Cử tri tỉnh Hải Dương bức xúc vì những sai phạm của Tập đoàn Nam Cường

26/01/2015 09:14
Duy Phong
(GDVN) - UBND tỉnh Hải Dương nhiều lần “đau đầu” vì những bức xúc của cử tri đối với sai phạm của Tập đoàn Nam Cường, nhưng việc xử lý vẫn "giơ cao đánh khẽ".

Cử tri phản ứng “gay gắt”

Tại Báo cáo số 97/BC-UBND tỉnh Hải Dương ngày 24/9/2014 về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII của UBND tỉnh Hải Dương nêu nhiều ý kiến bức xúc, gay gắt của người dân về các dự án của Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (Tập đoàn Nam Cường).

Dự án gây nhiều tai tiếng của Tập đoàn Nam Cường tại tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Duy Phong)
Dự án gây nhiều tai tiếng của Tập đoàn Nam Cường tại tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Duy Phong)

Cử tri phường Tân Bình, TP. Hải Dương đề nghị UBND tỉnh, thành phố: Tổ chức thanh, kiểm tra dự án Đầu tư xây dựng khu thương mại du lịch – văn hóa và đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương, mặc dù đã thay đổi quy hoạch tăng diện tích đất ở; giảm diện tích cây xanh, dịch vụ công cộng, hành lang và mặt đường giao thông nhưng đến nay vẫn còn nhiều dự án treo gây lãng phí và bất bình trong nhân dân. Nếu không thực hiện được tiếp thì thu hồi dự án giao cho chủ đầu tư khác đủ năng lực. Về việc này, UBND tỉnh Hải Dương trả lời cử tri:

Qua kiểm tra thực tế, dự án xây dựng Khu thương mại du lịch - văn hóa và đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện chậm, chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, gây lãng phí trong việc khai thác, sử dụng đất đai.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án của Tập đoàn Nam Cường, UBND tỉnh đã có Công văn số 693/UBND-VP ngày 26/4/2014, trong đó, yêu cầu Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật Khu Thương mại - Du lịch - Văn hóa và đô thị mới phía Tây (phân khu CD) trong đó tập trung trọng điểm vào việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Mặt khác, từ năm 2011 đến năm 2014, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã làm việc, thanh kiểm tra tại dự án này và đưa ra kết luận, kiến nghị xử lý với Thủ tướng Chính phủ với những sai phạm về tiến độ của Công ty Nam Cường. UBND tỉnh căn cứ kết luận thanh tra của Bộ TN&MT để chỉ đạo, giải quyết.

Nhiều công trình xây dựng sai phép tại Dự án của Nam Cường. (Ảnh: Duy Phong)
Nhiều công trình xây dựng sai phép tại Dự án của Nam Cường. (Ảnh: Duy Phong)

Cử tri phường Tân Bình, TP. Hải Dương còn đề nghị UBND tỉnh: Cải tạo, tu bổ con đường chung hai phường Tân Bình và Thanh Bình từ khu 7 xuống nghĩa trang, nằm trong quy hoạch của dự án khu đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương nhưng để lầy lội suốt 10 năm gây mất an toàn, vệ sinh và cảnh quan đô thị. Về việc này, UBND tỉnh Hải Dương cho rằng:

Theo quy hoạch được duyệt, tuyến đường Kênh Tre nằm trong dự án khu đô thị mới phía Tây mở rộng thành phố Hải Dương do Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư. Khi triển khai thực hiện dự án, Nhà đầu tư sẽ lấy cả tuyến đường hiện trạng trên và xây dựng tuyến đường mới có vị trí cách tuyến đường hiện trạng khoảng 50m về phía Tây với quy mô rộng 23,0 m và có những đường ngang kết nối với khu dân cư cũ.

