Nhiều tai nạn đáng tiếc
Dù thời gian qua trên địa bàn TP.Hà Nội xe tự chế bị kiểm soát gắt gao hơn nhưng xe tự chế vẫn âm thầm hoạt động trên nhiều tuyến đường vắng trong khu vực nội thành.
Ở các huyện ngoại thành, xe tự chế chở hàng hầu như hoạt động khá thoải mái. Hầu hết các xe tự chế hoạt động chở hàng cho các chợ hoặc cho người có nhu cầu thuê. Thịnh hành nhất vẫn là xe ba gác chở thuê hàng hóa, đồ đạc chuyển nhà…
Điểm chung của nhiều xe tự chế ba gác hoạt động trên đường Hà Nội đều gắn mác "thương binh" hoặc "27-7". Nhưng thực tế hầu hết người điều khiển loại xe này đều rất trẻ nên chắc chắn không phải là thương binh.
Dù bị cấm sử dụng nhưng xe tự chế vẫn âm thầm hoạt động trên nhiều tuyến đường vắng trong khu vực nội thành - ảnh nguồn ICTnew. |
Lực lượng này chở thuê bất cứ thứ gì và khi nào được yêu cầu, cũng không ngần ngại thừa nhận họ không phải là thương binh mà chỉ "có quan hệ với thương binh" để tiện bề kiếm sống.
Do đặc điểm nhỏ gọn, những chiếc xe ba gác này có thể dễ dàng len lỏi qua các ngõ ngách trong thành phố nên rất khó khăn để xử lý.
Nhiều người dân tỏ ra xúc khi nói đến loại xe này, bởi những người điều khiển xe thường đi rất ẩu, không quan sát đường sá, thường xuyên lạng lách, đánh võng, leo vỉa lè, vượt đèn đỏ… làm gia tăng hiểm họa tai nạn trên đường phố.
Do là phương tiện tự chế nên điều kiện an toàn khi lưu thông trên đường thấp tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông lớn.
Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TP.Hà Nội), từ đầu năm đến nay có gần 4.700 trường hợp điều khiển phương tiện hàng hóa cồng kềnh trong đó 800 trường hợp xe ba bánh, xe tự chế.
Xe ba gác tự chế vi phạm bị lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội lập biên bản xử lý - ảnh nguồn: Báo Công an nhân dân. |
Chỉ trong 2 ngày từ 23 đến 25/9/2016 trên địa bàn Thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông do người tham gia giao thông va chạm với phương tiện xe thô sơ, xe tự chế. Điều đáng tiếc sau vụ va chạm cả 2 nạn nhân đều tử vong.
Cụ thể, ngày 23/9 xảy ra vụ tai nạn tại trước cửa số nhà 60 phố Tân mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai. Nạn nhân là cháu bé sinh năm 2007 khi đi xe đạp đã đâm vào góc đầu tấm tôn trên xe xích lô, dẫn đến thương tích.
Người dân và gia đình đã đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai nhưng do vết thương ở phần cổ, gây mất máu nhiều, cháu bé đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Vụ tai nạn giao thông tiếp theo liên quan đến xe tự chế xảy ra ngày 25/9 tại địa bàn phường Biên Giang, quận Hà Đông khiến bà Bùi Thị S., 64 tuổi đang đứng ven đường đợi xe khách thì bất ngờ bị xe mô tô do anh Trần Hữu Dân kéo theo sau xe cải tiến, chở cọc tre và tôn đâm vào.
Nạn nhân được nhân dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103, Hà Đông nhưng đã tử vong.
Ngay sau khi các vụ tai nạn giao thông xảy ra, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an quận Hoàng Mai và công an quận Hà Đông phố hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.
Hình ảnh vụ va chạm giao thông giữa xe tự chế và xe máy - ảnh nguồn VTC. |
Đồng thời chỉ đạo Phòng cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tập trung xử lý nghiêm đối với các trường hợp điều khiển phương tiện xe mô tô, xe máy, xe 3-4 bánh tự chế, chở hàng cồng kềnh, kéo đẩy xa khác, vật khác… không đúng quy định.
"Cảnh sát giao thông là lực lượng nòng cốt đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên rất cần sự vào cuộc của các ban ngành, cộng đồng, các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông", Thiếu tá Hùng nhấn mạnh.
