quyền đến trường, đồng thời đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ công trong giáo dục.

Đối với những trường công lập, việc tuyển sinh phải theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh được thông báo công khai cho các phụ huynh. Hiện nay đối với các trường mầm non, tiểu học, việc tuyển sinh được tính theo địa bàn, phân chia theo địa bàn, khu vực nơi có hộ khẩu thường trú của học sinh.

Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường. (Ảnh: NVCC)

Bởi vậy, trường hợp nếu học sinh đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để được nhập học nhưng nhà trường lại từ chối thì đây là hành vi hành chính có thể khiếu nại hoặc khởi kiện. Nếu nhà trường từ chối và đưa ra lý do là trẻ tự kỉ thì vấn đề này là rất đáng trách.

"Cơ quan chức năng cần phải làm rõ trường hợp này để đảm bảo quyền học tập cho trẻ em, đảm bảo công bằng khi trẻ đến trường.

Nếu hồ sơ đã nộp đầy đủ mà nhà trường không tiếp nhận hoặc tiếp nhận nhưng không đồng ý cho em học sinh này nhập học. Phụ huynh có thể khiếu nại gửi đến Phòng Giáo dục, Chủ tịch ủy ban Nhân dân Phường và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật", Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cũng cho rằng, khi có tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển sinh và học sinh đã đạt nhưng không trúng tuyển, không được nhập học, người đứng đầu cơ sở giáo dục đó phải có trách nhiệm giải trình, trả lời với phụ huynh học sinh và với các cấp chính quyền.

Trong trường hợp không tiếp nhận học sinh mà không có lý do chính đáng, cơ quan quản lý cần phải xem xét trách nhiệm và xử lý nghiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục này.

"Đồng thời cũng cần làm rõ làm rõ trường có nhận học sinh trái tuyến hay không và thủ tục nhận học sinh trái tuyến như thế nào, nếu có tiêu cực thì cần phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật", Luật sư Cường nhấn mạnh.

Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải thông tin, anh N. H. T.phản ánh, con anh có hộ khẩu tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhưng lại bị bà Trần Bích Chi, Hiệu trưởng Trường mầm non chất lượng cao Việt – Bun từ chối nhận.

Anh T. cho biết, con anh là bé N.H. P. A. sinh tháng 4 năm 2020. Bé có hộ khẩu tại Đồng Nhân, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.

Theo đúng quy định, gia đình anh làm thủ tục để con được theo học đúng tuyến tại Trường Mầm non chất lượng cao Việt - Bun. Tuy nhiên, bà Trần Bích Chi - Hiệu trưởng và bà Bùi Thu Hiền - Hiệu phó lấy nhiều lý do gây khó để không nhận cháu theo học tại trường.

Nguyễn Nhất