Cô giáo vay tiền học cho con, chữa bệnh cho chồng vì tiền chế độ bị xâm phạm

21/04/2018 07:07
TRỰC NGÔN
(GDVN) - Những ngày tháng phải chịu đắng cay, tủi nhục khi chế độ nhà giáo bị xâm phạm khiến cô Qúy không thể quên. Cơ quan chức năng thì xử lý chưa nghiêm minh.

“Vay tiền đóng học cho con, chữa bệnh cho chồng”

Vay tiền đóng học cho 2 con nhỏ và mua thuốc chữa bệnh cho chồng là những tháng ngày không thể quên được đối với cô Lê Thị Qúy, giáo viên Trường tiểu học  Điền Lư II (Bá Thước  - Thanh Hóa).

Đó là những tháng ngày tiền chế độ nhà giáo của cô Qúy bị xâm phạm, để đòi lại quyền lợi những ngày qua, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục nhận được lời kêu cứu của cô Qúy phản ánh về việc chế độ bị xâm phạm nhưng cô liên tục bị nhà trường nhắc nhở, cấp trên “để ý” nhiều nhưng sự việc không được giải quyết.

Suốt thời gian dài, cô Qúy đã cõng đơn đến gõ cửa nhiều nơi, gia đình có hoàn cảnh không mấy khá giả, nhưng những chế độ của cô Qúy được hưởng thì các cấp quản lý có thẩm quyền vẫn còn bỏ ngỏ.

Điểm qua sự việc cô Qúy đã phản ánh, vào thời điểm năm học 2012 – 2013 bà Nguyễn Thị Ngọ, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Lư II đã lợi dụng công tác điều động, luân chuyển viên chức nhằm trù dập, cắt 70%  phụ cấp nhà giáo khi chưa có quyết định thuyên chuyển công tác.

Sự việc này trái với Quy định tại Điều IV Quyết định số 3678/2011/QĐ-UBND ngày 08/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, và các quy định hiện hành khác.

Sau khi luân chuyển trái quy định, bà Quý đã trực tiếp đề nghị lãnh đạo trường xem xét lại rất nhiều lần nhưng không được giải quyết.

Trường Tiểu học Điền Lư II, nơi bà Nguyễn Thị Ngọ đã từng công tác và gây ra sai phạm. Ảnh: Nguồn http://thdienlu2.pgdbathuoc.edu.vn.
Trường Tiểu học Điền Lư II, nơi bà Nguyễn Thị Ngọ đã từng công tác và gây ra sai phạm.  Ảnh: Nguồn http://thdienlu2.pgdbathuoc.edu.vn.

Thay vào đó, vị hiệu trưởng vẫn cố tình tổ chức phân công nhiệm vụ chéo khối, chéo lớp, từ giáo viên khối lớp 1 thành khối lớp 4, 5, dẫn đến việc thấp kém về chuyên môn, từ đó không chi trả chế độ phụ cấp nhà giáo cho bà Quý từ tháng 9/2012 – 2/2013 là 7.209 nghìn đồng.

Buộc bà Quý phải kí cam kết ăn chia 70% phụ cấp ưu đãi nhà giáo của mình với cô Quán và cô Lý, cộng với 80% tiền buổi 2, thu của học sinh.

Ngày 4/02/2013, sau khi bà Quý có đơn kiến nghị thì bất ngờ liền bị sa thải, chuyển thành giáo viên văn phòng 2 buổi/ngày.

Lúc đó, về chế độ, lương cộng với phụ cấp của bà Quý trong tháng 3/2013 tiếp tục bị xâm phạm gần 7 triệu đồng (chỉ áp dụng riêng cho bà Quý)

Tổng số tiền lương và phụ cấp của bà Quý đã bị xâm phạm là 14.131.000 nghìn đồng.

“Tôi đã nói trước Hội đồng sư phạm nhà giáo và Ban lãnh đạo mới, tôi có thể mất một tháng lương nhưng không thể mất tất cả, trả không đầy đủ, không đúng quy định hiện hành.

Nguyên hiệu trưởng ở Thanh Hóa xâm phạm chế độ nhà giáo vẫn đương chức

Không thể xâm phạm chế độ tháng 3 năm 2013 của tôi được, tôi không ký nhận lương là do còn thiếu số tiền tôi được hưởng.

