Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về cái xã hội thu nhỏ trong sòng bài, UB khuyên: "Khó lột tả hết cái thế giới u tối nhưng đầy ánh đèn màu trong casino. Muốn biết và hiểu tường tận, anh phải sống trong đó. Nói thật, từ trước tới giờ, em đọc nhiều bài báo kể về các casino bên kia biên giới. Những bài báo đó viết không sai nhưng do thiếu am hiểu nên có những chi tiết rất ngây ngô. Nếu anh muốn, em sẽ đưa anh vào thế giới đó. Nhưng em nói trước, mạng sống con người khu vực biên giới bên Campuchia rẻ lắm. Nếu để bọn giang hồ phát hiện anh là nhà báo thì tèo ráng chịu à nghen".
U.B. giải thích, "tèo" có nghĩa là bị đánh đập, bị bỏ tù, bị lôi ra cánh đồng vắng ở Svayrieng lột truồng rồi thả cho đi bộ về Việt Nam hoặc đẩy xuống sông… Tóm lại là có hàng tá cách hành hạ kiểu “thập điện diêm vương”. Để có cái nhìn đa chiều, chúng tôi quyết xâm nhập vào giới "ông cố nội thằng bần" ở sòng bài.
Xuất khẩu xin việc làm
Một "lưu linh" đang giới thiệu cách chơi bài |
Chúng tôi cầm passport bám sát chân U.B. đi thẳng vào trạm biên phòng làm thủ tục xuất biên mà không tốn một đồng. Rời trạm Việt Nam, chúng tôi bước vào khu vực đường biên. Đó là khoảng trống 500 mét giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Vừa kết thúc đường biên, chúng tôi đến trình passport tại trạm cảnh sát biên phòng Campuchia. Lần xuất trình giấy này, U.B. bảo mỗi người phải kẹp 10.000 đồng Việt Nam (VND) vào passport. U.B. bảo, đó là "tiền lót đường".
Theo luật Campuchia, người nhập biên không tốn phí. Người nhập biên có quyền kiên quyết từ chối nộp khoản tiền 10.000 VND này nhưng ngay sau đó, sẽ nhận được nhiều rắc rối tiềm ẩn. Chưa ai từng dám từ chối khoản tiền này nên chưa biết cụ thể bị rắc rối điều gì. Những khoản rắc rối tiềm ẩn này cũng giống như ma. Ma là thứ vô hình, không có thật nhưng ai cũng sợ. Ở Việt Nam, tôi là người cứng rắn từ chối những khoản phí không tên gọi nhưng đây là đất nước bạn, nhập gia phải tùy tục thôi.
Viên cảnh sát liếc nhìn bức ảnh trong passport nhanh hơn 1 giây rồi khoắng ngay tờ 10.000 VND nhét vào túi áo một cách rất… tự nhiên.
Chúng tôi vừa qua khỏi trạm đầu tiên, một toán khoảng 20 người đàn ông Khmer ăn mặc nhếch nhác, lao nhao gọi bằng tiếng Việt rất sõi: "Đi sòng bài nào?". U.B. trả lời dứt khoát: "Lasvergas!". Một chiếc xe tuk tuk lạng ngay đến trước mặt chúng tôi. Gã tài xế chở chúng tôi miễn phí đến một trạm cách đó khoảng 500 mét. U.B. gộp chung 3 passport bước vào trạm đóng dấu. Một chiếc xe 15 chỗ ngồi có in chữ Lasvergas bên hông xuất hiện. Gã tài xế hất mặt chào U.B. theo kiểu "người quen biết". Cả 3 chúng tôi lên xe. U.B. bảo mỗi người kẹp 20.000 VND vào passport đưa cho người tài xế. Xe chạy khoảng 500 mét nữa, tấp vào một trạm gác. Người tài xế xuống xe nộp passport có kẹp tiền cho một người mặc sắc phục cảnh sát ngồi trong bốt gác.
