Thêm nhiều sai phạm “tày trời” của ông Lê Văn Thư, Bí thư quận Bắc Từ Liêm

22/05/2017 16:01
Minh Anh
(GDVN) - Ngoài việc ban hành quyết định chuyển đất công ích sang đất nông nghiệp cho 36 hộ dân, ông Thư còn liên quan đến vụ án Phan Minh Nguyệt...

Biến đất công thành đất tư , gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng?

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 08/5/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kết luận số 39/KL-UBND trong đó có nêu rõ:

Dự án xây dựng cụm văn hóa thể thao xã Tây Tựu là công trình nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Từ Liêm, được triển khai trong điều kiện xã Tây Tựu và huyện Từ Liêm chưa hoàn thành việc giao đất nông nghiệp cho các hộ theo phương án đã được phê duyệt theo Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ.

Diện tích 15.528m2 để xây dựng Cụm văn hóa thể thao xã Tây Tựu nằm trong diện tích 17,05ha đất công ích do Ủy ban nhân dân phường Tây Tựu quản lý (đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1793/QĐ-UBND ngày 24/4/2000 về việc phê duyệt tỷ lệ (%) đất dành cho nhu cầu công ích khi thực hiện giao đất theo Nghị định 64-CP).

Ngoài việc ban hành quyết định chuyển đất công ích sang đất nông nghiệp cho 36 hộ dân, ông Lê Văn Thư, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm còn liên quan đến vụ án Phan Minh Nguyệt, cựu Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Ngoài việc ban hành quyết định chuyển đất công ích sang đất nông nghiệp cho 36 hộ dân, ông Lê Văn Thư, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm còn liên quan đến vụ án Phan Minh Nguyệt, cựu Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại Dự án Cụm văn hóa thể thao xã Tây Tựu có 25 hộ sử dụng đất liên tục từ thời điểm khoán 100 (1981) với diện tích  4.707,9m2/15.528m2 cho đến khi thực hiện giải phóng mặt bằng (năm 2012)

Ngày 26/12/2011, Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm có Quyết định số 12315/QĐ-UBND (do ông Lê Văn Thư ký) về việc chuyển vị trí đất nông nghiệp công ích tại xã Tây Tựu với nội dung:

Chuyển 14.707,9m2 đất nông nghiệp công ích do Ủy ban nhân dân xã Tây Tựu quản lý thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng cụm Văn hóa Thể thao Tây Tựu sang vị trí đất nông nghiệp không giao do Ủy ban nhân dân xã quản lý.

Lý do chuyển: Để thực hiện cân đối đất nông nghiệp bổ sung cho 36 hộ gia đình thường trú tại xã Tây Tựu hiện đang thiếu đất so với phương án giao đất”.

ngày 08/5/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kết luận số 39/KL-UBND trong đó có nêu rõ nhiều sai phạm của ông Lê Văn Thư.
ngày 08/5/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kết luận số 39/KL-UBND trong đó có nêu rõ nhiều sai phạm của ông Lê Văn Thư.

Kết luận thanh tra cho rằng, việc Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm ban hành Quyết định số 12315/QĐ-UBND ngày 26/12/2011 về việc chuyển vị trí 14.707,9m2 đất nông nghiệp công ích tại xã Tây Tựu, để thực hiện cân đối đất nông nghiệp bổ sung giao đất cho 36 hộ gia đình thiếu đất so với phương án giao đất theo Nghị định 64-CP là thực hiện không đúng với Quyết định 5416/QĐ-UBND ngày 20/10/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

Chỉ thị 03/CT-BTNMT ngày 01/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quá trình thực hiện UBND huyện Từ Liêm chưa báo cáo và chưa được Ủy ban Thành phố chấp thuận, là thực hiện chưa đúng sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND Thành phố tại Văn bản 4980/UBND-TNMT ngày 02/6/2009.

