Ý thức và văn hóa giao thông kém của người Việt là nguyên nhân chính gây ra các vụ giao thông thảm khốc thời gian qua
Nói cho cùng, có hai nguyên nhân lớn và cơ bản nhất liên quan đến vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay đó là: cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế và ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông.
Trong hai nguyên nhân lớn này thì vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông nếu muốn cải thiện khắc phục nhất định cần có lộ trình và nhiều yếu tố phức tạp khác như tầm nhìn về quy hoạch đô thị hay tiềm lực, sức sống của nền kinh tế đất nước...
Dẫu vậy đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn thảm khốc và làm chết nhiều người như nguyên nhân thứ hai.
Bởi lẽ, tuy vấn đề hạ tầng, đường sá còn nhiều hạn chế nhưng nếu ý thức và văn hóa giao thông của người Việt tốt hơn thì tin chắc rằng sẽ không có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc và khủng khiếp như vừa rồi.
Thế nên, trong khi chờ đợi một lộ trình để Việt Nam có được một cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh và hiện đại thì việc nâng cao ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông là những việc cần phải chấn chỉnh ngay để mỗi người Việt trước hết bảo vệ bản thân mình và không gây nguy hiểm cho người khác.
Xe máy trườn lên vỉa hè lúc tan tầm (Ảnh minh họa: vtc.vn). |
Có nhiều yếu tố liên quan đến ý thức và văn hóa giao thông, trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn nhấn mạnh đến hai vấn đề cụ thể đó là: ý thức chấp hành luật pháp về giao thông và sự tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau của người Việt khi tham gia giao thông.
Ở góc độ văn hóa, theo tôi, đây là hai vấn đề người Việt kém nhất. Từ thực tế các vụ tai nạn giao thông cho thấy, có những tài xế chỉ vì một tích tắc giành đường, vượt ẩu, hoặc sử dụng má túy và uống rượu bia nhưng vẫn ngồi sau tay lái để rồi sau đó tông xe vào người khác... gây ra những cái chết rất thương tâm.
Đây là gì nếu không phải là sự coi thường luật pháp và thiếu tôn trọng, không biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh mình?
Nhìn rộng ra, đây phải chăng cũng là biểu hiện của sự suy đồi và xuống cấp về đạo đức, văn hóa trong xã hội hiện nay – vấn đề mà đã rất nhiều lần các chuyên gia văn hóa, giáo dục đã lên tiếng cảnh báo.
Một xã hội mà con người không biết thượng tôn pháp luật cũng như không biết yêu thương, nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau thì sự hỗn loạn âu cũng là lẽ tất yếu.
Giải pháp nào?
Vì “ý thức” và “văn hóa” của con người là những vấn đề thuộc về “thói quen” của con người trong suy nghĩ và hành xử, ứng xử.
Trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay, theo tôi để khắc phục và thay đổi những thói quen ấy (nhất là những thói quen xấu) không thể trông chờ vào sự tự giác hay những cách làm, cách tuyên truyền mang tính phong trào, hình thức mà nhất định phải cần đến sự can thiệp và chế tài mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan thực thi pháp luật.
Với tinh thần như vậy, tôi thử nêu ra đây một vài nhóm giải pháp để “những người có trách nhiệm” hiện nay nhất là ở hai ngành giao thông và công an tham khảo.
Ở từng nhóm giải pháp tôi cố gắng nêu và phân tích một vài thực trạng trên cơ sở đó đề ra cách làm thật cụ thể chứ không chung chung theo kiểu “chúng ta phải làm sao, phải làm thế nào...” như lâu nay mọi người vẫn thường nghe nhưng kết cuộc vẫn đâu vào đấy, chẳng có sự chuyển biến nào đáng kể.
Thực hiện nghiêm quy định về khám sức khoẻ định kỳ cho lái xe |
Nhóm giải pháp về hành lang pháp lý
Có 4 vấn đề cơ bản và quan trọng sau đây:
Thứ nhất, thực tế cho thấy, đa phần các tài xế xe tải, xe ben, xe container ở nước ta hiện nay là những người có trình độ học vấn không cao, thậm chí có người chỉ đạt mới qua ngưỡng biết đọc chữ.
Đây chính là yếu tố quan trọng tác động và ảnh hưởng đến nhận thức, ý thức và văn hóa giao của các đối tượng này.
Việc các cơ quan chức năng đang phải triển khai tổng kiểm tra tình trạng tài xế sử dụng chất ma túy là minh chứng cụ thể nhất.
