Trường Đại học Lao động và Xã hội liên tiếp vi phạm quy chế trong tuyển sinh

17/03/2017 10:21
HỮU CHÍ
(GDVN) - Trong hai năm liền, Trường Lao động và Xã hội liên tiếp vi phạm quy chế trong tuyển sinh, cố tình không sửa đổi.

Trong kỳ thi tuyển sinh năm học 2015 – 2016, Trường Đại học Lao động và Xã hội có phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả của Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia để xét tuyển.

Tuy nhiên, Trường Đại học Lao động và Xã hội lại vi phạm về quy chế tuyển sinh trong việc xét điểm trúng tuyển của thí sinh cùng khóa tuyển sinh, cùng ngành, cùng địa bàn, cùng trình độ đào tạo nhưng mức điểm trúng tuyển lại khác nhau.

Cụ thể, trong kỳ tuyển sinh năm 2015, Trường Đại học Lao động và Xã hội lấy chỉ tiêu 3.750, số trúng tuyển là 3.518.

Liên tiếp trong 2 năm tuyển sinh, Trường Đại học Lao động và Xã hội sai sót đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kết luận (ảnh MC)
Liên tiếp trong 2 năm tuyển sinh, Trường Đại học Lao động và Xã hội sai sót đã được  Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kết luận (ảnh MC)

Điều trái ngược là điểm trúng tuyển đối với cơ sở Sơn Tây, ký hiệu DLT (cơ sở tại phố Hữu Nghị, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây – Hà Nội) ở nhóm Ngành Kế toán là 15 điểm nhưng ở cơ sở chính, ký hiệu DLX (Trường Đại học Lao động và Xã hội, địa chỉ tại số 43 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy – Hà Nội) lại là 18 điểm.

Đối với Ngành Quản trị nhân lực, điểm trúng tuyển vào cơ sở chính là 16,25 điểm nhưng Cơ sở Sơn Tây là 15 điểm.

Tương tự đối với Ngành Quản trị kinh doanh tại cơ sở chính số điểm trúng tuyển là 17 điểm, nhưng cơ sở Sơn Tây là 15 điểm. Ngành Công tác xã hội đối với cơ sở chính điểm trúng tuyển là 18,25 điểm, cơ sở phụ là 15 điểm

Sai phạm trên của Trường Đại học Lao động và Xã hội cũng đã được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra và kết luận.

Theo kết luận thanh tra số 982/KL-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học theo Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội đối với Trường Đại học Lao động và Xã hội.

Điểm trúng tuyển của thí sinh tại Cơ sở Sơn Tây cho cùng khóa tuyển sinh, cùng ngành, cùng trình độ đào tạo thấp hơn thí sinh tại trụ sở chính Hà Nội (ảnh MC)
Điểm trúng tuyển của thí sinh tại Cơ sở Sơn Tây cho cùng khóa tuyển sinh, cùng ngành, cùng trình độ đào tạo thấp hơn thí sinh tại trụ sở chính Hà Nội (ảnh MC)

Theo đó, trong việc tuyển sinh Trường Đại học Lao động và Xã hội vẫn còn hạn chế, thiếu sót:“Điểm trúng tuyển của thí sinh tại Cơ sở Sơn Tây cho cùng khóa tuyển sinh, cùng ngành, cùng trình độ đào tạo thấp hơn thí sinh tại trụ sở chính Hà Nội”

Trao đổi về vấn đề trên, ông Tống Duy Hiến, Phó chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Việc lấy điểm trúng tuyển cùng ngành, cùng khóa tuyển sinh, cùng trình độ đào tạo ở cơ sở phụ cùng địa bàn với cơ sở chính như vậy là vi phạm quy chế tuyển sinh.

Trong trường hợp nếu được sự đồng ý, cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đồng thời công khai việc lấy điểm trúng tuyển thì không sao, còn nếu mập mờ, chưa được sự đồng ý, cho phép của Bộ Giáo dục là hoàn toàn sai sót”.

Mặc dù việc tuyển sinh đầu vào có mức điểm chênh lệch như trên là sai phạm, đã được Bộ Giáo dục kết luận nhưng lãnh đạo Trường Đại học Lao động xã hội không chịu khắc phục, sửa chữa mà tiếp tục vi phạm.

Điển hình là trong kỳ tuyển sinh gần đây nhất, năm 2016, Trường Đại học Lao động và Xã hội tiếp tục lặp lại sai lầm tương tự như năm 2015.

Một số giảng viên Nhà trường cho biết: "Việc tuyển sinh đầu vào, cùng trên địa bàn Hà Nội nhưng chênh lệch điểm dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực và bất bình đẳng.

Ví dụ, như có nhiều trường hợp có mối quan hệ "ngoại giao" với lãnh đạo Nhà trường nhưng khi thi có điểm số thấp được cho về Sơn Tây học, hết kỳ 1 hoặc năm nhất sẽ lấy lý do cho về cơ sở Trần Duy Hưng, như vậy, điểm thi đầu vào 18 cũng giống như 15... Đây là một kẽ hở cho tiêu cực trong tuyển sinh".

Cũng liên quan đến việc tuyển sinh, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Trường Đại học Lao động và Xã hội để làm rõ, thông tin khách quan nhưng nhiều ngày trôi qua, phía lãnh đạo Nhà trường chưa có hồi âm.

Thậm chí, sáng ngày 14/03, phóng viên đã đến Trường Đại học Lao động và Xã hội liên hệ làm việc, sau khi tiếp nhận thông tin nội dung làm việc, ông Huy, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp hẹn phóng viên 15 phút sẽ gặp trao đổi và sắp xếp lịch làm việc. Tuy nhiên, sau đó ông Huy "bặt vô âm tín" và cũng không thông tin lại sự việc.

Đề nghị Bộ Giáo dục, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội sớm kiểm tra, làm rõ sự việc.

HỮU CHÍ