The Wall Street Journal ngày 9/12 bình luận, cuộc luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có thể trở thành một cú đánh vào trật tự chính trị toàn cầu khi chính phủ mới có xu hướng hoài nghi Hoa Kỳ, thân Trung Quốc, xem lại các thỏa thuận tự do thương mại.
Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu quyết định luận tội Tổng thống với 234 phiếu thuận, 56 phiếu chống. Việc loại bỏ bà Park Geun-hye ngay lập tức khỏi quyền lực là bước ngoặt của đất nước Hàn Quốc trong khủng hoảng chính trị lớn với hàng triệu người xuống đường biểu tình.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ảnh: WSJ. |
Bà Park Geun-hye bị các Công tố viên cáo buộc đã để rò rỉ tài liệu mật cho một người bạn thân tống tiền doanh nghiệp. Bà Park Geun-hye đã 3 lần bác bỏ cáo buộc này khi phát biểu trên truyền hình.
Họp nội các sau bỏ phiếu luận tội từ Quốc hội, bà Park Geun-hye nói: "Tôi thực sự xin lỗi người dân Hàn Quốc, đồng bào của tôi, vì sự bất cẩn và thiếu sót của tôi mới dẫn đến tình trạng đất nước hỗn loạn như vậy".
Trong tuần tới, nếu Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vẫn giữ nguyên buộc tội như phe đối lập mong đợi, một cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra 2 tháng sau đó. Bà Park Geun-hye sẽ bị cấm hoạt động chính trị, mất quyền miễn trừ truy tố hình sự.
Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết Tổng thống vô tội, bà Park Geun-hye sẽ vẫn tại vị đến hết nhiệm kỳ vào tháng Hai năm 2018. Bà Park Geun-hye cho biết, bà sẽ chờ đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc với một thái độ bình tĩnh.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, phe đối lập Hàn Quốc hiện nay đang tỏ ra nghi ngờ về liên minh quân sự Hàn - Mỹ, có thể gây nguy hiểm cho chính sách của Washington, ví dụ như việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, tiếp cận mềm dẻo hơn với Bắc Triều Tiên, thân Trung Quốc và phản đối hợp tác chia sẻ tin tức tình báo với Nhật Bản.
Theo The Wall Street Journal, những phản ứng công khai chống lại bà Park Geun-hye đã bắt đầu từ việc xử lý vụ chìm phà gây chết người năm 2014, có hơi hướng "một cuộc nổi dậy" của chủ nghĩa dân túy như ở Mỹ và châu Âu, chống lại các lợi ích chính trị và kinh tế bảo thủ.
Những tiếng nói giận dữ ngày càng lớn chống lại các doanh nghiệp, tập đoàn gia đình trị như Samsung, Hyundai đang chi phối nền kinh tế Hàn Quốc, trong khi ngày càng sử dụng ít lao động địa phương, lại đối mặt với cáo buộc dùng tiền thao túng giới lập pháp để "tham nhũng chính sách".
Đảng Dân chủ Hàn Quốc, lực lượng chính trị chiếm ưu thế nhất hiện nay phản đối mạnh mẽ các thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ.
Người viết cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc hiện nay là một vấn đề nội tại, cũng giống như những thay đổi tại Hoa Kỳ khi ông Trump lên làm Tổng thống, hay tại Liên minh châu Âu khi Anh rời khỏi EU.
Tất nhiên những biến đổi ấy có những tác động và nguyên nhân từ bên trong và bên ngoài, đồng thời tác động ảnh hưởng của nó cũng không chỉ dừng trong phạm vi nội bộ một quốc gia, vùng lãnh thổ, mà ảnh hưởng đến chính trị khu vực, quốc tế.
Trong cuộc khủng hoảng tại Hàn Quốc, chắc chắn sẽ có những tác động từ các siêu cường, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ, hòng sắp đặt lại bàn cờ địa chính trị Đông Bắc Á theo ý họ.
Tác động, ảnh hưởng của nó như thế nào đến cục diện địa chính trị Đông Bắc Á có lẽ cần có thêm thời gian, bởi Trump vẫn chưa bộc lộ chính sách. Nhưng trong thế giới hội nhập, không một quốc gia nào có thể buộc phần còn lại phải thực hiện theo ý đồ của mình, phục vụ lợi ích của riêng quốc gia mình.
Tài liệu tham khảo:
http://www.wsj.com/articles/south-korea-impeachment-is-a-new-political-quake-1481282075