Nhân loại đang sống trong những năm cuối thập niên thứ hai, thế kỷ 21, trong thời đại toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khác với quá trình toàn cầu hóa trước đây, toàn cầu hóa ngày nay dựa trên cuộc cách mạng khoa học hiện đại, đặc biệt là có vai trò của công nghệ thông tin.
Nếu như trước đây người ta chỉ có thể nhận được thông tin từ hệ thống tuyến tính thì ngày nay, với sự phát triển của internet, mạng xã hội, con người có thể tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.
Qua các công cụ lưu trữ, tìm kiếm dữ liệu, như: Google, Yahoo, mạng xã hội lớn như facebook, YouTube… con người có thể tiếp cận thông tin hoàn toàn chủ động, có lựa chọn…
Điều này làm cho thế giới ngày càng “thu nhỏ” và trở thành “thế giới phẳng” (theo Thomas L.Friedman).
Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam |
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các chế độ xã hội, nhà nước dân tộc vẫn không mất đi mà còn được khẳng định, duy trì sự tồn tại của mình một cách vững chắc hơn.
Trong thời đại ngày nay, các giá trị dân chủ và quyền con người được chia sẻ giữa các quốc gia, dân tộc thông qua cơ chế gia nhập, ký kết các công ước của Liên hợp quốc.
Thế nhưng một số kẻ kỳ thị với chế độ xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo vẫn cố tình lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, bôi nhọ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Gần đây, nhất là từ khi Quốc hội Việt Nam xem xét, thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và thảo luận, thông qua Luật An ninh mạng... trước đó là những vụ án xét xử một số kẻ lợi dụng tự do báo chí, internet… vi phạm pháp luật, các thế lực thù địch trong và ngoài nước ráo riết tuyên truyền rằng Việt Nam vi phạm dân chủ và quyền con người.
“Chứng cứ” mà họ đưa ra thường là “pháp luật Việt Nam lạc hậu”, nhiều điều luật của Việt Nam vi phạm chuẩn mực quyền con người.
Chẳng hạn, Điều 258 (Bộ Luật Hình sự 2015 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”(1).
Có kẻ còn nói: “Pháp luật Việt Nam vi phạm chuẩn mực pháp luật quốc tế về quyền con người”, “lạc hậu” so với pháp luật các nước...
Ảnh minh họa. TTXVN. |
Vậy chế độ dân chủ và quyền con người là gì? Trên thế giới có mô hình “chuẩn” về dân chủ và quyền con người không?
Và vì sao có thể khẳng định không thể có một nền dân chủ “hòa tan” ở Việt Nam?
Chế độ dân chủ là gì?
Chế độ dân chủ là một giá trị xã hội được hình thành từ khi xuất hiện giai cấp và nhà nước.
Chế độ dân chủ sở dĩ được xem là một giá trị xã hội vì ở đó nhà nước ra đời với sự thừa nhận của một bộ phận dân cư dưới một hình thức nào đó.
Mở đầu của chế độ dân chủ là chế độ nô lệ. Trong chế độ nô lệ chỉ có người dân tự do và giới chủ nô mới có quyền tham gia vào việc định ra bộ máy cầm quyền, còn người nô lệ chỉ như các “công cụ lao động biết nói”.
Trải qua nhiều hình thái kinh tế, xã hội, chế độ dân chủ đã có những bước phát triển nhất định, quyền của người dân được mở rộng dần.
Các cuộc cách mạng dân chủ tư sản tuyên bố quyền bình đẳng đối với tất cả mọi người.
Nền dân chủ ở các quốc gia tư bản chủ nghĩa là một bước tiến lớn của lịch sử nhân loại.
Hiến pháp của các nhà nước tư bản chủ nghĩa tuyên bố tôn trọng, bảo đảm các quyền về tinh thần và vật chất của tất cả mọi người, nói cách khác là bảo vệ các quyền con người.
Hai bản tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích lại trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 là dấu mốc quan trọng thể hiện chế độ dân chủ và quyền con người trong xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Tuy nhiên, xem xét trong nội bộ mỗi quốc gia, chế độ dân chủ và quyền con người ở các nước tư bản chủ nghĩa vẫn hạn hẹp do tình trạng bất bình đẳng về chế độ sở hữu, về sự phân hóa giàu-nghèo và về sự kỳ thị chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo...
Thực tế cho thấy, hiện nay, các cuộc bầu cử ở nhiều nước phát triển, số cử tri đi bầu cử thường thấp.
Cuộc bầu cử gần đây nhất của Hoa Kỳ (2016) chỉ “ở mức dưới 70%. Số cử tri tham gia bầu vào những năm 1980 còn thấp hơn, dao động từ 48% đến 57%”(2).
Mặt khác, sự phân biệt chủng tộc đang tác động đến nhiều mặt của cuộc sống.
Hoa Kỳ có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều quốc gia nhưng vẫn còn không ít người nghèo (theo tiêu chuẩn quốc gia).
Điều đáng nói là sự phân hóa giàu-nghèo lại gắn với tình trạng phân biệt chủng tộc.
Theo một thống kê (vào năm 2014), “tỷ lệ người nghèo của dân da đen là 26%, so với dân gốc người Tây Ban Nha (Hispanics) là 24%, dân Á châu 12% và dân da trắng là 10%”(3).
Xem xét trên phạm vi thế giới thì chủ nghĩa tư bản, bao gồm cả sản phẩm của chế độ đó là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc đã đi ngược lại các giá trị dân chủ và quyền con người.