U.B. bảo: "Vì mình vào sòng bài nên họ tạm giữ passport. Khi nào mình ra, sẽ có xe chở miễn phí đến đây nhận lại. Khi nhận lại phải tốn thêm 25.000 VND nữa. Nếu mình không vào sòng bài mà vào sâu đất nước Campuchia thì nộp luôn 45.000 VND rồi lấy passport". Đó là trạm cuối cùng của thủ tục nhập cảnh Campuchia. Xe chạy thêm khoảng 500 mét nữa rồi tấp vào ngay trước cửa sòng bài Lasvergas. Nhìn vẻ ngoài, nó giống một khách sạn 4 sao trầm lắng.
UB cho biết, nếu không thích vào, chúng tôi có thể đứng ngay đó, chờ xe của các sòng khác đến đón miễn phí. Mỗi sòng có ít nhất 10 xe đưa đón khách. Toàn cụm casino Bavet này có hơn 100 xe chạy liên tục. Khách muốn đi sòng nào chỉ việc chờ xe của sòng đó đến đón. Trung bình mỗi phút có 1 xe ra vào. Dù chỉ có 1 khách, xe cũng phải đưa đi.
Theo thỏa thuận, U.B. sẽ gửi chúng tôi vào làm "lưu linh" cho một chủ sổ.
U.B. bảo chúng tôi đứng chờ rồi bước vào sòng bài. Lát sau, cô trở ra với một người phụ nữ trạc 40 tuổi. Đó là bà Ph. - một chủ sổ có 5 năm thâm niên tại sòng Lasvergas. U.B. giới thiệu chúng tôi là cặp vợ chồng thất nghiệp ở Việt Nam muốn xin vào làm “lưu linh”. Ph. giữ khư khư cái túi xách trước ngực, trả lời gọn: "Đủ người rồi". U.B. chưa kịp nói thêm lời nào, bà Ph. đã biến mất sau cánh cửa. Chúng tôi tiếp tục đến vài sòng khác. U.B. có vẻ quen với hầu hết các chủ sổ ở đây.
Sau khi đưa chúng tôi đến gặp vài chủ sổ khác, U.B. bất lực bảo: "Không còn cửa nào xin việc. Thôi anh chị đành làm cái bang thôi". Và chúng tôi nhập vai cái bang sòng bài suốt một tuần lễ.
Cửa khẩu Bavet (Campuchia) đối diện cửa khẩu Mộc Bài cũng là cửa ngõ vào cụm sòng bài
Những đại ca “áo đen” trong sòng bài
Để chúng tôi nắm bắt được nhịp thở trong thế giới sòng bài trước khi nhập vào giới cái bang, U.B. đưa chúng tôi đi tham quan từng casino. Cô hướng dẫn chúng tôi một vài thủ thuật nhỏ lẻ để biến thành cái bang thực thụ. Suốt một tuần làm cái bang, chúng tôi vỡ lẽ nhiều điều.
Trong thế giới casino K. có 2 loại người tồn tại song song với nhau tạo thành một thế giới riêng khác biệt với xã hội bên ngoài. Một loại người thuộc về nhóm chủ casino, bao gồm: người đầu tư, nhân viên điều hành, vận hành và quản lý sòng bài. Để vận hành một casino, người đầu tư chia nhiều hạng mục để cắt cử nhân viên làm việc. Nhưng "xã hội" nhất là lực lượng trực tiếp giao tiếp với khách chơi bài gồm: "Áo đen"; "Săn sóc"; "Phi a"; "Đì Lơ"; "Ca Si"; "Bảo vệ".
Một loại người khác sống ký sinh vào sòng bài gồm: chủ sổ, chủ vay, "lưu linh", "cái bang".
Khách đánh bài là "thượng đế", là nguồn thu nhập chính của casino nên không ngồi chung chiếu với 2 loại người trên.
Người đầu tư casino thường là các tay trùm giang hồ ở đâu đó, tựu về đây dùng tiền bẩn, đầu tư sòng bài để rửa tiền. Vì vậy, chủ casino còn được gọi là ông trùm sòng bài.
