Ngày 23/4, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Một người dân ở làng hoa Tây Tựu kiện Chủ tịch Hà Nội”. Tới ngày 5/5, Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải bài viết “Vụ dân kiện Chủ tịch Hà Nội: Cục kiểm tra văn bản nói gì?”.
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, PV Báo Giáo dục Việt Nam phát hiện có tổng cộng 41 hộ dân ở đội 12 thôn Hạ (Tây Tựu) bị thu hồi từ 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên, nhưng vẫn không được áp dụng Nghị định 17/2006 của Chính phủ.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 4 của Nghị định 17: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định sau đây: “Được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; mức đất được giao do UBND cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định; giá đất được giao bằng giá đất nông nghiệp tương ứng cộng với chi phí đầu tư hạ tầng trên đất nhưng không cao hơn giá đất tại thời điểm thu hồi đất đã được UBND cấp tỉnh quy định và công bố”.
Cũng vì lý do này, trong số này hiện còn hai hộ dân kiên quyết không nhận tiền đền bù là Chu Hữu Đặng và Chu Hữu Hùng. Bên cạnh đó, UBND huyện Từ Liêm còn không giao quyết định thu hồi đất cho 2 gia đình nói trên và phương án đền bù cũng không áp dụng Nghị định 84, gây thiệt hại cho người dân.
Huyện Từ Liêm ra hai quyết định thu hồi trên một thửa đất
Vào ngày 31/12/2007, UBND huyện Từ Liêm ra quyết định số 6298/UBND, thu hồi đất của gia đình ông Chu Hữu Đặng phuc vụ cho dự án xây dựng đề pô xe điện. Tuy nhiên, bà Chung (vợ ông Đặng) cho biết: “Gia đình tôi không hề nhận được quyết định thu hồi đất, mà chỉ được UBND xã Tây Tựu thông báo bằng miệng là đến ủy ban xã nhận tiền đền bù. Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết là huyện Từ Liêm không áp dụng đúng các chính sách mà Chính phủ hỗ trợ cho người dân nên từ năm 2007 đến nay tôi kiên quyết không nhận tiền đền bù. Tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan ở Hà Nội chỉ hỏi một câu: Vì sao không áp dụng Nghị định của Chính phủ, để dân chúng tôi thiệt hại, nhưng không ai trả lời được”.
Sau một quá trình lòng vòng qua nhiều cơ quan gia đình bà Chung mới xin được bản sao của quyết định thu hồi đất nói trên. Từ đó mới phát hiện ra vào cùng ngày 31/12/2007, UBND huyện Từ Liêm ra tới 2 quyết định thu hồi đất của gia đình bà Chung, cùng số hiệu 6298, nhưng lại có hai nội dung hoàn toàn khác nhau.
Một quyết định ghi “Thu hồi 900m2 đất của hộ gia đình ông (bà) Chu Hữu Đặng thuộc thửa 211 (1), tờ bản đồ số 27, bản đồ năm 1994, tỷ lệ 1/1000 lưu tại UBND xã Tây Tựu”.
Còn tại một tờ quyết định khác thì ghi “Thu hồi 1159m2 đất thuộc thửa số 221 (1), tờ bản đồ số 27, bản đồ năm 1994 lưu tại UBND xã Tây Tựu, do hộ ông (bà) Chu Hữu Đặng đang sử dụng, trong đó 900m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và 259m2 đất do UBND xã quản lý”.
Cùng ngày 31/12/2007, ông Nguyễn Cao Chí khi đó là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký 2 quyết định thu hồi đất của gia đình ông Chu Hữu Đặng. Quyết định này thu hồi 900m2. |
... nhưng trong quyết định này thì thu hồi 1.159m2. Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Từ Liêm không áp dụng Nghị định 17/2006 và Nghị định 84/2007 dẫn tới thiệt hại cho nhiều hộ dân ở Tây Tựu. |
Cả hai quyết định mang cùng số hiệu được ký cùng một ngày bởi ông Nguyễn Cao Chí – Chủ tịch huyện Từ Liêm (nay đã nghỉ hưu) nhưng nội dung khác nhau, dẫn tới thiệt hại cho gia đình bà Chung tới 259m2 mà không được bồi thường theo chính sách của nhà nước.
Bà Chung nói: “Quyết định thu hồi đất ghi rõ ngày 31/12/2007, ấy thế mà theo giấy mời của Trung tâm phát triển quỹ đất thì gia đình tôi đến lĩnh tiền giải phóng mặt bằng thì có từ 16/7/2007, tức là đưa tiền cho dân trước 5 tháng rồi huyện Từ Liêm mới ra quyết định đền bù. Vậy khi chưa có quyết định thu hồi đất, nghĩa là chưa phê duyệt phương án đền bù cụ thể với gia đình tôi thì số tiền đó họ lấy từ đâu ra đền cho dân? Có phải là tiền túi của ông Nguyễn Cao Chí hay tiền túi của Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Từ Liêm?