Vậy nên, theo tôi, thời gian tới nhất định chúng ta cần tổng rà soát các quy định, quy trình về việc thi, cấp bằng, nâng bằng cho người điều khiển các phương tiện giao thông đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn như xe tải, xe container... và cái tài xế là nữ giới; phải xem xét lại quy định về việc tổ chức khám sức khỏe, độ tuổi và trình độ học vấn của các đối tượng này.
Ví dụ, anh muốn lái xe tải, xe container với tải trọng lớn ngoài việc phải đảm bảo về sức khỏe thì trình độ học vấn tối thiểu phải tốt nghiệp phổ thông trung học và tuổi đời phải từ 35 tuổi trở lên.
Thứ hai, cần quy định và chế tài cụ thể đối với các chủ doanh nghiệp vận tải liên quan đến các vấn đề điều kiện làm việc (ăn ngủ, nghỉ ngơi...) nhằm đảm bảo sức khỏe cho các tài xế tùy vào số km trên tuyến đường dài hay ngắn.
Ví dụ, cần có quy định bắt buộc các doanh nghiệp vận tải phải đảm bảo sử dụng hai tài xế cho các phương tiện xe tải, xe container để luân phiên thay nhau cầm lái trên tuyến đường di chuyển từ 300 km trở lên.
Song song đó là yêu cầu về việc kiểm tra định kỳ sức khỏe (có thể rút ngắn xuống so với quy định hiện hành) đối với các tài xế trong các doanh nghiệp vận tải đường dài để phòng ngừa các đối tượng này có sử dụng ma túy hay không?
Song song đó là những quy định về việc chịu trách nhiệm liên đới của các chủ doanh nghiệp vận tải trong các trường hợp tuyển dụng tài xế tùy tiện, thiếu xác minh, thẩm tra về lý lịch (trường hợp tài xế nghiện ngập, có vấn đề về sức khỏe tâm thần, sử dụng bằng lái xe giả, gian lận trong kiểm định...).
Thứ ba, cần có quy định tước bằng lái vĩnh viễn đối với các đối tượng sử dụng chất ma túy; nâng mức phạt và thời hạn giam bằng với các trường hợp uống rượu bia... nhưng vẫn tham gia giao thông.
Thứ tư, rà soát lại các quy định hiện hành về thời hạn và quy trình kiểm định xe bốn bánh; cần thiết phải xem xét rút ngắn thời gian kiểm định với các loại xe khách, xe có tải trọng lớn, di chuyển thường xuyên trên tuyến Bắc - Nam.
Xem xét cho phép tư nhân hóa hoạt động kiểm định kèm theo đó là các quy định chế tài và liên đới chịu trách nhiệm đối với các trung tâm kiểm định.
Thực tế hiện nay cho thấy các trung tâm kiểm định xe do Nhà nước quản lý đang tồn tại nhiều bất cập thậm chí là tiêu cực.
Ví dụ, đa phần các trung tâm kiểm định hiện nay chỉ đặt ở nội ô trung tâm của các tỉnh thành, điều này đã gây khó khăn cho việc mang xe đi kiểm định của các doanh nghiệp ở xa.
Vì khi gần đến hạn kiểm định có doanh nghiệp đang cho xe vận chuyển hàng hóa ở nơi khác nên việc mang xe đến các cơ quan kiểm định rất bất tiện. Vậy nên, cần xem xét để tư nhân hóa hoạt động này.
Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải |
Việc bố trí các trung tâm kiểm định cũng nên xem xét đặt dọc theo các tuyến quốc lộ để thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp vận tải đường dài.
Cùng với đó, cần quy định cụ thể các hình thức chế tài và chịu trách nhiệm liên đới của các cơ quan kiểm định để hạn chế tiêu cực trong hoạt động này.
Ví dụ, nếu có trường hợp xe gây tai nạn mà cơ quan chức năng xác định do mất thắng hay nổ vỏ nhưng giấy tờ kiểm định vẫn còn trong thời hạn, các thông số kỹ thuật lẽ ra vẫn còn đảm bảo thì đó chính là dấu hiệu, biểu hiện của sự thông đồng hoặc giả mạo... của cơ quan kiểm định với các tài xế và chủ doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp về chống tiêu cực trong lực lượng chấp pháp về quản lý và an toàn giao thông
Có thể thấy đa phần các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do các tài xế xe tải, xe ben, xe container gây ra đối với người đi xe gắn máy hay đi bộ vừa qua đương nhiên người chịu trách nhiệm trước hết là các tài xế đặc biệt là những trường hợp sử dụng mà túy và uống rượu bia...