Qua kiểm tra thực tế, tuyến đường Kênh Tre là tuyến đường đi ra Nghĩa trang nhân dân hai phường Thanh Bình, Tân Bình, nhu cầu đi lại của người dân cao, trong khi đó tuyến đường đã xuống cấp, mặt đường lầy lội vào những ngày mưa và bụi vào các ngày nắng gây mất vệ sinh môi trường và an toàn giao thông. Trong những năm qua, UBND thành phố đã nhiều lần có văn bản, ý kiến trực tiếp đề nghị Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội sửa chữa tạm thời tuyến đường đảm bảo cho việc đi lại của người dân; Công ty cũng đã thực hiện việc rải cấp phối, lu nèn mặt đường, tuy nhiên do là làm tạm thời nên qua thời gian mặt đường tiếp tục bị hư hỏng. UBND thành phố xin tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri và sẽ tiếp tục đôn đốc Công ty Nam Cường tiến hành duy tu, sửa chữa mặt đường đảm bảo việc đi lại.

“Con nợ” thuế của Nhà nước

Tại cuộc họp chiều 29/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển có ý kiến chỉ đạo: Qua kiểm tra thực tế, nhà đầu tư đã thực hiện xong tạm bàn giao cho thành phố Hải Dương quản lý sử dụng từ tháng 12/2008 gồm các hạng mục: san nền, đường giao thông, điện chiếu sáng, thoát nước mưa, thoát nước thải, cây xanh, vỉa hè, công viên; còn một số phần việc Nhà đầu tư chưa thực hiện được như việc cải tạo trạm bơm Phúc Duyên, trạm bơm tăng áp cấp nước sạch… Theo đó, nhà đầu tư (Tập đoàn Nam Cường) cần phải quyết toán và nộp vào ngân sách quỹ đất tỉnh giao thừa để thực hiện dự án khu đô thị phía Đông; đầu tư chỉnh trang lại một số tuyến đường, hệ thống thoát nước, trạm bơm…

Sở Tài nguyên Môi trường chỉ ra hàng loạt sai phạm của Nam Cường. (Ảnh: Duy Phong)
Sở Tài nguyên Môi trường chỉ ra hàng loạt sai phạm của Nam Cường. (Ảnh: Duy Phong)

Trước đó, ngày 30/6/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương có Công văn số 499/STNMT-G.Đất gửi UBND tỉnh Hải Dương với nội dung: Theo quy định tại khoản 5, Điều 43, Quyết định số 40/2009/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 của UBND tỉnh Hải Dương thì việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với dự án Khu thương mại – Du lịch – Văn hóa và Đô thị phía Tây mở rộng thuộc thẩm quyền của UBND TP.Hải Dương. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo về cơ chế, chính sách giải quyết khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm một số tồn tại trong công tác GPMB dự án, đề nghị UBND tỉnh giao UBND TP.Hải Dương khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và Hội đồng Bồi thường GPMB xem xét, tham mưu giải quyết.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cũng khẳng định: Theo Kết luận Thanh tra số 174/KL-TTCP ngày 25/1/2014 của Thanh tra Chính phủ thì việc giao cho Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội 10,6575ha đất Khu đô thị Bắc đường 52m để xây dựng Khu đô thị phía Tây không đúng quy định vì đây là dự án do UBND TP.Hải Dương làm chủ đầu tư không có trong quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Tài nguyên Môi trường cũng chỉ ra một loạt sai phạm, thiếu sót của Tập đoàn Nam Cường như: Việc cân đối quỹ đất giao cho Công ty theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng tại Khu đô thị đến nay chưa xong. Cơ chế thu tiền sử dụng đất chưa xác định, mặt khác, việc GPMB còn nhiều vướng mắc và còn phần lớn diện tích chưa lập được phương án. Vì vậy, theo quy định , chưa đủ điều kiện để bàn giao đất cho Nam Cường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Nam Cường hiện chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa được bàn giao đất nhưng Công ty đã có hợp đồng chuyển nhượng một phần diện tích khi chưa có quyết định chuyển giao dự án từ chủ đầu tư là UBND TP.Hải Dương. Nam Cường còn buông lỏng quản lý để cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình, thậm chí làm cả nhà ở trên diện tích chưa được giao, chưa có cơ chế thu tiền sử dụng đất…

Duy Phong