Theo đề xuất của Bộ giao thông: Mức phí sẽ cao gấp 30 lần so với Pháp

30/03/2012 11:14
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Phí giao thông ở VN cao gấp 30 lần so với Pháp, nghịch lý bắt đóng phí tự hạn chế đi lại... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Phí giao thông ở Việt Nam cao gấp 30 lần so với Pháp

Trên Thanh niên Online đăng tải ý kiến của PGS.TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa TP.HCM “với 9 loại phí mà nhà nước đang và sẽ áp dụng từ 1/6/2012, mỗi chủ ô tô cá nhân (ô tô con) phải đóng thêm khoảng 70 - 90 triệu đồng/năm (tương đương 3.500 - 4.500 USD, tức là khoảng 233% - 300% GDP/đầu người). Tỷ lệ này là rất lớn so với nước ngoài. 

Ảnh minh họa: VEF
Ảnh minh họa: VEF

Ví dụ ở Pháp, tùy theo số km lăn bánh, trung bình mỗi chủ ô tô cá nhân phải đóng phí có liên quan đến giao thông khoảng 3.000 euro/năm, chiếm khoảng 10% GDP/đầu người. Như vậy, phí giao thông ở Việt Nam cao gấp 23 đến 30 lần so với Pháp ở cùng tiêu chuẩn so sánh. Đó là chưa kể, để có được một chiếc xe chạy trên đường, người Việt Nam đang phải trả một số tiền cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với các nước công nghiệp, trong khi GDP đầu người lại thấp hơn 20 lần.

Được lập luận là "thu phí sẽ hạn chế được xe cá nhân”, qua đó giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT), nhưng những con số tương phản nhức nhối trên không giải quyết được vấn đề. Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống giao thông công cộng ở TP.HCM và Hà Nội chỉ có xe buýt đáp ứng được hơn 7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố, 79% nhu cầu đi lại được giải quyết bằng xe gắn máy và khoảng 14% bằng ô tô cá nhân và taxi. Khi hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển thì người dân sẽ không có sự lựa chọn nào khác và vẫn phải chấp nhận đóng phí để đi lại”.

Nghịch lý bắt đóng phí tự hạn chế đi lại!

Trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam chia sẻ:  “Việc dùng cụm từ "phí hạn chế xe cá nhân" nghe không thuyết phục lắm vì chẳng nhẽ tôi nộp phí để hạn chế tôi. Theo tôi, không thiếu gì cách để hạn chế xe cá nhân nên không cần thu phí hạn chế xe cá nhân, vì nghe nó không thuận tai lắm”.

Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.
Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

Khi được hỏi mong chờ của ông vào các đại biểu quốc hội khi Thường vụ Quốc hội có yêu cầu Chính phủ và Bộ Giao thông báo cáo đề xuất thu phí này trước Quốc hội, ông nói “đại biểu Quốc hội là do cử tri bầu. Phát biểu của một số đại biểu trong Thường vụ Quốc hội cũng như Chủ tịch Quốc hội rất sát dân, hiểu được bức xúc của dân. Tôi hy vọng rằng các đại biểu Quốc hội sẽ có quyết định chuẩn xác và với nguyên tắc lấy dân làm gốc, chiếu cố điều kiện cuộc sống của dân hiện nay đang hết sức khó khăn… Tôi hy vọng các đại biểu sẽ thể hiện được mong muốn của người dân”.
Thu phí phương tiện giao thông cá nhân: “Hãy đưa ra một cái lệnh hợp lý”

Nguồn tin trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho hay, gần đây, chủ trương thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố đã trở thành một trong những chính sách tạo mối quan tâm lớn nhất của dư luận.

Chủ trương thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đang tạo ra nhiều luồng dư luận.
Chủ trương thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đang tạo ra nhiều luồng dư luận.

Điều này dễ hiểu khi đối tượng của các loại phí này liên quan mật thiết tới nhu cầu đi lại, sinh hoạt và kiếm sống của hàng chục triệu cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các bộ ngành cùng các địa phương nghiên cứu kỹ tính khả thi cũng như đánh giá tác động của việc thu phí phương tiện cá nhân, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những thông tin mới nhất cung cấp cho báo chí và người dân, đề án thu phí dường như còn chưa được đánh giá thấu đáo về tác động của quy định thu phí. Thậm chí, trong đề án còn có những điểm làm tăng sự quan ngại từ phía công luận về tính hợp lý, sự khả thi và tính công bằng của đề án này.
Phí giao thông sao chưa hợp lòng dân?