Tuy nhiên, nếu ngẫm kỹ lại chúng ta sẽ thấy các tài xế chỉ là một mắc xích trong vấn đề này. Cụ thể, do yêu cầu và áp lực về thời gian di chuyển theo “đúng lộ trình” mà các doanh nghiệp yêu cầu nên nhiều tài xế đã bất chấp những quy định về điều khiển phương tiện giao thông (chở quá tải, chạy quá tốc độ, lấn len, giành đường...).
Ngoài ra do nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế (như phân tích ở trên) không ít người đã không kiểm soát được bản thân tìm đến ma túy như một liệu pháp để giảm căng thẳng và tỉnh táo hơn.
Hay nói khác đi, trong nhiều trường hợp các tài xế xe tải, xe ben, xe container...vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của những hành vi tiêu cực trong vấn đề phát hiện và xử lý vi phạm về các quy định an toàn giao thông của một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất...
Ở phương diện nào đó, phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa và gián tiếp của khá nhiều vụ tai nạn giao thông trên cả nước thời gian qua?
Qua các phương tiện truyền thông chúng ta đã từng được biết có không ít các cán bộ, cảnh sát, thanh tra giao thông trong ngành công an bị xử lý vì móc ngoặt, thông đồng với các chủ doanh nghiệp vận tải...để tạo ra tình trạng “xe vua” và bỏ qua các lỗi vi phạm (như quá tải, đi vào nội ô, đường cấm trong giờ cao điểm...) gây bức xúc trong nhân dân.
Vụ các thanh tra giao thông ở Thành phố Cần Thơ gần đây bị phát hiện và xử lý vì nhận tiền từ các chủ doanh nghiệp vận tải để “bán đường” cho các doanh nghiệp vận tải là một ví dụ điển hình.
Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không tùy tiện đánh đồng hay “vơ đũa cả nắm” nhưng cần thừa nhận rằng vấn nạn móc ngoặt, chung chi hay có người nói vui là các doanh nghiệp vận tải phải “đóng hụi chết” cho một bộ phận cán cán bộ tha hóa biến chất trong lực lượng cảnh sát giao thông là có thật.
Vấn nạn tiêu cực này đến nay đã được xử lý triệt để và tận gốc hay chưa thiển nghĩ chỉ có “những người trong cuộc” và có liên quan là hiểu rõ nhất.
Tuy vậy, ở đây trong cái nhìn tổng thể về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây (trong đó có các tài xế xe tải, xe container sử dụng ma túy) chúng ta cần chân thành và nghiêm túc nhìn lại mọi vấn đề có liên quan, có như thế mới mong tìm ra những giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất để giải quyết bài toán tai nạn hiện nay.
Trong cái nhìn như vậy, tôi cho rằng trong vai trò của một cơ quan tham gia quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp về những quy định về đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, ngành công an cần nghiêm túc, dũng cảm nhìn lại những vấn nạn, hay biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ các cán bộ phụ trách giao thông của đơn vị mình, từ đó kiên quyết xử lý làm trong sạch bộ máy của mình trước.
Làm được điều này không những sẽ lấy lại niềm tin mà còn là cách tuyên truyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của người dân trong lĩnh vực giao thông vận tải. Từ đây, theo tôi, có ba việc quan trọng ngành công an cần làm ngay như sau:
Thứ nhất, phối hợp với các ban ngành có liên quan tổng kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý các trường hợp móc ngoặc, giả mạo trong hoạt động khám sức khỏe, thi sát hạch cấp bằng, nâng bằng, kiểm định xe...của các tài xế và các trung tâm y tế, kiểm định xe...
Thứ hai, thường xuyên rà soát, thanh kiểm tra và kiên quyết xử lý thậm chí tước quân tịch, loại ra khỏi ngành đối với những cán bộ, cảnh sát giao thông tha hóa biến chất có dấu hiệu nhũng nhiễu hay nhận tiền chung chi từ các tài xế hay các chủ doanh nghiệp vận tải để bỏ qua các lỗi vi phạm của họ...
Cùng với đó là kiên quyết xử lý hành vi móc ngoặt, chung chi, hối lộ từ các chủ doanh nghiệp để “mua đường” giành quyền ưu tiên cho doanh nghiệp mình...
Thứ ba, cần ra quy định nghiêm cấm những cán bộ, lãnh đạo cả trong lẫn ngoài ngành lợi dụng chức vụ, quyền hạn và mối quan hệ cá nhân để can thiệp việc xử lý những đối tượng vi phạm giao thông của cấp dưới hay của cơ quan đơn vị mình.
