Hiện trường vụ đánh bom thư ở Liễu Châu, Quảng Tây. Ảnh: SCMP. |
South China Morning Post ngày 2/10 bình luận, một loạt các vụ đánh bom thư gây chết người ở Quảng Tây, Trung Quốc tuần này đã cho thấy kẻ đánh bom có thể dễ dàng kiếm được chất nổ trong nước vốn cấm người dân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ. Nó hé lộ một khoảng cách lớn giữa guồng máy an ninh khổng lồ của đất nước với nền kinh tế đang chậm lại, sự tức giận của dân chúng tăng lên trước vấn nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo và các dịch vụ công nghèo nàn, môi trường ô nhiễm.
Trong đất nước mà vũ khí bị cấm với hầu hết mọi người, các vụ đánh bom ở Liễu Châu, Quảng Tây hôm Thứ Tư, Thứ Năm vừa qua cùng những nơi khác trên khắp đất nước này những năm gần đây chứng minh một thực tế rằng, việc kiểm soát vũ khí, vật liệu nổ của lực lượng an ninh Trung Quốc quá lỏng lẻo và nhiều lỗ hổng.
18 vụ nổ liên hoàn ở Liễu Châu phá hủy nhà dân, lật ngược bụng xe hơi và gạch đá văng vung vãi ra đường là hình ảnh thực lan tràn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc. Ít nhất 7 người chết và 50 người bị thương do các vụ nổ này gây ra.
Cảnh sát địa phương đã nhanh chóng cáo buộc một cá nhân họ Vĩ sống trên địa bàn là thủ phạm gây ra các vụ đánh bom thư, nhưng chưa công bố động cơ gây án và phủ nhận rằng những vụ đánh bom có liên quan đến hoạt động khủng bố. Nhưng "sự cố bất ngờ" theo cách gọi của Bắc Kinh làm nổi bật những lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
"Xã hội Trung Quốc hiện đại có rất nhiều mâu thuẫn, và nếu mọi người muốn thể hiện sự bất mãn của họ, họ có thể kiếm chất nổ dễ dàng. Vấn đề đơn giản là cảnh sát không thể theo dõi hết tất cả mọi người", ông Phan Chí Bình, một chuyên gia an ninh Tân Cương từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.
Tháng 9 năm ngoái một tòa án ở tỉnh Vân Nam đã phạt tù 3 năm một người đàn ông sau khi phát hiện ông ta cất giữ 20 kg thuốc nổ, gần 100 kíp nổ tại nhà mình. Người này khai trước tòa rằng ông ta có thể mua vật liệu nổ dễ dàng bằng cách tuyên bố ông cần nó cho công việc của mình trong cả chục năm mà không gặp phải rắc rối nào.
Quảng Tây là nơi có nhiều hầm mỏ thường xuyên phải sử dụng vật liệu nổ, cũng giống như phần còn lại ở trung Quốc, tỉnh này cũng có rất nhiều nhà máy sản xuất pháo hoa. Năm ngoái cảnh sát Liễu Châu cũng bắt giữ 2 cha con "bất mãn với xã hội và muốn trả thù đời" bằng cách đặt vật nổ tự chế ở thùng rác ngoài quảng trường công cộng, làm một phụ nữ bị thương.
Tranh chấp tài sản ở Trung Quốc với các hoạt động cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp cũng thường dẫn đến những cuộc đụng độ, chống trả của nông dân với lực lượng cảnh sát địa phương, chuyện bỏ tù hoặc tự tử vì bất mãn cũng tạo áp lực rất lớn đối với môi trường an ninh xã hội.