Hà Nội: Trường Cao Bá Quát thu tiền xã hội hóa gấp nhiều lần tiền bắt buộc

14/09/2017 06:54
Trinh Phúc
(GDVN) - Thực tế đang cho thấy các khoản tiền đóng góp bắt buộc đầu năm càng ngày chiếm tỉ trọng ít đi, trong khi các khoản tiền lạm thu thì tăng với tốc độ chóng mặt.

Năm học mới 2017 -2018, câu chuyện lạm thu trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh học sinh.

Các khoản tiền đóng góp bắt buộc đầu năm càng ngày chiếm tỉ trọng ít đi, trong khi các khoản tiền đóng theo kiểu xã hội hóa, tự nguyện hay còn gọi là lạm thu thì tăng với tốc độ chóng mặt.

Việc nhiều phụ huynh lên mạng xã hội phản ánh về nỗi bức xúc của mình do gánh nặng đóng học đầu năm ngày càng nhiều. Số phụ huynh ấm ức bằng mặt chứ không bằng lòng khi đóng tiền học cho con cũng rất lớn.

Điều này rất dễ giải thích, vì thực tế lương cơ bản chưa tăng, năng suất lao động thì tăng chậm hơn tăng lương cơ bản. Trong khi, các khoản thu tự nguyện – lạm thu lại tăng với tốc độ phi mã.

Nhà trường, phòng, sở lại cố tình không chịu hiểu về những áp lực tiền đóng học đầu năm mà cha mẹ học sinh đang phải gánh chịu.

Các khoản thu cứ mọc lên mà ít người biết được mục đích thực sự của các khoản thu đó như thế nào.

Trường Trung học Cơ sở Cao Bá Quát (ảnh Trinh Phúc).
Trường Trung học Cơ sở Cao Bá Quát (ảnh Trinh Phúc).

Câu chuyện ở Trường Trung học Cơ sở Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, Hà Nội là một minh chứng rõ nét.

Trong khoảng 15 danh mục nhà trường thu tiền thì có tới 11 khoản thu mang danh nghĩa tự nguyện. Tổng số tiền thu bắt buộc chưa tới 1 triệu đồng/mỗi học sinh.

Trong khi, số tiền thu khác chiếm đến hơn 5 triệu đồng. Nếu tính thêm tiền đồng phục học sinh 1,6 triệu nữa thì đây là con số đáng để suy ngẫm.

Nhìn vào danh sách các khoản thu của Trường Trung học Cơ sở Cao Bá Quát, có những khoản thu khi đọc lên không thể biết được thu để làm gì. Đơn cử như khoản xã hội hóa giáo dục 1 lần/năm mỗi học sinh nộp 250 nghìn đồng.

Rồi các khoản tiền mua ghế sắt 75 nghìn đồng; tiền phụ huynh nhà trường 150 nghìn đồng; tiền quỹ lớp 300 nghìn đồng;

Tiếp đó là tiền học thêm với danh nghĩa xã hội hóa như tiếng Anh có yếu tố nước ngoài hơn 1,6 triệu đồng/năm; tiền học mô hình buổi chiều hơn 1,3 triệu đồng/năm; tiền sổ liên lạc điện tử...

Các khoản thu của trường Trung học Cơ sở Cao Bá Quát khiến dư luận bức xúc những ngày qua (ảnh Trinh Phúc).
Các khoản thu của trường Trung học Cơ sở Cao Bá Quát khiến dư luận bức xúc những ngày qua (ảnh Trinh Phúc).

Được biết, Trường Trung học Cơ sở Cao Bá Quát vừa mới thành lập, đây là năm đầu tiên trường tuyển sinh.

Hiện toàn trường có 200 học sinh theo học. Cơ sở vật chất nhà trường rất khang trang với tổng mức đầu tư gần 61 tỉ đồng.

Để tìm hiểu rõ hơn các khoản thu, ngày 13/9 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm việc với bà Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh.

Giải thích về các khoản thu trên, bà Vũ Thị Lan Anh cho rằng: "Các khoản thu của nhà trường đều thực hiện đúng chủ trương của Sở, Phòng và có sự đồng ý nhất trí của phụ huynh học sinh".

Giải thích cụ thể về khoản thu xã hội hóa 250 nghìn đồng, bà Vũ Thị Lan Anh cho rằng: “Trường tuy có cơ sở vật chất khang trang và mới hoàn toàn nhưng sân trường lại không có cây xanh nên khi tổ chức các hoạt động các con sẽ bị nắng.

Vì thế, phụ huynh đưa ra ý kiến đóng góp mua một số ô, dù để khi tổ chức hoạt động các con không bị nắng”.

Hà Nội: Trường Cao Bá Quát thu tiền xã hội hóa gấp nhiều lần tiền bắt buộc ảnh 3Bức xúc thu tiền đầu năm Trường tiểu học Uy Nỗ, ai là người nói dối?

Nói về khoản thu tiếng Anh có yếu tố nước ngoài, bà Vũ Thị Lan Anh cho rằng: “Đây là chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội theo Đề án Ngoại ngữ 2020. Trung tâm Washington được Sở cho phép nên nhà trường tiến hành liên kết”.

Giải thích về khoản quỹ lớp 300 nghìn đồng và quỹ phụ huynh toàn trường là 150 nghìn đồng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đây thực chất là quỹ phụ huynh.

Phụ huynh đóng quỹ 450 nghìn đồng, trong đó dành 300 nghìn đồng để sinh hoạt tại lớp còn 150 nghìn đồng dành cho quỹ phụ huynh toàn trường.  

Giải thích của Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cao Bá Quát như vậy là không thuyết phục, vì thế phụ huynh mới bức xúc.

Chỉ riêng nhẩm tính số tiền quỹ phụ huynh 450 nghìn đồng nhân với 200 phụ huynh thì con số lên tới 90 triệu đồng.

Phụ huynh phản ánh khoản thu xã hội hóa 250 nghìn đồng/học sinh cũng rất lớn. Nhân lên với 200 học sinh thì trường thu số tiền 50 triệu đồng.

Các khoản thu ở trường Cao Bá Quát nói riêng và nhiều trường khác có hiện tượng lạm thu đều núp dưới danh nghĩa tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Đây là vấn đề đã rất cũ và xảy ra khá nhiều trong thời gian qua, nhưng cho đến nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa có biện pháp nào để ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Trinh Phúc