Vấn đề đưa mô hình trường học mới (VNEN) vào các trường học ở nước ta trong thời gian qua đang gây nhiều chú ý trong dư luận.
Đa phần nhiều phụ huynh không đồng tình với mô hình này. Lý do là sự bất cập về khả năng của học sinh, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường cũng như trình độ, năng lực truyền đạt của cán bộ giáo viên.
Với mô hình trên, sau một thời gian đưa vào thí điểm, trong năm học 2016 - 2017, tại một số tỉnh như: Hà Giang, Hà Tĩnh và Vũng Tàu đã quyết định dừng nhân rộng.
Trước đó, vào đầu năm học 2015 - 2016, tại một số Trường THCS ở Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Tại một số tỉnh thành, nhiều Hiệu trưởng các trường học đã phải thực hiện theo sự chỉ đạo từ cấp trên, áp dụng mô hình trường học mới VNEN. Tuy nhiên khó khăn của nhiều trường là vấp phải sự phản ứng từ phía phụ huynh.
Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng, trong thời gian hè, nhà trường phát sách giáo khoa thực nghiệm mô hình mới cho toàn học sinh khối lớp 2 và sau đó thu tiền (Ảnh MC) |
Điển hình, vào đầu năm học 2016-2017, nhiều phụ huynh trên địa bàn TP. Phủ Lý (Hà Nam) rất bất bình về việc làm của một số trường, trong đó có Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và Trường Lê Hồng Phong trong việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN).
Theo phản ánh của bậc phụ huynh có con, em theo học tại 2 trường trên, trong thời gian nghỉ hè, học hè, học sinh khối lớp 2 tại 2 trường trên được nhà trường phát cho mỗi học sinh một bộ sách giáo khoa thực nghiệm và yêu cầu học sinh về xin tiền phụ huynh đóng tiền sách.
Khi vào năm học mới, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và phổ biến, triển khai chương trình mô hình trường học mới (VNEN).
Tuy nhiên đa số các phụ huynh không đồng tình, buộc nhà trường phải dạy theo phương pháp truyền thống hiện hành.
“Phần lớn phụ huynh chúng tôi không đồng ý với mô hình trường học mới vì xét thấy năng lực của con mình không thích hợp với mô hình trường học mới.
Sau khi chúng tôi có ý kiến, nhà trường đã cho học theo phương pháp truyền thống, sau đó nhà trường lại tiếp tục bán sách giáo khoa chương trình truyền thống cho học sinh và yêu cầu nộp tiền đầy đủ.
Như vậy, hiện tại các cháu đã thừa một bộ sách, gây lãng phí, tốn kém…”, phụ huynh N.T.T cho biết.
Trước những vấn đề trên, theo phản ánh của phụ huynh, nhiều lần họ đã đem thắc mắc lên hỏi ý kiến lãnh đạo nhà trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phủ Lý nhưng đều bị né tránh.
“Tôi có trực tiếp hỏi cô Thuận (Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong) thì nhận được câu trả lời “sách thực nghiệm chúng tôi không thu lại, đây là do lãnh đạo phòng (Trưởng phòng Nguyễn Thị Ngà_PV) chỉ đạo. Riêng đối với Trường Nguyễn Thị Minh Khai thì luôn né tránh”, một phụ huynh (xin được giấu tên) cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai giải thích, mọi vấn đề đều được thông qua ý kiến của phụ huynh trước khi nhà trường thực hiện.
“Khi có kế hoạch triển khai của lãnh đạo phòng, chúng tôi cũng đề nghị giáo viên chủ nhiệm triển khai chương trình tới các phụ huynh.
Chúng tôi đưa ra 3 phương án về chương trình học, thứ nhất là học theo mô hình VNEN, thứ hai là học theo sách VNEN lồng ghép với sách hiện hành, thứ 3 là giảng dạy theo sách giáo khoa hiện hành và lồng ghép các thành tố tích cực của mô hình VNEN.
Trong phiếu lấy ý kiến, phụ huynh cũng đồng ý, nhất trí và đăng ký mua sách thì chúng tôi mới đăng ký mua. Và từ khi đó cho đến bây giờ chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ ý kiến nào của phụ huynh phản ánh về sách vở.
