Bộ trưởng ủng hộ TP.HCM nghiên cứu thí điểm phương án XHH 1 số trường công CLC

26/04/2022 06:26
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Kim Sơn đã đặt hàng 6 vấn đề của ngành giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, chiều ngày 25/4, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến làm việc với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ông Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – bà Nguyễn Thị Lệ và lãnh đạo các Sở, ban ngành của thành phố đã tiếp, làm việc với đoàn công tác của Bộ.

Bộ trưởng đặt hàng thành phố 6 vấn đề

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt hàng 6 vấn đề của ngành giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cần được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm

Đầu tiên: Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đặc biệt, tập trung, có những quyết sách, nguồn lực đặc biệt dành cho giáo dục thành phố trong thời điểm này để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo Bộ trưởng Sơn, có những chỉ đạo không theo từng năm, mà nên có sự đầu tư, ưu tiên chỉ đạo từ nay tới năm 2025. “Việc đổi mới giáo dục lần này có thành công hay không, phụ thuộc vào sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương, nếu chỉ riêng Sở Giáo dục và Đào tạo thì không thực hiện được” – Bộ trưởng nói tiếp.

Thứ hai: Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong giáo dục, thực hiện bình đẳng trong hệ thống công và tư, để hệ thống tư đóng góp vai trò hơn nữa trong hệ thống giáo dục.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, đây cũng là một việc mà Thành phố Hồ Chí Minh có thể thí điểm cùng với Bộ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Thứ ba: Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đặt việc quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố với một sự quan tâm thích đáng.

Thứ tư: Cần đặt mục tiêu giảm sĩ số lớp học như là một mục tiêu đột phá cho giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể đặt mục tiêu đến năm nào thì không còn lớp với sĩ số 45 em/lớp.

Thứ năm: Với giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị thành phố quan tâm thêm đến các đơn vị đại học của thành phố, các Bộ ngành khác đặt trên địa bàn thành phố. Lưu tâm hơn đến các công tác Đảng trong các cơ sở giáo dục đại học. Có thể cân nhắc việc có nghị quyết riêng về công tác Đảng trong Đảng ủy trong các trường đại học.

Thứ sáu: Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng nhân tài, phải đặt yêu cầu lớn hơn các tỉnh thành khác, bồi dưỡng từ bậc phổ thông đến bồi dưỡng nhân lực mang tính chiến lược của thành phố. Trong đó thì có thể tính đến mô hình trường năng khiếu, trường đặc biệt. Thành phố vừa quan tâm đến giáo dục đại trà, song cũng cần quan tâm đến giáo dục mũi nhọn, chuẩn bị nhu cầu nhân lực.

Năm 2022, ngành giáo dục xác định là năm củng cố, bồi đắp, hỗ trợ học sinh. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa, để học sinh trong năm học này hạn chế thấp nhất ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần.

Theo Bộ trưởng Sơn, thậm chí phải chấp nhận có thể có một lứa học sinh không bằng năm trước, để làm sao không có việc học sinh ngồi nhầm lớp, giúp các em không bị thiệt thòi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Uy tín của thành phố không thể không có một hệ thống giáo dục chất lượng. Nếu các mặt khác của thành phố đều đứng đầu, mà giáo dục không tương xứng thì ảnh hưởng đến cả quốc gia. Thành phố cần tiếp tục quan tâm, có những quyết sách cho các vấn đề mới nảy sinh trong thời gian tới”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thêm một thách thức nữa đối với thành phố là tăng dân số tự nhiên và phi tự nhiên, đặt ra nhu cầu về chỗ học, nhu cầu học chất lượng cao rất lớn. Điều này sẽ giúp cho nguồn nhân lực trẻ của thành phố luôn bổ sung, song cũng đặt ra các yêu cầu về giáo dục, hướng nghiệp.

Cuối cùng, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, thành phố đang có rất nhiều lợi thế đang có một hạ tầng mà các tỉnh thành khác không có được, bao gồm cả giáo viên, hạ tầng các trường đại học viện nghiên cứu, đặc biệt là hạ tầng số, nhất là các kinh nghiệm về quản trị, xã hội hóa, điều hành giáo dục trong thành phố lớn.

Sẵn sàng tiên phong, thí điểm trong giáo dục

Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ông Nguyễn Văn Nên nói rằng, để tiếp tục thực hiện, phục hồi và phát triển trở lại, thành phố đã đề ra nhiều chỉ tiêu thể hiện rõ quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong phát triển giáo dục và đào tạo.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, trước mắt, thành phố sẽ tập trung vào 4 công việc cần thực hiện. Đó là: Rà soát hệ thống trường lớp, rà soát điều chỉnh quy hoạch hệ thống trường lớp gắn liền với hệ thống giao thông, đô thị phát triển để phù hợp với tình hình.

Trong thẩm quyền của mình, thành phố sẽ ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong các trường trên địa bàn thành phố.

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: P.L)

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: P.L)

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi, thẩm quyền của mình cần ra chính sách phù hợp, giải quyết các khó khăn cho thành phố, nêu rõ phân cấp cái gì. Cải cách phải thuận tiện nhất cho học sinh.

“Những gì thuộc trách nhiệm của thành phố, thành phố sẽ quyết tâm tối đa để thực hiện. Đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy chế phối hợp về công tác Đảng, công tác Công Đoàn” – Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Nên nói tiếp, nếu những gì mới, những gì chưa có quy định rạch ròi về pháp lý thì thành phố sẵn sàng thực hiện tiên phong công tác thí điểm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất.

Việt Dũng