Kết luận Thanh tra khẳng định, đơn tố cáo ông Lê Văn Thư (hiện là Bí thư quận Bắc Từ Liêm) sai phạm trong việc ban hành Quyết định số 12315/QĐ-UBND ngày 26/12/2011 về việc chuyển vị trí đất nông nghiệp công ích (do Ủy ban nhân dân xã quản lý) sang cho 36 hộ dân quản lý là nội dung tố cáo đúng.

Theo đơn tố cáo, với Quyết định số 12315 mà ông Thư ký đã gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, tại Quyết định số 5044/QĐ-UBND ngày 29/7/2009 của Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm do Chủ tịch Nguyễn Cao Chí ký đã xác định rõ nguồn gốc đất: “Tổng diện tích đất thực hiện dự án dự kiến: 15.528m2 . Trong đó: +Đất nông nghiệp không giao theo Nghị định 64/CP do UBND xã quản lý: 15.115m2; + Đất chuyên dùng giao thông, thủy lợi (mương, đường) : 413m2”.

Từ đó chi phí bồi thường dự kiến giải phóng mặt bằng chỉ mất có: 3 tỷ 348 triệu đồng.

Tuy nhiên, bất chấp thẩm quyền không được phép, ngày 26/12/2011, ông Lê Văn Thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm đã ký Quyết định số 12315/QĐ-UBND để chuyển vị trí đất nông nghiệp công ích tại xã Tây Tựu.

Trong đó, ông Thư chuyển 14.707,9m2 đất thuộc dự án Xây dựng cụm văn hóa thể thao Tây Tựu sang vị trí đất nông nghiệp, nhằm biến đất công ích thành đất có thể giao cho các hộ thiếu đất theo Nghị định 64/CP để thực hiện cái gọi là “cân đối”.

Điều này nhằm mục đích biến đất công không phải bồi thường về “đất cân đối 64” – một “vở kịch” nhằm “rút ruột” ngân sách Nhà nước.

Bằng chứng cho việc “nâng khống” này là 31/12/2011, Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm ban hành quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 15 tỷ 438 triệu đồng lên 29 tỷ 157 triệu đồng.

Đặc biệt, đáng lưu ý là chi phí giải phóng mặt bằng tăng từ 3 tỷ 348 triệu đồng lên 17 tỷ 887 triệu đồng (tăng hơn 5 lần dự toán ban đầu).

Liên quan đến vụ án Phan Minh Nguyệt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố ông Phan Minh Nguyệt (cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cùng bà Nguyễn Thị Huyền Hảo (cựu kế toán trưởng Công ty) về tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bốn thuộc cấp khác của ông Nguyệt bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: Đỗ Văn Hảo, Đặng Thị Thanh Tâm, Dương Thị Chinh, Nguyễn Trọng Hùng.

Theo cáo buộc, từ tháng 12/2005 đến tháng 2/2015, ông Nguyệt đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền khác tổ chức tháo dỡ khu nhà kho cũ, tự lập dự án xây dựng nhà cho thuê tại Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm.

Trên diện tích 8.400m2, dự án này xây dựng 114 gian nhà, 14 ki-ốt. 138 người đã nộp tiền thuê nhà gần 47 tỷ đồng. Trong số này, ông Nguyệt bị cáo buộc đã sử dụng sai quy định, chi tiêu cá nhân gần 18 tỷ đồng.

Ông Nguyệt còn chỉ đạo các cán bộ dưới quyền thu trái phép; lập khống, hợp thức chứng từ, rút tiền từ nguồn vốn phục vụ sản xuất và bình ổn giá.

Ông Nguyệt nhận đã chi tiêu sử dụng cá nhân là hơn 40 tỷ đồng.

Do lo sợ bị phát hiện, ông Nguyệt đã lấy danh nghĩa Hadico vay ngân hàng 19 tỷ đồng, cùng với một số khoản ngoài sổ sách để bù vào tổng cộng hơn 25 tỷ đồng. Đến khi bị bắt, ông Nguyệt còn chiếm đoạt gần 15 tỷ đồng và gia đình đã khắc phục được.

Trước khi ban hành Kết luận số 39/KL-UBND, ngày 24/2/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kết luận số 19/KL-UBND.

