Ăn cơm chan nước mắt, lao động bị giữ lại trái phép ở Ả Rập tiếp tục kêu cứu

01/02/2016 08:44
THỤY DU
(GDVN) - Lao động cầu cứu Công ty phái cử lao động không thành, quay sang cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập, với mong muốn sớm đoàn tụ với gia đình.

Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát  (đơn vị phái cử lao động) có dấu hiệu "bỏ mặc" người lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi, sau khi họ kết thúc hợp đồng với chủ sử dụng.

Mặt khác, theo phản ánh của một số lao động tại đây, sau khi kết thúc hợp đồng, người lao động Việt Nam không được chủ sử dụng ký tiếp hợp đồng, cũng như không đáp ứng đầy đủ chế độ tiền lương, chi phí sinh hoạt theo quy định trong hợp đồng.

Sự việc khiến nhiều lao động Việt Nam hoang mang, lo lắng: “Tao sẽ cho mày về theo dạng bị trục xuất, còn bây giờ mày phải đi làm lúc nào tao bảo nghỉ mới được nghỉ. Còn mày không đi làm tao không cho mày về nước”, anh, N.V.Đ, một lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi dẫn lời chủ sử dụng lao động cho biết.

Trong khi đó, tại mục 5, điều II, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Ả Rập Saudi,  quy định quyền và trách nhiệm của Công ty Vĩnh Cát thể hiện rõ: Tổ chức cho người lao động đi và về theo đúng hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài.

Mục 17.3 điều III, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động ghi rõ: Khi lao động kết thức hợp đồng phải về nước. Nếu gia hạn hợp đồng phải được sự đồng ý của Công ty Vĩnh Cát.

Như vậy, về trách nhiệm, Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát không thể thoái thác trách nhiệm của mình trong việc tổ chức đưa lao động về nước sau khi kết thúc hợp đồng (theo quy định tại mục 5, điều II).

Bữa cơm chan nước mắt của lao động Việt Nam tại Ả rập Saudi (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bữa cơm chan nước mắt của lao động Việt Nam tại Ả rập Saudi (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước sự việc có liên quan, hôm 29/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, việc đơn vị phái cử lao động, chủ sử dụng lao động không tổ chức cho lao động về nước đúng thời hạn là việc làm tắc trách, sai quy định.

"Theo quy định, sau khi người lao động kết thúc hạn hợp đồng lao động với chủ sử dụng, đơn vị có liên quan phải hoàn tất thủ tục đưa lao động về nước.

Đây là trách nhiệm của đơn vị phái cử lao động và chủ sử dụng lao động", đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.

Cũng theo đại diện Cục này, trong một số trường hợp việc tổ chức cho người lao động về nước

Ăn cơm chan nước mắt, lao động bị giữ lại trái phép ở Ả Rập tiếp tục kêu cứu ảnh 2

Cắn răng nhịn nhục làm hết hợp đồng, lao động Việt Nam bị giữ trái phép ở Ả Rập

đúng quy định cũng gặp không ít khó khăn.

"Không phải Công ty nào cũng có đại diện bên nước ngoài để tổ chức cho lao động về nước kịp thời hạn. Chẳng hạn như trường hợp lao động giúp việc lẻ tẻ ở các hộ gia đình...

Do đó, đến ngày kết thúc hợp đồng lao động, đơn vị quản lý lao động cũng khó mà đưa đón từng người ra sân bay để về nước.

Đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước cảnh báo: “Trường hợp lao động hết hợp đồng vẫn ở lại nước ngoài vì một lý do nào đó là vi phạm, đồng thời có thể phải chịu rủi do không đáng có.

Trong trường hợp, chủ sử dụng lao động cố tình giữ trái phép người lao động ở lại khi kết thúc hợp đồng, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập".

Đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước cam kết: "Chúng tôi sẽ dựa vào thông tin Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, đề nghị các đơn vị có liên quan nhanh chóng tổ chức cho lao động về nước theo quy định".

Trong một diễn biến có liên quan, sau khi tiếp nhận phản ánh của người lao động và thông tin đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, hôm 30/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả - Rập Saudi đã liên hệ, làm việc với người lao động Việt Nam đang bị chủ sử dụng "giữ" trái phép tại đây.

"Đại sứ quán Việt Nam có gọi chúng tôi lên làm việc, viết tường trình để sớm hoàn thiện hồ sơ, đưa lao động về nước theo quy định...", anh N.V.Đ, một lao động Việt Nam tại Ả rập thông tin.

THỤY DU