Tháng 3 năm 2013 tôi đã phải vay mượn mới có tiền ăn, tiền đóng học cho 2 đứa con, và tiền chữa bệnh cho chồng, những năm tháng tủi nhục ấy tôi không thể quên được”, cô Qúy kể.

Những kiến nghị trên đã được phản ánh, song phía chính quyền địa phương không có động thái vào cuộc giải quyết.

Vấn đề cô Qúy thắc mắc, tại sao quyền lợi bị xâm phạm từ những năm trước đây nhưng  cấp trên lại chuyển  vụ việc về trường, giao cho Hiệu trưởng mới giải quyết.

“Tôi nghĩ vụ việc xâm phạm chế độ nhà giáo của tôi là do nguyên hiệu trưởng trước gây ra. Tại sao nhiều năm qua tôi có đơn, tôi gửi đơn cho cơ quan báo chí, cấp trên cứ chuyển về nhà trường giải quyết.

Bây giờ hiệu trưởng mới không rõ được sự việc thì giải quyết sao cho tôi, rồi lấy ý kiến của tất cả giáo viên trong nhà trường về tôi, việc làm này tôi cho rằng rất ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của tôi trong thời điểm này.

Nếu cấp trên quan tâm, tại sao lại không giải quyết ổn thỏa cho tôi mà lại đưa về nhà trường giải quyết để gây khó dễ cho tôi”, cô Qúy bức xúc cho biết.

Vụ việc được chúng tôi phản ánh, những tưởng Ủy ban nhân dân huyện Bá Thước sẽ vào cuộc xử lý dứt điểm, nhưng thay vào đó vụ việc không những không được giải quyết mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người có đơn “kêu cứu”. 

Vi phạm Luật Đấu thầu, tỉnh yêu cầu dừng, Sở Giáo dục vẫn "cố đấm ăn xôi"

Trả lời về những nội dung có hay không việc nhà trường nhận “lệnh” của cấp trên để nhắc nhở, răn đe cô Qúy, ông Lê Quang Tám, Hiệu trưởng Trường tiểu học Điền Lư II phủ nhận.

“Tôi chỉ nhắc nhở cô Qúy không được đơn thư vượt cấp, nếu có đơn thư vượt cấp thì sẽ bị chuyển trường thôi”, ông Tám giải thích.

Còn theo lý giải của ông Nguyễn Văn Tùng Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước thì việc giải quyết như trước đó của Phòng là hợp lý?

“Chủ tịch huyện cũng đang yêu cầu chúng tôi giải quyết, mà như thế tôi thấy là hợp lý, tại bà Qúy không đồng ý đấy thôi”, ông Tùng nói. 

Chuyển công tác nhằm thoái thác trách nhiệm?

Theo Kết luận thanh tra số 60/PGD&ĐT ngày 22/3/2013 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước cho thấy, lãnh đạo nhà trường xét chưa đúng đối tượng thuộc diện phải điều động, thuyên chuyển năm 2012.

So với những giáo viên có thời gian công tác ở vùng đặc biệt khó khăn dưới 5 năm ở Trường tiểu học Điền Lư 2 thì bà Lê Thị Quý thuộc diện chưa phải điều động trong năm học 2012 – 2013.

Hiệu trưởng khi phân công chuyên môn đã không căn cứ vào kết quả xếp loại chuyên môn năm học 2012 – 2013, vì có những giáo viên trong trường có kết quả xếp loại chuyên môn thấp hơn bà Quý.

Chủ tịch huyện Như Thanh sử dụng lao động trái luật, thanh tra đang ở đâu?

Về chế độ, Ban giám hiệu nhà trường, kế toán trường, bà Lê Thị Quý, Lê Thị Lý cũng như tập thể nhà trường đã làm sai nguyên tắc tài chính.

Như thế có nghĩa là những sai phạm của bà Nguyễn Thị Ngọ, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Lư II là đã quá rõ ràng, tuy nhiên thì bà Ngõ vẫn đương nhiệm Hiệu trưởng ở đơn vị mới. 

Đồng thời, những kiến nghị, phản ánh của bà Qúy đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào giải quyết thỏa đáng. Tiền lương, chế độ của bà Qúy vẫn phải đợi câu trả lời của huyện Bá Thước.

TRỰC NGÔN