Trong đó, có nêu nội dung tố cáo ông Lê Văn Thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (nay là Bí thư quận Bắc Từ Liêm) trong việc ký ban hành Quyết định số 12185/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 về việc bàn giao chợ Cầu Diễn cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico không đúng quy định, là tố cáo có cơ sở.

Ngày 24/2/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kết luận số 19/KL-UBND cũng nêu nhiều sai phạm của ông Lê Văn Thư.
Ngày 24/2/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kết luận số 19/KL-UBND cũng nêu nhiều sai phạm của ông Lê Văn Thư.

Theo kết luận 19 cho biết, ông Lê Văn Thư cùng Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nhiệm vụ của Thành phố giao tại Thông báo số 39/TB-UBND ngày 13/3/2014 về việc giải quyết đơn tố cáo của đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Cầu Diễn, huyện Từ Liêm.

Tuy nhiên thực tế với tư cách là người trực tiếp ký văn bản và là người đứng đầu nhưng ông Lê Văn Thư lại không bị xem xét kỷ luật trong khi việc ban hành quyết định sai gây ra hậu quả rất lớn và rất rõ ràng mang tính chủ quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 13/4/2009, Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm ban hành Quyết định số 1770/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Chợ Cầu Diễn trong đó nêu rõ các nội dung đáng chú ý như sau:

Tên dự án là Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ Cầu Diễn; Đơn vị trúng thầu là Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội;

Tiền cam kết hoàn trả giá trị tài sản còn lại cho ngân sách huyện là 2 tỷ 493 triệu đồng; Tiền hỗ trợ ngân sách huyện: 500 triệu đồng; Công ty Hadico có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền hỗ trợ ngân sách và số tiền hoàn trả giá trị trên đất còn lại của chợ Cầu Diễn vào ngân sách huyện trong thời gian  07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) …

Tuy nhiên, bất chấp việc nhà đầu tư không nộp đủ tiền, không nộp đúng thời hạn vi phạm nghiêm trọng quyết định phê duyệt trúng thầu thì đáng nhẽ ra Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm phải ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 6, Điều 28, Quyết định 15/2007/QĐ-UBND ngày 23/1/2007.

Thông báo kết luận tố cáo số 39/TB-UBND ngày 13/3/2014 của thành phố Hà Nội đã nêu rõ việc bàn giao cho Công ty trong khi chưa hoàn thiện một loạt những nội dung như:

chưa nộp số tiền hơn 1,4 tỷ đồng trong tổng số hơn 2,4 tỷ tiền hoàn trả giá trị còn lại của chợ Cầu Diễn, chưa hoàn thiện thủ tục trình UBND Thành phố thu hồi, giao đất; chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở tài nguyên môi trường thì trách nhiệm đó thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm và một loạt đơn vị tham mưu trực thuộc huyện này.

Bất chấp quy định của pháp luật và thực tế là Công ty trúng thầu vi phạm nghiêm trọng quyết định phê duyệt trúng thầu nhưng ông Lê Văn Thư vẫn ký Quyết định số 12185/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 đề bàn giao chợ Cầu Diễn cho Công ty Hadico để thực hiện cái gọi là “ quản lý, kinh doanh khai thác”.

Hệ lụy nhãn tiền của Quyết định sai trái này là đơn thư khiếu nại, tố cáo liên tục nổ ra dẫn đến 11 người kinh doanh buôn bán ở chợ Cầu Diễn đã bị bắt tạm giam do khiếu kiện đông người và va chạm với những người thi hành công vụ.

Công ty Hadico thì “thừa thắng” làm bừa, bất chấp quy định đã tự ý thu sai số tiền hơn 826 triệu đồng trong thời gian dài gần 2 năm tại chợ Cầu Diễn mà không bị Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm xử lý.

Trước những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của ông Lê Văn Thư, hiện là Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm cần phải được lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo xử lý ngay, để lấy lại niềm tin trong nhân dân Thủ đô và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật – bất kể người đó là ai, cũng phải bình đẳng trước pháp luật.

Minh Anh