"Áo đen" là những nhân viên quản lý chuyên mặc áo vest màu đen có bộ dạng giống như ông chủ, chỉ chắp tay đằng sau đi lại quan sát nhắc nhở nhân viên. Thật ra, đó là lực lượng giang hồ đích thực cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Những tay "áo đen" này ít nhiều đều có số má được chủ casino tuyển chọn làm đệ tử trung thành. Nếu ông chủ casino là vua trong sòng thì những tay "áo đen" là thừa tướng. Quyền lực của "áo đen" còn cao hơn cả giám đốc sòng - chỉ là người làm công ăn lương. Mỗi casino có một "bộ luật" riêng và "áo đen" là người đề ra thứ luật đó. Không nói ra nhưng ai cũng biết, luật pháp Campuchia đều được bỏ lại ngoài cửa sòng bài. Khi đã đặt chân vào sòng thì mọi người phải tuân thủ luật của sòng một cách nghiêm chỉnh.
Có không ít "áo đen" xuất thân từ những "lò đào tạo giang hồ" mang thương hiệu Macau, Hong Kong, Sài Gòn và Hải Phòng. Sau khi băng nhóm Năm Cam bị đập tan tại Việt Nam, một số đệ tử của ông ta đã lánh sang đây làm dân "áo đen".
Trùm sòng Le Macau (phải) đang nghe "áo đen" (trái) báo cáo tình hình
Những người sống bám casino K. nhiều lần chứng kiến những cuộc ra tay kinh hoàng giữa "áo đen" sòng này với "áo đen" sòng khác. Ấn tượng nhất có lẽ là cuộc chạm trán khét mùi thuốc súng ở sòng Darling cách nay 10 tháng. Đó là đêm 2/12/2011.
Sáng hôm sau, một "áo đen" của sòng Darling là C. "nghiện" xách dao xông vào sòng Winn quậy phá khiến khách đánh bài chạy tán loạn. C. "nghiện" là một đệ tử cũ của Dung Hà (Dung Hà là đại tỉ giang hồ Hải Phòng bị đàn em của Năm Cam bắn chết tại Sài Gòn). Sau khi vào TP HCM, C. "nghiện" được Năm Cam trọng dụng, giao quản lý một số sòng bạc tại quận 8, 9 và Tân Bình. Khi băng nhóm tội phạm Năm Cam bị triệt phá, C. "nghiện" lãnh án 5 năm tù về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Mãn hạn tù, C. "nghiện" mò sang casino K. góp vốn với trùm Th., H. "sự" vào casino Winn.
Đám "áo đen" sòng Winn đã xúm nhau tẩn cho C. "nghiện" một trận tả tơi. Chịu không nỗi, C "nghiện" chạy tháo thân. Đám "áo đen" sòng Winn xách dao, súng đi lùng sục, truy sát C. "nghiện" ở khắp các sòng bạc.
Trùm sòng Winn là S. (giang hồ California gốc Việt) cho đàn em điều tra nguyên nhân và biết được đạo diễn của C. "nghiện" là Th. - trùm sòng Darling. Đến khoảng 22 giờ, trùm S. cùng hai "áo đen" thân tín là H. và T. "mập" đột nhập vào sòng Darling. Cả ba dàn hàng ngang đi thẳng vào khu ăn uống của sòng Darling thét lớn: "Thằng Th. đâu ra chơi với tụi tao?".
Được "áo đen" báo cáo qua bộ đàm, trùm Th. xuất hiện. Sau vài câu giao đãi, trùm S. đấm thẳng vào mặt trùm Th. Lập tức, đám "áo đen" của Darling bao vây 3 thầy trò trùm S. dùng roi điện chích. T. "mập" rút súng ra bảo vệ trùm S. nhưng chưa kịp làm gì đã ăn phải roi điện chúi xuống đất nằm co giật. Bên ngoài casino, một nhóm "áo đen" của trùm S. toan xông vào giải cứu chủ nhân. Ph và S "ngón" - 2 đại ca "áo đen" của sòng Darling rút súng ngắn bắn lên trời 12 phát đạn để áp đảo tinh thần đối phương. Báo hại hàng trăm con bạc đang "khát nước" sợ quá chui tọt xuống gầm bàn nằm run. Nhiều con bạc không kiềm chế "nỗi lòng" té vãi nước ra sàn.
