Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn xin lỗi du khách nước ngoài. |
Khách đến nhà phải đem nụ cười và sự chân tình ra mà tiếp đãi, đằng này, lại có đưa con hư giở trò "cướp cạn" giữa ban ngày làm xấu hổ gia phong. “Con dại, cái mang”, ông Tổng cục trưởng phải thân chinh giải quyết một việc tưởng con con nhưng lại là danh dự quốc gia, là hình ảnh của ngành du lịch cũng là phải lẽ. Thế nhưng, dư luận băn khoăn, tại sao sau lời xin lỗi lại không phải là lời xin hứa? Tại sao ông Tổng cục trưởng không dám nói dứt khoát chính quyền và ngành du lịch sẽ bảo đảm không để những chuyện “bất bằng” như thế xảy ra? Lời xin lỗi hiếm hoi không biết có đủ làm du khách ngoại dịu lòng, chỉ biết những người quan tâm đến du lịch Việt Nam chưa thể yên lòng. Chuyện bắt chẹt khách, cả trong và ngoài nước vẫn là chuyện không xa lạ của các điểm du lịch ở ta. Chưa xa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải phát động cả một chiến dịch để ngăn chặn nạn chặt chém ở các quán cơm, khiến du khách sởn da gà vì mất cả chục triệu cho một bữa ăn bình dân quên mặc cả. Rồi Bãi Cháy (Hạ Long) Sầm Sơn (Thanh Hoá) bao năm nay du lịch vẫn mang tiếng bóc ngắn cắn dài, nâng giá vô tội vạ, đến nỗi Bãi Cháy còn man g hỗn danh “bãi chém”… Ngay ở Hà Nội, sau lời xin lỗi của ông tổng cục trưởng đã lại thêm chuyện mấy du khách Pháp bị nhân viên khách sạn “bắt bí” tiền phòng, rồi thêm một lái xe taxi bị phát giác thu của khách cả triệu bạc cho vẻn vẹn 7 km (!). Có ý kiến cho rằng phải cảm thông với ngành du lịch không đủ quyền năng để bao trọn công việc vốn liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Sản phẩm của du lịch không phải chỉ là biển xanh, cát trắng, là lễ hội dàn dựng hay văn hoá nguyên sơ, nguyên bản mà là nụ cười, là sự chân tình, tận tâm, thân thiện. Cái vui phải từ trong lòng mà ra, nụ cười chân thành không phải là nụ cười gượng mà phải với ý thức sâu sắc mỗi người dân là đại sứ của đất nước, hình ảnh quốc gia phải được đề cao. Thế nhưng, khi địa phương nào cũng khao khát nguồn thumà trình độ quản lý và phong cách làm việc chưa chuyên nghiệp thì chuyện không hay cũng là khó tránh. Nhiều nhà hàng bị áp mức khoán quá cao, trong khi thời tiết hạn chế, miền Bắc chỉ có mùa hè để khai thác, dẫn đến tâm lý chụp giựt khó kiểm soát. Thế nhưng, ngành du lịch với tư cách là tham mưu trưởng vẫn phải là đầu mối chính chịu trách nhiệm về tất cả những việc vừa nêu. Đề xuất phương án xử lý, luật hoá mức phạt nghiêm với các hành vi xấu trong du lịch là việc không quá khó. Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan có trách nhiệm, cụ thể là công an, thuế, quản lý thị trường, lập đường dây nóng xử lý ngay các tiêu cực phát sinh cũng là chuyện trong tầm tay. Tổ chức các chiến dịch truyền thông hữu hiệu, thiết thực nâng cao vị thế Việt Nam, du lịch Việt Nam, bắt đầu từ ý thức người làm du lịch cũng là chuyện không quá phức tạp. Thậm chí với vị thế của ngành du lịch, đề xuất chính phủ có hình thức phê bình, kỉ luật các địa phương để xảy ra nạn chặt chém du khách như xử lý các tỉnh thành nhiều tai nạn giao thông cũng là việc hoàn toàn có thể… Những công việc ấy hình như đâu đó có triển khai song chưa thành chiến lược tổng thể để du lịch Việt Nam thay đổi hình ảnh của mình. Loay hoay chọn đại sứ du lịch, tổ chức các chiến dịch quảng bá tốn kém ở nước ngoài liệu có đúng hướng và hiệu quả khi ngay “nội tại” còn bao vấn đề cần giải quyết tận gốc và rốt ráo mà ngành du lịch chưa đủ nguồn lực và thời gian để bận tâm? Mong rằng sau việc ông Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà tự nhận kỷ luật trước Chính phủ vì để xảy ra nhiều tai nạn giao thông trên địa bàn và lời xin lỗi của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch sẽ là lời xin hứa trước dân. Và đã hứa là phải làm đến nơi đến chốn. Tất nhiên câu tình trạng vòng quanh xin lỗi – xin hứa rồi (có thể) lại xin lỗi không phải chỉ là chuyện riêng của ngành du lịch. Song vị thế đất nước khiến ngành du lịch cần nêu gương giải quyết tận gốc vấn đề chứ không phải mang gương mặt rầu rầu “con dại cái mang”, cầu cạnh du khách rộng lòng tha thứ mãi…
Mời những du khách đã từng bị chặt chém, mời quý độc giả BẤM VÀO ĐÂY để bình luận, phản hồi, đóng góp ý kiến về nạn chặt chém ở Việt Nam.
TS Đỗ Chí Nghĩa