Các quốc gia thuộc địa (của chủ nghĩa tư bản) là những chế độ áp bức, bóc lột, độc tài hà khắc.
Bởi vì đó là sự câu kết giữa các quan cai trị thực dân với quan lại phong kiến.
Sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam hơn 80 năm (từ năm 1858 đến 1945) là một ví dụ.
Dân tộc Việt Nam không bao giờ quên được nạn đói khủng khiếp xảy ra vào năm 1945.
Chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên.
“Nạn đói đã diễn ra ở 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra.
Nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông, có nhiều ruộng, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa.
Nhiều làng xã chết 50% đến 80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai…”(4).
Ở Việt Nam, đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội.
Lần đầu tiên chế độ dân chủ với các quyền công dân và quyền con người không những được tuyên bố mà còn được bảo đảm về mặt pháp luật, cũng như trong cuộc sống.
Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và bản Hiến pháp 1946 đã ghi nhận điều này.
Trên thế giới không có mô hình “chuẩn” về dân chủ và quyền con người
Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại nhiều mô hình về chế độ dân chủ với những tên gọi khác nhau, như: Cộng hòa dân chủ nhân dân; chế độ cộng hòa; chế độ cộng hòa nhân dân.
Ngoài một số ít quốc gia vẫn theo chế độ quân chủ, các nhà nước có chế độ nghị viện; cộng hòa đại nghị... đều là những chế độ dân chủ tư bản chủ nghĩa.
Trong những nước dân chủ này lại có nhiều mô hình dân chủ khác nhau; chẳng hạn: Chế độ dân chủ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; chế độ dân chủ một đảng cầm quyền…
Tương tự như chế độ dân chủ, quyền con người ở các quốc gia cũng không giống nhau, cho dù những quy định pháp luật ở đó đều mang những giá trị phổ biến.
Trong tính hiện thực của nó, quyền con người là các quy định của pháp luật (quốc gia) nhằm tôn trọng, bảo vệ những nhu cầu, lợi ích về vật chất và tinh thần của tất cả mọi người không phân biệt già-trẻ, gái-trai, dân tộc, quốc tịch, vị thế chính trị, tài sản và những vị thế khác…
Trong mỗi chế độ xã hội nói chung, chế độ dân chủ nói riêng, đều có những quy định về quyền công dân và quyền con người khác nhau.
Điều này bắt nguồn từ sự khác biệt về truyền thống lịch sử, bản chất chính trị và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Ví dụ, ở nhiều quốc gia phương Tây, quyền tự do ngôn luận không loại trừ việc xúc phạm niềm tin tôn giáo.
Chẳng hạn, vụ xả súng ngày 7/1/2015 tại tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) khiến 12 người thiệt mạng.
Thủ phạm là những người theo đạo Hồi.
Họ phẫn nộ vì tạp chí này đăng tải bức biếm họa xúc phạm thánh A-la. Hoặc ở Hoa Kỳ thì người dân có quyền sở hữu và sử dụng súng.
Gần đây, người dân ở quốc gia này còn có cả “quyền” được sử dụng máy in 3D tự sản xuất súng (tại gia đình)(5).
Như vậy có thể nói, trên thế giới hoàn toàn không có mô hình dân chủ, quyền con người “chuẩn” nào cả.
Các chế độ dân chủ đều do các cơ quan lập pháp quốc gia quyết định.
Thường thì những đảng chính trị chiếm đa số trong các cơ quan quyền lực chi phối các tiêu chí, cơ chế, chính sách, pháp luật của chế độ dân chủ và quyền con người ở đó.
Ở Hoa Kỳ thì hai đảng-đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền.
Ở Trung Quốc tuy có nhiều đảng chính trị nhưng các đảng đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bởi vậy, việc người ta lấy một mô hình chế độ dân chủ nào đó, chẳng hạn như mô hình dân chủ Hoa Kỳ với chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” và thể chế “tam quyền phân lập” làm “chuẩn” để phủ nhận chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền là một cách nhìn hạn hẹp, nếu không nói là vì động cơ chính trị, muốn xóa bỏ chế độ hiện hữu và thành quả cách mạng hơn 70 năm của dân tộc Việt Nam.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử, bản chất chính trị và từ những quy định về pháp lý.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam minh chứng: Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ra đời sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945-cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Chế độ xã hội và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã phải chống chọi với các thế lực xâm lược hùng hậu trong các cuộc kháng chiến anh dũng bảo vệ Tổ quốc kéo dài hơn 30 năm (1945-1975) với không biết bao nhiêu hy sinh xương máu của đồng bào và chiến sĩ.
Đó là thành quả đấu tranh của cả dân tộc, là nguyện vọng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với thực tiễn nêu trên, khẳng định không thể có một nền dân chủ “hòa tan” ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
(1)- Điều 258, Luật Hình sự 2015 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
(2)- “Tại sao tỷ lệ cử tri đi bầu cử tại Mỹ lại thấp?”, BBC News ngày 31/10/2016.
(3) -“Tại sao chưa thể chấm dứt tình trạng nghèo khổ tại Hoa Kỳ?”-VOA ngày 21/9/2016
(4)- "Nạn đói lịch sử năm Ất Dậu", VnExpress, ngày 12/1/2015.
(5)- Mỹ: “Nhiều bang kiện chính quyền liên bang cho phép sản xuất súng in 3D”, VietnamPlus ngày 31/7/2018.