Về sách truyền thống hiện hành, mặc dù chúng tôi cũng đã có tủ sách cũ để cho học sinh mượn nhưng các phụ huynh đều tự chủ động mua sách mới cho con, em mình”.
Vào đầu năm học mới (2016-2017), khi nhà trường triển khai mô hình trường học mới (VNEN), nhiều phụ huynh không đồng tình, buộc nhà trường phải dạy học sinh bằng phương pháp truyền thống hiện hành. (Ảnh MC) |
Đối với Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, bà Đỗ Thị Bích Thuận, Hiệu trưởng nhà trường giải thích:
“Chúng tôi không nhận được ý kiến của phụ huynh nào thắc mắc về sách vở, bởi vì chúng tôi triển khai theo tình thần tự nguyện của phụ huynh.
Để làm được việc đấy, chúng tôi đã triển khai họp phụ huynh, khi phụ huynh không có nhu cầu học theo mô hình mới thì chúng tôi cũng đã báo cáo lên phòng, và qua phiếu thăm dò, ý kiến của các phụ huynh, hội phụ huynh cũng trả lời bằng văn bản là học theo chương trình hiện hành. Và chúng tôi cũng đã tôn trọng ý kiến của nhiều phụ huynh và triển khai theo chương trình hiện hành.
Ngay từ tuần học thứ 2 năm học mới, chúng tôi đã kiểm tra nề nếp sách vở của học sinh trên các lớp.
Đối với học sinh lớp 2 thì 100% các em đã có sách, riêng đối với học sinh nghèo khi mà triển khai theo kế hoạch chúng tôi đã cung cấp đầy đủ sách cho các em trong tủ sách của nhà trường.
Riêng đối với sách giáo khoa thực nghiệm thì thì chỉ mua bổ sung tham khảo chỉ với giá hơn 30 nghìn đồng cho 3 cuốn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội”
Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Ngà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phủ Lý cho biết:
“Trong năm học này, chúng tôi đã triển triển khai VNEN ở 22 trường trên địa bàn, việc triển khai mô hình trường học mới từ cuối năm học trước vào đầu năm học này.
Khi triển khai mô hình trường học mới phía chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều phụ huynh cũng chưa chuẩn bị, sẵn sàng cho con em học theo mô hình này.
Nhiều Sở Giáo dục vẫn âm thầm chỉ đạo làm VNEN để ...báo công(GDVN) - Một số Sở Giáo dục bất chấp sự bức xúc dư luận, hậu quả giáo dục tồi tệ của VNEN vẫn ngấm ngầm chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện mô hình này để “báo công”. |
Theo tôi nghĩ đây là một mô hình tốt, và chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động, khuyến khích các phụ huynh nên cho con em học theo mô hình này.
Còn về việc sách vở, chúng tôi cũng chưa nhận được ý kiến phản ánh nào lên phòng.
Vì khi có danh sách đăng ký của các phụ huynh thì chúng tôi mới đưa danh sách lên Sở để đăng ký lấy sách về.
Tôi nghĩ với 3 cuốn sách giáo khoa thực nghiệm để các phụ huynh, học sinh tham khảo nó cũng không có vấn đề gì.
Khi triển khai chúng tôi cũng yêu cầu các trường phải có sự trao đổi với phụ huynh để chọn phương án học sách nào, phù hợp với chương trình, phương án nào thì chúng ta triển khai học theo chương trình, phương án đó.
Còn việc thu lại sách thì đó là vấn đề khó, vì ở đây các phụ huynh tự nguyện đăng ký với nhà trường để lấy sách về”.
Trả lời của Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phủ Lý (Hà Nam) trên là vậy, tuy nhiên khi được yêu cầu cung cấp các văn bản họp phụ huynh, các giấy tờ liên quan đến lấy phiếu ý kiến của phụ huynh thì các lãnh đạo trên đều từ chối với nhiều lý do khác nhau.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD. Mô hình này khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Sau hơn ba năm triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam (từ năm học 2012-2013), cả nước có 54 tỉnh, thành triển khai mô hình này với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Theo văn bản của Bộ GD-ĐT đưa ra tháng 3/2016, dự án này kết thúc từ ngày 31/5/2016 và dự án bắt đầu ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường. |