Trong bảng kê tiền đền bù gửi kèm giấy mời này có cả chữ ký của ông Lê Văn Việt – Chủ tịch xã Tây Tựu. Chúng tôi kiên quyết không nhận vì có quá nhiều điều bất thường, phải chăng họ tìm cách lừa cho dân chúng tôi nhận tiền trước rồi ra quyết định đền bù, làm cho thành chuyện đã rồi. Làm như vậy là lừa dân, chúng tôi đề nghị lãnh đạo thành phố kiểm tra và xử lý nghiêm”.
Không áp dụng Nghị định 84/CP, dân thiệt đơn thiệt kép
Từ phát hiện gia đình mình có tới 2 quyết định thu hồi trên cùng một thửa đất, bà Chung đặt ra câu hỏi: Phải chăng huyện Từ Liêm làm một quyết định thu hồi đất của dân, còn một quyết định khác để báo cáo thành phố?
Điều bất thường nữa là khi lập phương án đền bù cho gia đình bà Chung, UBND huyện Từ Liêm lại chỉ đền bù 900m2, số còn lại 259m2 xác định do UBND xã Tây Tựu quản lý nên chỉ hỗ trợ đền bù 35 nghìn đồng/m2.
Bà Chung cho hay: “Tôi sửa dụng thửa đất này ổn định 30 năm nay không có tranh chấp với ai, thuế nộp đầy đủ. Đùng một cái họ nói là đất của xã quản lý. Việc này phải do xã ý kiến lên huyện thì người ta mới ra quyết định như vậy. Tôi hỏi ông Chủ tịch xã Lê Văn Việt, nhưng ông Việt không trả lời được. Tôi sẽ tiếp tục gửi đơn tới các cấp lãnh đạo đề nghị xử lý hành vi lạm dụng chức vụ gây thiệt hại cho dân”.
Một trường hợp khác là ông Chu Hữu Hùng cũng kiên quyết không nhận tiền đền bù cùng với lý do thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp nhưng không được áp dụng theo Nghị định 17/2006 của Chính phủ. Ngày 31/12/2007, UBND huyện Từ Liêm ra quyết định 6315 thu hồi đất của ông Chu Hữu Hùng, nhưng không giao quyết định thu hồi đất cho ông Hùng.
Sau khi xin được một bản quyết định photocopy, ông Hùng mới được biết bị thu hồi 740m2 đất (đo thực tế), nhưng phương án đền bù chỉ tính 552m (còn lại 188m chỉ hỗ trợ công khai hoang 35.000đ/m2).
Ông Chu Hữu Hùng kiên quyết không nhận tiền đền bù vì quyết định thu hồi đất không áp dụng Nghị định 17/2006 và Nghị định 84/2007 của Chính phủ. |
Ông Hùng búc xúc nói: “Thửa đất này gia đình tôi sử dụng ổn định từ năm 1981 đến nay không có tranh chấp, vì vậy theo Nghị định 84 ngày 25/5/2007 thì chúng tôi được đền bù theo diện tích đo thực tế là 740m, chứ không phải chỉ là 552m như trong sổ đỏ.
Tôi làm đơn đến UBND xã thì ông Lê Văn Việt lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND xã trả lời tôi bằng văn bản nói việc chuyển đất dư thừa sang đất công ích căn cứ vào hội nghị ngày 5/12/2006 của HĐND xã. Vậy tôi xin hỏi, HĐND xã có thẩm quyền quyết định việc sử dụng đất của gia đình tôi không? Căn cứ vào cái gì mà các ông chuyển đất chúng tôi sử dụng 30 năm nay sang đất công ích? Phải chăng vì tiền đền bù nên các ông làm như vậy? Tôi rất mong lãnh đạo thành phố sớm xem xét, xử lý những sai phạm này, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân chúng tôi”.
Vì sao UBND huyện Từ Liêm không giao quyết định thu hồi đất cho dân mà vẫn thông báo nhận tiền đền bù? Vì sao tại cùng một thời điểm, UBND huyện Từ Liêm không áp dung đền đất dịch vụ cho các hộ dân xã Tây Tựu, nhưng vẫn áp dụng đền bù cho người dân thuộc xã khác? Trong vụ việc này có tham nhũng và lợi ích nhóm hay không? Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại vụ việc này trong thời gian tới.