Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ: thành lập cơ sở mới tránh bị phân tán nguồn lực

27/04/2022 07:00
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là thực hiện phát triển 2-3 phân hiệu mới.

Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến làm việc tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh – một trong hai cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm trọng điểm của cả nước.

Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và lãnh đạo các cục, vụ chuyên môn của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Nhiệm vụ trọng điểm để đào tạo nguồn giáo viên chất lượng

Tại buổi làm việc, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về qui mô đào tạo cùng một số thành quả đạt được của nhà trường trong thời gian qua. Trong đó, trường luôn chú trọng công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn giáo viên chất lượng để cung ứng tốt cho các trường phổ thông.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo với đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu (ảnh: Lê Phương)

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo với đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu (ảnh: Lê Phương)

Hiện nay trường đang tiếp tục duy trì các phương thức tuyển sinh phù hợp với đặc điểm và thực tế của trường, tăng cường tư vấn và tạo nguồn tuyển sinh dồi dào. Đặc biệt trong đó trường đã xây dựng xong ngân hàng đề thi đánh giá năng lực. Trong tình hình của dịch Covid-19, nhà trường chỉ đạo thí điểm chuyển đổi công tác tổ chức thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến một số học phần nhằm đánh giá mức độ đáp ứng để áp dụng trong các học kỳ tới. Đồng thời, để phù hợp với công tác tuyển sinh năm 2021, các môn thi năng khiếu của 2 ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất cũng được nghiên cứu và áp dụng thi trực tuyến.

Theo ông Sơn, dự kiến đến năm 2025, trường đảm bảo tăng số ngành đào tạo của toàn trường lên 45 đến 50 ngành, nhất là ưu tiên các ngành đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, sắp tới trường phát triển hai mã ngành là sư phạm Âm nhạc và sư phạm Mỹ thuật để phù hợp cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường sắp tới là phát triển trường trung học thực hành theo mô hình tiên tiến chất lượng cao. Đồng thời, trường sẽ thực hiện phát triển 2-3 phân hiệu mới của trường (hoặc hai phân hiệu và một cơ sở mới) tại Long An và Gia Lai dựa trên thực trạng chung và chiến lược phát triển Trường theo định hướng.

Lãnh đạo nhà trường mong muốn được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ, tạo điều kiện cho trường trong quá trình thực hiện đề án phát triển phân hiệu hoặc bổ sung cơ sở của Trường dựa trên tiến trình làm việc của nhà trường với các cơ sở giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh thành góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên hiện nay.

Bên cạnh đó, trường cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tạo điều kiện cho trường mở rộng cơ sở theo định hướng chiến lược phát triển của trường nhất là phát triển giáo dục phổ thông (Trường Thực hành sư phạm và Trường phổ thông liên cấp, Trường Mầm non thực hành sư phạm) và phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung.

Bộ ủng hộ thành lập phân hiệu trên cơ sở các trường Cao đẳng sư phạm

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Bộ hoàn toàn ủng hộ thành lập phân hiệu trường đại học trên cơ sở các trường cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, nhà trường cần lưu ý khi thành lập cơ sở mới tránh bị phân tán nguồn lực. Thực tế đã từng có những phân hiệu được cấp phép nhưng quá 3 năm bị thu hồi quyết định do không đủ điều kiện hoạt động.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo cùng lãnh đạo các cục, vụ chuyên môn của Bộ Giáo dục và đào tạo trao đổi với trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Lê Phương)

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo cùng lãnh đạo các cục, vụ chuyên môn của Bộ Giáo dục và đào tạo trao đổi với trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Lê Phương)

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đánh giá tốt về tỷ lệ cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của trường. Theo báo cáo, tỷ lệ này của trường hiện ở mức 38%. Tuy nhiên, theo bà Thủy, trường cần chú trọng phát triển đội ngũ để nâng cao tỷ lệ này thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng đánh giá cao việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ tuyển sinh năm nay. Bộ mong muốn trường sẽ sớm trở thành một trong các trung tâm khảo thí có thể đáp ứng yêu cầu giai đoạn đổi mới thi cử thời gian tới.

Lê Phương