Trùm S. cùng thuộc hạ bị shock điện nằm ngay đơ. Chưa hả cơn, đám "áo đen" sòng Darling lấy nước tạt cho nạn nhân tỉnh lại rồi tiếp tục thay nhau giẫm, đạp... Chưa hết, đám "áo đen" Darling hốt 3 thân thể đẫm máu lên xe 7 chỗ hướng về Svayrieng chạy sâu vào nội địa Campuchia để phi tang thi thể.
Đám "áo đen" của trùm S. phải cầu cứu Cảnh sát Hoàng gia. Nhờ có sự can thiệp của cảnh sát, trùm S. và đệ tử mới được ném xuống đường. Đàn em trùm S không dám đưa 3 nạn nhân vào bệnh viện Campuchia mà bí mật nhập biên Việt Nam đưa sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau này, khi đã vượt qua khỏi cơn thập tử nhất sinh, ông S. mới biết C. "nghiện" là con mồi nhử để ông chui vào cái bẫy giăng sẵn của đám "áo đen" Darling. Từ sau vụ đó, sòng Darling và sòng Winn đóng cửa. Trong những ngày lê la sòng bài, chúng tôi nghe đám cái bang kháo nhau: Sòng Winn sắp khai trương trở lại. Lần khai trương này, Winn sẽ khuyến mãi mỗi khách hàng, kể cả cái bang 1 vé lucky trị giá đặt cược 300.000 VND.
Sau vụ nổ súng tranh giành quyền lực, trùm S., trùm Th. và các đàn em được các cơ quan bảo vệ luật pháp Campuchia “chăm sóc”. Riêng C. "nghiện" được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) của Việt Nam sang tận nơi điệu cổ về nước vào tháng 6/2012 để làm rõ một số hành vi phạm pháp mà y còn nợ ở quê hương.
Chúng tôi còn được đám cái bang kể rằng, H. "sự", một đại tỉ trong giới giang hồ Hải Phòng, từng dính 4 tiền án tiền sự về cờ bạc, cá độ bóng đá, buôn lậu và buôn bán ma túy cũng được ông trùm casino King Crow có tên là Asem mời về làm đại tỉ chỉ huy đám "áo đen" sòng này.
Tại sòng King Crow còn có một "áo đen" đáng gờm là H. "đen". H. "đen" là một đại ca đao búa ở Vũng Tàu. Trốn lệnh truy nã sau một trận thư hùng đầy máu để giành lãnh địa với một đại ca khác, H. "đen" vù sang cụm casino K đầu quân dưới trướng H. "sự" làm "áo đen".
Người ta còn chứng kiến nhiều lần "áo đen" sòng King Crow đụng độ với “áo đen” sòng Le Macao gần đó vì tranh giành khách VIP. Le Macao là của trùm A. H. - Một giang hồ có bề dày sóng gió ở Macau và Hong Kong. Chỉ huy đám "áo đen" của sòng Le Macao là L. "vàng" - một giang hồ nghiện ma túy đá, thường tự rạch tay, bụng phún máu để… giải trí. Có lần, chính L. "vàng" tự tay cầm mã tấu chém thẳng vào mặt H. "sự". Ngay sau đó, "áo đen" sòng King Crow xông vào phòng quản lý của Le Macao truy sát L. "vàng". Đáp lại, "áo đen" của Le Macao cũng xách súng ngắn xông thẳng vào King Crow tìm H. "sự". Cho đến tận bây giờ "áo đen" của 2 sòng vẫn ghìm nhau mọi lúc.
Theo Nông Huyền Sơn (An ninh Thế giới)