Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của người dân, hiện đang sinh sống tại hẻm 200 đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong hẻm này có một cơ sở bồi dưỡng văn hóa cho học sinh, nhưng khi phụ huynh đón con ồn ào, chiếm hết lối đi.
Tối ngày 28/2, tiếp phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngay tại chính địa chỉ trên, ông Nguyễn Ngọc Hải (tuy nhiên trên website được cho là của trung tâm ghi tên là Lâm Phước Hải) – chủ cơ sở bồi dưỡng văn hóa Phước Thịnh thừa nhận, đây là cơ sở bồi dưỡng văn hóa chưa được chính quyền địa phương cấp phép.
Theo ông Hải cho biết, lý do chưa được cấp phép là do cơ sở bồi dưỡng văn hóa này dạy thêm cho học sinh tiểu học.
Tổng số học sinh đang theo học ở cơ sở là 62 học sinh, bao gồm 2 lớp 4, 5 và 1 lớp dạy môn Văn cho lớp 6. Dù vậy, tại website của mình thì ghi là cơ sở này có dạy cả lớp 7 và 8.
Học sinh tiểu học theo học ở cơ sở này học các môn Anh Văn, luyện thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa, Toán tư duy, và 1 số các kỹ năng sống khác).
Bài kiểm tra cuối khóa của một học sinh lớp 5 học ở cơ sở Phước Thịnh (ảnh: T.T) |
Giáo viên dạy ở cơ sở chủ yếu là các giáo viên đã về hưu, chứ không đang dạy ở các trường công lập.
Học phí, ông Hải thu của học sinh khối 4, 5 là 400.000 đồng/tháng, bao gồm 4 buổi học (trong đó có 2 buổi phụ đạo), còn lớp 6 thu học phí là 250.000 đồng/tháng.
Cũng theo chủ cơ sở dạy thêm Phước Thịnh, trước đây, ông Hải dạy ở 1 trung tâm bồi dưỡng văn hóa nổi tiếng của TP.Hồ Chí Minh (cấp tiểu học).
Thế nhưng, do chấp hành đúng quy định của thông tư 17 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thời gian gần đây, trung tâm này đã nghỉ, không còn dạy cho cấp tiểu học nữa, nên ông Hải mới về mở cơ sở này.
Vào giờ tan học thêm, người dân qua hẻm này rất khó khăn do học sinh và phụ huynh đứng rất đông (ảnh: T.T) |
Ngoài ra, theo ông Hải nói rằng, cũng còn do chính yêu cầu, nguyện vọng của phụ huynh học sinh muốn mở nữa.
Qua quan sát của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào tối ngày 28/2, do học sinh đang theo học cơ sở bồi dưỡng văn hóa này rất đông, nên mỗi tối, vào giờ phụ huynh đi đón học sinh (sau 20h), người dân sống tại hẻm 200 đường Cống Quỳnh hầu như di chuyển rất khó khăn.
Nguyên nhân là do hẻm thì rất nhỏ, mà phụ huynh đứng chờ đón học sinh thì chật hết hẻm.