Thông tin đăng tải trên báo Pháp luật Việt Nam điện tử, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng về các loại phí liên quan đến giao thông vừa qua đã làm dấy lên một làn sóng dư luận nhiều chiều.

Luật sư Trần Đình Hùng chia sẻ “tôi được biết, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng phương án áp dụng một số loại phí mới cho ô tô và mô tô nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông, trong đó có loại phí mà dự kiến đặt tên là phí hạn chế phương tiện giao thông. Theo tôi, việc xây dựng phương án thu phí này là không đúng pháp luật.
Theo quy định của Pháp lệnh Phí và Lệ phí thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác; lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước, tổ chức được Nhà nước ủy quyền phục vụ. Theo đó, việc thu phí để “hạn chế phương tiện” thì không nằm trong nhóm dịch vụ công mà người dân phải trả phí. Do vậy, loại phí này thực chất không phải là… phí và lệ phí”.
Thu phí vào nội đô qua GPS khó khả thi
Trên trang Bee.net.vn đăng tải thông tin, ngay sau khi ý tưởng thu phí giao thông nội đô được đưa ra, đã có nhiều hiến kế về phương án thu phí. Trong đó, được nhiều người chú ý nhất là phương án thu phí thông minh qua thiết bị định vị GPS lắp trên các phương tiện giao thông cá nhân.

Trao đổi với phóng viên, TS.Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng ý tưởng này rất khó khả thi.

Sơ đồ về quản lý giao thông qua GPS
Sơ đồ về quản lý giao thông qua GPS

Theo TS. Huyền, đây là một phương án đắt đỏ, chưa phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam hiện nay. 
Không chỉ đắt đỏ, việc thu phí giao thông nội đô qua GPS còn chưa toàn diện. TS. Lê Thu Huyền cho rằng để việc thu phí công bằng, toàn diện thì không phải chỉ nhìn vào quãng đường phương tiện di chuyển mà còn phải nhìn vào hành trình của phương tiện qua các trọng điểm giao thông, thời gian phương tiện ở trên đường, hiệu suất sử dụng xe… “Xe ô tô chở một người cần phải được thu phí khác với xe ô tô chở nhiều người. Mà điều này thì GPS không thể giúp chúng ta được”.
Nghĩ kỹ khi thu phí từ tiền túi dân

Vietnamnet đưa tin, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị An cho rằng đề xuất thu phí lưu hành đối với phương tiện kiếm sống hàng ngày của dân chúng là giải pháp không khả thi, chưa kể mức sống của người dân còn thấp trong khi bài toán của vấn đề nằm ở cơ sở hạ tầng. Thu phí lưu hành ô tô, xe máy chỉ là giải pháp tình thế, ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân trừ những người đi xe "biển xanh".

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An không rõ vì sao lại thu phí đối với phương tiện kiếm sống hàng ngày của dân chúng
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An không rõ vì sao lại thu phí đối với phương tiện kiếm sống hàng ngày của dân chúng

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng đề xuất của Bộ GTVT khó đáp ứng được nguyện vọng của người dân: Việc hạn chế người dân sử dụng xe cá nhân chỉ nên thực hiện sau khi có một hệ thống đường và phương tiện giao thông công cộng khác đủ về số lượng, đa dạng về chủng loại, tốt về chất lượng.

Việc hạn chế xe cá nhân không chỉ đơn giản và trước hết là thu phí phương tiện giao thông, càng không thể thu một cách đồng loạt, cào bằng, ấn định không có cơ sở khoa học.

Người dân bỏ tiền ra để trả phí thì ngược lại họ có quyền nhận lại một dịch vụ có chất lượng tương đương và trên tinh thần tự nguyện. Để tạo được sự đồng thuận trong xã hội thì Bộ GTVT nên khảo khảo sát, phân tích lại các loại phí từ trước đến nay người dân đang phải đóng, từ đó đánh giá xem như vậy là nhiều hay ít, hiệu quả ra sao, đã khoa học và hợp lý chưa trên cơ sở đó có thể đề suất tăng - giảm, thêm - bớt các loại phí cho hợp lý.

Và điều quan trọng là nếu thu thêm phí, phải đảm bảo tính khoa học, có tính hợp lý, có mục tiêu và lộ trình cụ thể, được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan Tài chính và Quốc hội. Có như vậy người dân mới có thể yên tâm ủng hộ các chủ trương của Bộ.
Hải Phong (Tổng hợp)