Không chỉ nông - hải sản, gần đây thương lái Trung Quốc còn đẩy mạnh thu mua nhiều loại thảo dược tại Việt Nam, tạo ra cơn sốt săn lùng khiến nhiều khu rừng tan hoang
Những khu rừng từ Tây Nguyên đến Nghệ An thời gian gần đây, không yên ả bởi người dân đổ xô vào tìm kiếm các loại cây cỏ dược liệu quý để bán sang Trung Quốc.
Người dân sơ chế cây máu chó để bán sang Trung Quốc. Ảnh: Hải Vũ |
Rừng xanh “chảy máu”
Trước đây, người dân hai huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông - Kon Tum thường vào rừng sục sạo tìm nấm chân voi, linh chi cổ… Hiện những khu rừng Đông Trường Sơn hầu như đã vắng bóng 2 loại dược liệu này. Gần đây, thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua cây kim cương (còn gọi là lá nhung, lan gấm, thạch tằm; có thể chữa lao phổi, khô phổi, ho, thần kinh suy nhược…). Vậy là hàng ngàn người lại đổ xô lên rừng tìm kiếm.
Cây kim cương thường mọc ở khu rừng nguyên sinh trên núi Ngọc Linh hiểm trở, nhiều rắn độc, hay bị lũ quét… nhưng vì cái lợi trước mắt, nhiều người vẫn bất chấp. Ông A Phong, ngụ xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, một người tìm cây kim cương đã 3 tháng nay, thú thật: “Mình không biết nó có công dụng gì nhưng thấy nhiều người tới tận làng hỏi mua nên cứ lên rừng tìm về bán. Trung bình mỗi ngày, mình tìm được gần 1 kg cây kim cương tươi, bán được 350.000 - 450.000 đồng”.
Bà Nguyễn Thị Tâm, một người thu mua cây kim cương tại xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, cho biết rất nhiều người ở TP Kon Tum và Quảng Nam đến hỏi mua loại thảo dược này. “Tôi không phải là dân buôn chuyên nghiệp nhưng thấy nhiều người hỏi mua quá nên gom của người dân trong vùng bán lại kiếm lời, mỗi ký được gần 100.000 đồng. Đầu nậu dặn cứ để rễ dính bùn đất cũng được, thương lái Trung Quốc mua tuốt, miễn là gom càng nhanh, nhiều thảo dược càng tốt”.
Trong khi cây kim cương vẫn đang bị tận diệt thì giữa năm 2011 đến nay, tại Tây Nguyên lại rộ lên cơn sốt săn cây cốt toái (còn gọi là y bét; có khả năng chữa tê liệt, phong thấp, bong gân, giải độc, đau lưng, nhức mỏi…) về bán cho thương lái Trung Quốc khiến những cánh rừng xanh ngày càng “chảy máu”. Ông A Lời, ngụ xã Măng Cành, huyện Kon Plông, cho biết: “Loài cây này mọc trên vách đá hoặc cành cây cao. Khi gặp phải cây rừng lớn, không trèo lên được, người ta phải hạ cây xuống để lấy cốt toái”.
Xã Măng Cành có 2 đại lý chuyên thu gom cây cốt toái. Trong vai một thương lái tìm mua loại thảo dược này, chúng tôi tìm đến đại lý của ông A Thanh. Ông niềm nở: “Mình vừa xuất 15 tấn sang Trung Quốc với giá 7.500 đồng/kg. Hiện trong kho còn 8 tấn, mấy cậu mua nhiều thì khoảng một tuần nữa quay lại. Nếu tính mua thì đặt cọc đi vì vài ngày nữa sẽ có người tới lấy, hàng này không ế đâu”.
Rừng đặc dụng kêu cứu
Tại Nghệ An, Quốc lộ 7 đoạn từ huyện Anh Sơn lên huyện Tương Dương thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều điểm phơi, chế biến cây máu chó (có tác dụng cầm máu, liền vết thương, chữa các bệnh đường ruột). Loại cây này sau khi sơ chế liền được đầu nậu thu gom bán cho thương lái Trung Quốc với giá 20.000 – 35.000 đồng/kg.