Nhóm giải pháp về phương thức, cách thức tuyên truyền và tuần tra giao thông
Thứ nhất, có thể thấy hiện nay việc tuần hành, cắm chốt của lực lượng cảnh sát giao thông phần nhiều chỉ diễn ra trong nội ô các thành phố với mục đích điều tiết giao thông để chống ùn tắc là chính.
Trong khi đó, các vụ tai nạn giao thông nhất là các vụ nghiêm trọng lại chủ yếu diễn ra trên các tuyến quốc lộ, nơi giao nhau với các tỉnh lộ, hương lộ... những nơi ít có bóng dáng của các chiến sĩ cảnh sát giao thông.
Vì vậy, theo tôi thời gian tới ngành công an cần nghiên cứu và xem xét việc bổ sung, tăng cường cường biên chế, quân số cho lực lượng cảnh sát giao thông.
Song song đó là xem xét lại vấn đề lương thưởng, trợ cấp cho lực lượng này để họ thay phiên nhau thường xuyên tuần hành kiểm tra, cắm chốt (24/24) trên các tuyến đường, cung đường thường xảy ra tai nạn giao thông...
Thứ hai, thay đổi cách thức tuyên truyền pháp luật về giao thông cả về cách thức lẫn nội dung. Cụ thể nên hạn chế cách tuyên truyền bằng việc giăng mắc các băng rôn, khẩu hiệu ngoài đường phố hay các hội thi mang tính phong trào hình thức.
Thực tế thời gian qua cho thấy cách thức và nội dung tuyên truyền này tuy tốn kém nhưng hiệu quả không cao vì tất cả chỉ nặng về lý thuyết suông và nhất là ít tác động đến các đối tượng lẽ ra cần phải biết như các tài xế xe ben, xe khách, xe tải đường dài... những đối tượng như đã nói có xuất phát điểm về trình độ học vấn không cao.
Vậy nên, các cơ quan chức năng nên chăng nghiên cứu và xem xét bắt buộc cách chủ doanh nghiệp vận tải và các tài xế phải định kỳ đến tham dự các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật giao thông (thông qua những câu chuyện, những vụ việc tai nạn giao thông...) do các chuyên gia và cán bộ cảnh sát giao thông trình bày.
Ngoài ra nên tăng cường tuyên truyền phổ biến qua hệ thống truyền thanh cũng như ứng dụng công nghệ qua điện thoại di động...
Thứ ba, ngành công an cần thay đổi nhận thức trong vấn đề ghi hình xử lý các tài xế xe tải, xe container vi phạm quy định về tốc độ trên các tuyến quốc lộ.
Cần biết rằng việc xử lý này là cần thiết nhưng mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra nhằm bảo vệ tính mạng của người dân khi tham gia giao thông chứ không nhằm mục tiêu tăng ngân sách thông qua việc xử phạt vi phạm.
Với ý nghĩa như vậy, thay vì để cho các cảnh sát giao thông đứng hay ngồi ở đâu đó dùng máy bắn tốc độ nên thường xuyên tuần hành bằng xe chuyên dụng trên suốt tuyến đường.
Vì thực tế cho thấy khi biết có cảnh sát giao thông ngồi ở địa điểm nào đó bắn tốc độ thì các tài xế vẫn có cách liên lạc với nhau thông qua những ám hiệu riêng hoặc điện thoại di động mà họ mang theo.
Thế nên họ chỉ sẽ giảm tốc độ ở những đoạn đường có cảnh sát giao thông đứng canh và khi qua đoạn đường ấy thì bất chấp và như thế thì tai nạn vẫn xảy ra.
Trên đây là một số vấn đề, một số giải pháp nhằm hướng đến việc từng bước thay đổi ý thức và văn hóa giao thông của người Việt hiện nay.
Đây là những vấn đề mà theo tôi là hoàn toàn không khó thực hiện và cần được triển khai ngay để bảo vệ tính mạng người dân trong bối cảnh các vụ tai nạn giao thông đang có xu hướng tăng cao hiện nay.
Dĩ nhiên, sẽ còn nhiều ý kiến và giải pháp khác từ phía bạn đọc và các chuyên gia giao thông để bài toán tai nạn giao thông được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Và thay vì tranh cãi liên miên những vấn đề thuộc về tương lai chúng ta hãy chung tay góp sức hành động ngay vì tính mạng con người, của đồng bào là trên hết.