Tuyên truyền và xử lý nghiêm
Quy định không cho phép xe tự chế lưu hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2008 cũng bắt đầu từ đó TP. Hà Nội cũng thực hiện kiểm tra xử lý nghiêm người điều khiển xe ba, bốn bánh tự chế tự cải tạo lại xe, không có giấy đăng ký, biển số hoặc biển số không đúng với đăng ký, sử dụng để vận chuyển khách...
Xe tự chế bị cấm lưu thông, tưởng như người dân bớt đi một mối lo ngại mất an toàn giao thông, nhưng dường như chúng ta vẫn loay hoay tìm giải pháp cho xe tự chế. Vẫn có một độ khó khăn nhất định khi xử lý loại xe này.
Phải nhìn nhận một thực tế là tất cả các xe ba gác tự chế đều được dùng để mưu sinh. Hầu hết người dùng xe tự chế chở hàng thuê đều không có điều kiện kinh tế khá giả, do đó không đủ vốn để sắm một chiếc xe tải đàng hoàng. Họ cũng không thể dùng xe máy để chở thuê vì năng suất sẽ rất thấp, thu không đủ bù chi.
Mặt khác, không phải ai cũng lo đủ tiền và có đủ thời gian để đi học lấy bằng lái xe ô tô vì quá trình đó phải mất vài tháng và tốn kém.
Lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội cương quyết xử lý xe tự chế, ba gác - ảnh nguồn Cục Cảnh sát giao thông. |
Qua thực tế cho thấy, chính vì lý do kiếm sống thường được những người vi phạm dựa vào để biện minh cho những việc làm sai trái của mình.
Xe ba gác là loại xe rẻ tiền nhưng rất nguy hiểm cho chính lái xe và những người khác, vì vậy không thể vì mưu sinh cho bản thân mà gây nguy hại cho người khác. Chính vì vậy, cần xử lý thật nghiêm những đối tượng lái xe ba gác vi phạm luật giao thông, gây tai nạn.
Tháng 2/2016, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia có công điện chỉ đạo các Bộ liên quan lên kế hoạch xử lý nghiêm những xe 3 bánh tự chế, gây nguy hiểm cho người dân,
Cụ thể, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục công bố rộng rãi danh sách phương tiện cơ giới đường bộ hết niên hết hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm; yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trong cả nước tích cực phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông địa phương trong công tác kiểm soát, thực hiện thủ tục ngừng hoạt động phương tiện hết niên hạn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định pháp luật. Tiến hành điều tra, đánh giá, tổng hợp, thống kê số lượng phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là các phương tiện thủy chở khách.
Về phía Bộ Công an phải chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xe 3 bánh tự chế, phương tiện cơ giới đường bộ hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng, các phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, đặc biệt là các loại xe 3-4 bánh gắn động cơ điện;
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đăng ký và gắn biển kiểm soát đối với xe máy điện, mô tô điện trước ngày 01/7/2016. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng chuyên đề kết hợp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại chỗ cho người dân.
Ngoài ra, một số Bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Hải quan tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong nhập khẩu các loại phương tiện gắn động cơ điện.
Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh phương tiện cơ giới đường bộ nói chung và các phương tiện gắn động cơ điện trên địa bàn cả nước.
Xe tự chế chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm trên đường. |
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về các nguy cơ tai nạn giao thông khi sử dụng xe 3 bánh tự chế; phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng hoặc hết hạn đăng kiểm tham gia giao thông, các phương tiện chở khách đường thuỷ không được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; khuyến cáo người dân không mua, bán và sử dụng phương tiện gắn động cơ điện chưa làm thủ tục kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Bộ Giáo dục và đào tạo có văn bản chỉ đạo các trường Đại học, trung học phổ thông, trung học cơ sở tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định pháp luật; không đi xe máy điện, mô tô điện chưa gắn biển số.
Riêng với Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia yêu cầu phải chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương tiến hành thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sử dụng xe ba bánh tự chế, các phương tiện hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng theo danh sách do Cục Đăng kiểm cung cấp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đăng ký biển số đối với xe máy điện, mô tô điện; đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy nội địa theo đúng quy định của pháp luật; khuyến cáo người dân không mua, bán và sử dụng xe 3 bánh tự chế, phương tiện gắn động cơ điện chưa làm thủ tục kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.