Việc thu mua cây máu chó diễn ra ồ ạt vài tháng qua. Các điểm thu mua mọc lên như nấm ở nhiều thị trấn, thị tứ tại các huyện miền núi Nghệ An như Anh Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong... Đầu nậu còn cho người vào tận các bản, làng gom hàng. Hiện điểm thu mua quy mô nhất tại Nghệ An là cơ sở của bà Gấm tại thị trấn Con Cuông, mỗi ngày mua bán 15 – 20 tấn cây máu chó. Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát – Nghệ An, lo ngại: “Tình trạng khai thác cây máu chó diễn ra ồ ạt vài tháng trở lại đây. Không biết thương lái Trung Quốc mua để làm gì mà thu gom nhiều vậy?”.
Cây máu chó mọc khắp nơi trong rừng Nghệ An nhưng chỉ loại lớn, mọc trong rừng tự nhiên mới có giá trị. Ngoài việc thu mua cây máu chó, các thảo dược khác như: hoằng đằng, quả bo bo, củ thiên niên kiện, hạt sa nhân… cũng được các đầu nậu tại Nghệ An thu gom bán cho thương lái Trung Quốc. Việc người dân đổ xô tìm thảo dược khiến nhiều khu rừng đặc dụng, vườn quốc gia ở Nghệ An bị cày xới không thương tiếc.
Bỏ ruộng nương, trường lớp
Không ít người lên rừng tìm thảo dược đã bị rắn độc cắn hay nước lũ cuốn trôi. Vụ chị em Y Linh - Y Liang ở xã Măng Cành, huyện Kon Plông đi tìm thảo dược dọc sông Nước Lô bị lũ cuốn trôi cách đây không lâu vẫn không làm người ta chùn chân. Có thời điểm, nhiều người dân Kon Tum bỏ bê ruộng nương, học sinh nghỉ học để vào rừng tìm thảo dược. Chính quyền địa phương và nhà trường tìm mọi biện pháp thuyết phục người dân ở nhà sản xuất, huy động học sinh đến lớp vẫn không hiệu quả.
Già làng A Brê của làng Kon Kum, xã Măng Cành, lo lắng: “Lũ trẻ làng này đi tìm thảo dược nhiều lắm. Lo nhất là chúng ham tiền, đi hoài phải bỏ học”. Bà Y Buông, ngụ xã Măng Cành, rầu rĩ: “Bọn trẻ ào ạt vào rừng tìm cây y bét bán kiếm tiền, không bao lâu nữa loại cây này sẽ hết. Không biết sau này mình nhức cái chân, đau cái bụng thì kiếm cây y bét ở đâu mà chữa trị?”…
Không thể phủ nhận là đi tìm thảo dược dễ kiếm tiền hơn hẳn công việc nương rẫy, đồng áng. Chị May, ngụ xã Chi Khê, huyện Con Cuông - Nghệ An, giải thích: “Ở nhà làm nương không đủ ăn, gần đây thấy nhiều người rủ nhau vào rừng chặt cây máu chó, tìm hạt sa nhân về bán kiếm được rất nhiều tiền nên mình cũng đi theo. Mỗi ngày vào rừng kiếm được cả trăm ngàn đồng, vừa khỏe lại vừa không sợ bị kiểm lâm bắt như đi khai thác gỗ lậu”.
Nhiều thảo dược có nguy cơ biến mất
Việc người dân đổ xô tìm kiếm thảo dược khiến nhiều cánh rừng bị xâm hại, một số loại cây dược liệu quý đang đối diện với nguy cơ bị biến mất.
Bà Y Lang, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông - Kon Tum, cho biết trước tình trạng người dân đổ xô vào rừng tìm cây kim cương, cốt toái, UBND huyện đã chỉ đạo cấm tư thương thu gom; đồng thời đề nghị Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh nghiên cứu, duy trì sự phát triển các loài thảo dược này.
Theo ông Trần Xuân Cường, tình trạng người dân đổ xô tìm cây máu chó nói riêng và thảo dược nói chung ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn của Vườn Quốc gia Pù Mát. Ông Trịnh Thanh Long, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống - Nghệ An, lo ngại: “Người dân lùng sục thảo dược ở các cánh rừng ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu bảo tồn. Theo tôi, để hạn chế tình trạng này, cần có hình thức xử lý việc thu gom thảo dược của đầu nậu”.
{iarelatednews articleid='10868,10660,10608,10471,10368,10048,9858,9823,9820,9761,9713,9733,8256,8172,7953,7746,7560,7436'}
Theo Cao Nguyên - Trà Khúc - Hải Vũ/Người lao động